Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:57 (GMT +7)
Phát triển bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau
Thứ 7, 01/04/2023 | 10:16:55 [GMT +7] A A
Với nhiều cách làm sáng tạo, Quảng Ninh đã trở thành điểm sáng cả nước về thực hiện công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân, nhất là nhóm đối tượng yếu thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Đặc biệt, quyết sách mang tính đột phá quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 vừa được HĐND tỉnh khoá XIV thông qua tại kỳ họp 13 tiếp tục đánh dấu bước phát triển mới của tỉnh trong thực hiện mục tiêu mỗi người dân Quảng Ninh được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
"Trái ngọt" từ chương trình giảm nghèo
Tính đến thời điểm này, Quảng Ninh đã về đích Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trước 3 năm theo tiêu chí của Trung ương. Toàn tỉnh hiện còn 102 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,026% tổng số hộ dân toàn tỉnh; 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,635% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Tỉnh không có huyện nghèo, xã nghèo, có 1 địa phương là TP Hạ Long không còn hộ nghèo, cận nghèo; 3/13 địa phương (Quảng Yên, Cô Tô, Vân Đồn) không còn hộ nghèo; 9/13 địa phương còn lại tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%.
Với tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tỉnh là 0,026% như hiện nay, Quảng Ninh chỉ đứng sau TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu, trở thành địa phương về đích sớm nhất cả nước về giảm nghèo.
Kết quả đó là “trái ngọt” của những cách làm sáng tạo, đột phá, quyết tâm, quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như thực hiện của tỉnh Quảng Ninh triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU - nghị quyết đầu tiên và chuyên biệt về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thành lập ban chỉ đạo, cơ quan giúp việc các cấp. Tỉnh ủy và Ban chỉ đạo Chương trình MTQG tỉnh đã ban hành các nghị quyết, quyết định, kế hoạch và nhiều văn bản để chỉ đạo, tổ chức thực hiện; ban hành các cơ chế chính sách huy động phù hợp thực tiễn tại địa phương, đa dạng hóa hình thức huy động, để thu hút nguồn lực đầu tư...
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh trong nhiều cuộc họp: Tỉnh Quảng Ninh đã đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tư duy phát triển, nhất là tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau; kiên trì thực hiện chủ trương quy hoạch đi trước một bước, trong đó khai thác tốt lợi thế cạnh tranh tạo ra từ các hệ thống giao thông chiến lược, đồng bộ đã và đang hoàn thành để thúc đẩy mạnh mẽ liên kết vùng, nội vùng, hình thành các vùng động lực, hành lang phát triển mới để đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế, phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp, đổi mới tổ chức phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông nghiệp và ở nông thôn.
Trong huy động và tổ chức nguồn lực, tỉnh đã kiên trì thực hiện chủ trương lấy đầu tư công kích hoạt các nguồn vốn xã hội từ các thành phần kinh tế khác. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để khuyến khích phát triển sản xuất, hỗ trợ các địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách xây dựng NTM; đổi mới tư duy gắn kết chặt chẽ, hài hoà phát triển giữa đô thị với xây dựng NTM, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, giữa phát triển công nghiệp - dịch vụ với phát triển nông nghiệp; phát huy dân chủ, ý chí tự lực, tự cường, ý chí vươn lên của cán bộ, nhân dân. Trong tổ chức thực hiện luôn đề cao yếu tố đổi mới, sáng tạo, sự gương mẫu của người đứng đầu, của các địa phương cấp huyện, cấp xã các đơn vị.
Theo số liệu thống kê từ UBND tỉnh, giai đoạn 2011-2015, nguồn lực ngân sách hỗ trợ cho Chương trình MTTQ giảm nghèo bền vững của tỉnh là 814,4 tỷ đồng (không tính nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH). Trong đó, ngân sách tỉnh chiếm 74%, ước khoảng 603 tỷ đồng, còn lại là ngân sách Trung ương. Đặc biệt, giai đoạn này, tỉnh và các địa phương đã triển khai các chính sách đặc thù, xây dựng cơ chế khuyến khích thoát nghèo riêng. Nổi bật là Quảng Ninh thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg (ngày 7/8/2009) của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài mức hỗ trợ của Trung ương, Quảng Ninh đã hỗ trợ thêm 70.000 đồng/người/năm (Trung ương hỗ trợ 80.000 đồng) đối với người dân thuộc hộ nghèo ở xã khu vực II và 100.000 đồng/người/năm (Trung ương hỗ trợ 100.000 đồng) đối với người dân thuộc hộ nghèo ở các xã khu vực III.
Trong giai đoạn 2011-2015, tỉnh Quảng Ninh thực hiện hỗ trợ 39.426 hộ, với 157.914 khẩu, tổng kinh phí thực hiện là hơn 28 tỷ đồng.
Giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình MTTQ giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh là hơn 2.403 tỷ đồng (mức hỗ trợ của tỉnh đối với Chương trình 135, Đề án 196 cho mỗi xã cao hơn khoảng 7 lần so với mức bình quân chung theo cơ chế Chương trình 135, Đề án 196 của Trung ương).
Tại Hội nghị tổng kết chương trình MTQG xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững của tỉnh vừa qua, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao những kết quả ấn tượng của tỉnh đã đạt được: "Quảng Ninh đã có nhiều cách làm sáng tạo, cụ thể, năng động, quyết tâm quyết liệt và không phải địa phương nào cũng triển khai đồng bộ, thống nhất nhiều biện pháp như Quảng Ninh. Nguồn ngân sách xã hội và huy động từ các nguồn khác chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nguồn đầu tư ở tất cả các chương trình MTQG. Đây là cách làm rất tốt khi Quảng Ninh đã gắn trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, người dân vào hệ thống chính trị”.
Dấu mốc phát triển mới của tỉnh
Xuyên suốt quá trình phát triển, Quảng Ninh luôn hướng đến mục tiêu mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo; thu nhập, đời sống người dân phải thực sự được nâng cao. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân năm của người dân khu vực nông thôn đạt trên 5.000 USD và tới năm 2030 là đạt khoảng 8.000-10.000 USD; tỷ lệ số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch đạt chất lượng theo đúng quy chuẩn. Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM thông minh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; người nông dân và cư dân nông thôn có thu nhập cao, đời sống hạnh phúc và thịnh vượng.
Với việc hoàn thành sớm 3 năm Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ninh hiện thực hóa mục tiêu trên.
Tại kỳ họp thứ 13 vừa qua, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết Quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của tỉnh trong thực hiện mục tiêu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Với việc áp dụng theo hướng mức thu nhập cao hơn mức thu nhập quy định tại chuẩn nghèo của Chính phủ, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh và mức sống của người dân trên địa bàn tỉnh, Nghị quyết nhận được đồng tình, đánh giá cao của cả hệ thống chính trị, cử tri, nhân dân trong tỉnh.
Trưởng Phòng LĐ, TB&XH huyện Tiên Yên La Thị Thủy khẳng định: Việc ban hành quy định chuẩn nghèo riêng của tỉnh sẽ giúp mở rộng diện bao phủ đối với những người khó khăn, yếu thế; đồng thời cải thiện điều kiện sống cho một bộ phận dân cư trên địa bàn tỉnh. Qua đó, giúp đối tượng thụ hưởng chính sách tiếp cận gần hơn với mức sống tối thiểu của người dân, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của tỉnh và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, người nghèo có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đây cũng là chính sách an sinh xã hội hướng đến nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách chênh lệch mức sống của người dân giữa các vùng miền trong tỉnh. Đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện chủ đề công tác năm của tỉnh về nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Theo Nghị quyết, mức chuẩn nghèo của tỉnh giai đoạn 2023-2025 cao hơn khoảng 1,4 lần so với mức chuẩn nghèo quy định của Chính phủ. Trong đó, khu vực nông thôn là 2.100.000 đồng/người/tháng, khu vực thành thị là 2.600.000 đồng/người/tháng. Cùng với tiêu chí thu nhập như trên, quy định chuẩn hộ nghèo thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội trở lên, hộ cận nghèo thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội.
Chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cũng mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách. Ngoài 2.712 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn nghèo của Trung ương, toàn tỉnh sẽ có thêm 3.888 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Dự kiến số lượng hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2023-2025 là 6.600 hộ, trong đó hộ nghèo khoảng 1.400 hộ, tương đương 0,36% tổng số hộ dân toàn tỉnh. Hộ cận nghèo khoảng 5.200 hộ, tương đương 1,34 % tổng số hộ dân toàn tỉnh. Với lộ trình thực hiện trong 2,5 năm, toàn tỉnh phấn đấu giảm 1.000 hộ nghèo, 4.600 hộ cận nghèo. Đến hết năm 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều còn dưới 0,5%, còn 1.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh.
Là xã còn nhiều khó khăn của huyện Ba Chẽ, Đồn Đạc có 14 thôn, với trên 1.400 hộ dân, trong đó đồng bào DTTS chiếm tới 72%. Với các giải pháp quyết liệt trong thực hiện công tác giảm nghèo, hết năm 2022, toàn xã còn 14 hộ nghèo, chiếm 0,95%; 26 hộ cận nghèo, chiếm 1,7% theo quy định của Trung ương. Tuy nhiên, hiện xã còn nhiều hộ dân có hoàn cảnh thật sự khó khăn, thu nhập gần sát với chuẩn nghèo của Trung ương, nhưng kết quả chấm điểm các tiêu chí theo quy định thì chưa đủ điều kiện để đưa vào diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Qua rà soát sơ bộ theo quy định chuẩn nghèo mới của tỉnh, toàn xã sẽ có 30 hộ nghèo (tăng 16 hộ theo chuẩn nghèo của Trung ương), 286 hộ cận nghèo (tăng 110 hộ theo chuẩn nghèo của Trung ương). Như vậy, với quy định chuẩn nghèo mới của tỉnh cao hơn của Trung ương, những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp trên địa bàn xã sẽ được thụ hưởng chính sách, giúp họ có điều kiện vươn lên, thoát nghèo bền vững.
Ông Đặng A Sám (hộ nghèo của thôn Làng Cổng, xã Đồn Đạc), phấn khởi cho biết: Việc tỉnh ban hành mức chuẩn nghèo mới cao hơn so với Trung ương cho thấy tỉnh rất quan tâm đến đời sống của nhân dân, nhất là những hộ gia đình ở địa bàn khó khăn như chúng tôi. Với chính sách mới này tiếp thêm động lực để gia đình cũng như nhiều gia đình khác trên địa bàn xã nỗ lực vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Phường Hà Phong (TP Hạ Long) hết năm 2022 cũng không còn hộ nghèo, cận nghèo; đời sống nhân dân trên địa bàn đã được nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, thực hiện chuẩn nghèo của tỉnh, dự kiến Hà Phong sẽ có 10 hộ dân thuộc diện hộ cận nghèo. Phó Chủ tịch UBND phường Hà Phong Ngô Thị Mai cho biết: Các hộ này chủ yếu là các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu hụt về tiêu chí thu nhập, việc làm, người phụ thuộc trong hộ gia đình. Hiện phường tập trung thực hiện nhiều chính sách an sinh để hỗ trợ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn như tặng sổ tiết kiệm, thẻ bao hiểm, tạo công ăn việc làm, sửa chữa nhà ở…
Bước sang giai đoạn mới của chương trình giảm nghèo với các yêu cầu cao hơn đòi hỏi trách nhiệm mới, quyết tâm mới của mỗi địa phương, mỗi đơn vị trong tỉnh không chỉ trong giai đoạn 2023-2025 mà phải tầm nhìn xa hơn. Phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XIV, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị từ tỉnh tới cơ sở phải nâng cao trách nhiệm, tích cực, chủ động hơn nữa trong cụ thể hóa, nhất là cấp xã, cấp huyện phải quyết tâm, quyết liệt hơn nữa tạo được chuyển biến thực chất về nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, với những tiêu chí cơ bản là người dân được sống ổn định, an toàn, ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội văn minh, lành mạnh, có trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn hóa phát triển.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()