Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 18:12 (GMT +7)
Phát triển app dùng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ người nói lắp giao tiếp
Thứ 7, 01/07/2023 | 07:38:19 [GMT +7] A A
Ý tưởng phát triển app sử dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ người nói lắp giao tiếp vừa giành ngôi quán quân cuộc thi thiết kế thúc đẩy hòa nhập cho người khuyết tật – ADC 2023.
Accessibility Design Competition 2023 (ADC 2023) là cuộc thi thường niên dành cho sinh viên do Đại học RMIT Việt Nam tổ chức nhằm khuyến khích các ý tưởng sáng tạo giúp thúc đẩy hòa nhập cho người khuyết tật tại nơi làm việc.
Với khẩu hiệu “Make Change. Make Possible” (tạm dịch là “Thay đổi. Hiện thực hóa”), ADC mùa ba thu hút sự tham gia của hơn 110 sinh viên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cùng 40 chuyên gia đến từ các ngành nghề khác nhau giữ vai trò cố vấn, huấn luyện viên và giám khảo cho cuộc thi.
ADC 2023 gồm nhiều hoạt động diễn ra trong khoảng thời gian hai tháng, từ các lớp học do chuyên gia hàng đầu đứng lớp và hội thảo, đến các buổi cố vấn và giao lưu kết nối. Chuỗi hoạt động này trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đưa ra các giải pháp thúc đẩy hòa nhập cho người khuyết tật và gặt hái thành công trong cuộc thi.
Sinh viên tham gia cuộc thi không chỉ được trau dồi kiến thức về cuộc sống và những khó khăn thực tế của người khuyết tật tại nơi làm việc, mà còn học cách lập kế hoạch kinh doanh mang tính thực tiễn và bền vững cho sản phẩm mẫu mà họ đề xuất.
Theo Ban tổ chức, trong số 36 đội đăng ký tham dự ADC 2023, 6 đội xuất sắc nhất đã giành vé vào vòng chung kết để trình bày ý tưởng trực tiếp trước khán giả. Các đội thi này chủ yếu đến từ các trường đại học ở Việt Nam.
Kết quả chung cuộc, đội ATP gồm 3 sinh viên Đại học RMIT Việt Nam đã giành chiến thắng chung cuộc nhờ ứng dụng do nhóm thiết kế dành cho người nói lắp hoặc gặp khó khăn khi giao tiếp bằng giọng nói trong cuộc sống thường nhật. Đội ATP gồm 2 sinh viên ngành Cử nhân Truyền thông là Phạm Khánh Phương, Nguyễn Hà Thanh, và sinh viên ngành Cử nhân CNTT Nguyễn Quốc An.
Nhóm sinh viên này cũng vừa xuất sắc giành chiến thắng cuộc thi “Microsoft APAC AI for Accessibility Hackathon 2023” tại Việt Nam. Đây là cuộc thi do Microsoft tổ chức tại châu Á - Thái Bình Dương nhằm tìm kiếm những sáng kiến sử dụng trí tuệ nhân tạo giúp cải thiện hoạt động trong cuộc sống hằng ngày của người khuyết tật.
Nhóm ATP đã nảy ra ý tưởng xây dựng AI Speech Companion (Bạn đồng hành giọng nói AI) sau khi tìm hiểu nhiều nghiên cứu và câu chuyện chia sẻ cho thấy người nói lắp phải chịu nhiều hình thức phân biệt đối xử và bất lợi trong công việc. Ứng dụng hướng tới hỗ trợ người nói lắp chuẩn bị đầy đủ cho các hoạt động quan trọng như thuyết trình hoặc phỏng vấn.
Trưởng nhóm ATP Phạm Khánh Phương giải thích, ứng dụng có thể hỗ trợ người dùng soạn thảo nội dung và cung cấp cho họ môi trường để thực hành diễn đạt nội dung đó. Những người bị mắc chứng nói lắp sẽ cảm thấy bớt căng thẳng và tự tin hơn khi đến nơi làm việc.
“AI Speech Companion được thiết kế cho cả hành trình giao tiếp, thậm chí còn hỗ trợ khẩn cấp khi người dùng cảm thấy lo lắng hoặc bồn chồn trong các hoạt động giao tiếp”, sinh viên Phạm Khánh Phương cho biết thêm.
Nhận xét về sản phẩm mẫu của đội ATP, Tổng quản lý khách sạn Sofitel Saigon Plaza, ông Mario Mendis, thành viên Ban giám khảo cuộc thi ADC 2023 cho biết: “Đây là một cơ chế hỗ trợ tuyệt vời. Tôi nghĩ nó có thể giúp ích cho rất nhiều người từ việc cung cấp cho họ nhà ngôn ngữ trị liệu cá nhân”.
Một thành viên khác của Ban giám khảo ADC 2023, bà Anne-Cathrine Koch, Giám đốc khối kỹ thuật số và vận hành CNTT khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Schaeffler nhận xét: “Tôi thực sự thích thiết kế giao diện người dùng và trải nghiệm người dùng. Tích hợp liền mạch của các chức năng AI khác nhau cũng rất ấn tượng”.
Theo Vietnamnet
Liên kết website
Ý kiến ()