Tất cả chuyên mục

Ba kích tím, là một trong 5 sản phẩm chủ đạo của huyện Ba Chẽ, được huyện xác định là cây lâm sản ngoài gỗ giúp người dân trong huyện xoá đói giảm nghèo. Đặc biệt từ năm 2006-2007 thực hiện nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh và nguồn vốn chương trình 135, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Chẽ đã tiến hành gieo ươm giống cây ba kích tại huyện và đã xây dựng được 2 mô hình trồng ba kích tím tại 2 xã Thanh Lâm, Minh Cầm diện tích 2ha, qua đó cho thấy ba kích tím là cây dễ trồng, trồng 1 lần cho thu hoạch nhiều lần, vì vậy ba kích tím sẽ mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, lâu dài cho người dân. Để phát triển mở rộng vùng sản xuất ba kích tím phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện, Ba Chẽ đã xây dựng định hướng phát triển đến năm 2015 là 616ha, sản lượng đạt được 616 tấn khô.
![]() |
Ba kích tím trồng theo phương pháp thâm canh của HTX Toàn Dân. |
Nhằm cụ thể hoá mục tiêu đã đề ra, năm 2013 huyện đã xây dựng dự án trồng cây ba kích tím theo hướng thâm canh (lên luống, làm giàn) tổng kinh phí hỗ trợ là gần 5 tỷ đồng (trong đó nhân dân đóng góp trên 1,2 tỷ đồng) thực hiện tại 6 xã. Đồng thời hỗ trợ 70% giá giống ba kích tím theo phương pháp nuôi cấy mô đối với hộ gia đình trồng mới theo phương pháp thâm canh lên luống từ 1.000-2.000m2. Mật độ 5.000 cây/ha. Hỗ trợ 100 triệu đồng cho 3 mô hình thực hiện đầu tiên đối với hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trồng mới giống cây ba kích tím theo phương pháp thâm canh, lên luống từ 10ha trở lên. Đến nay đã triển khai được 55,1ha (Lương Mông 1,0ha; Minh Cầm 0,66ha; Thanh Lâm 23,99ha; Thanh Sơn 25,05ha; Đồn Đạc 7,3ha). Trong đó: Dân 4,06ha; doanh nghiệp 51,04ha (HTX toàn dân 21,04ha, Công ty CP Xây dựng và Thương mại TKL 20ha, Công ty CP Phát triển rừng bền vững 5ha, Công ty CP Đầu tư Kỷ Tâm 5ha).
Ông Lê Công Tiềm, Chủ nhiệm HTX Toàn Dân là một trong những người đi đầu trồng ba kích tím theo hướng thâm canh cho biết: Trước đây ở Ba Chẽ, người ta thường trồng ba kích dưới tán rừng, tự cho nó leo lên cây, nhưng củ thường không có hoặc rất nhỏ. Sau khi được hướng dẫn, tôi đã mua một máy cày đất, một máy xúc đất để xới tung đất vốn trước kia trồng keo. Sau đó, làm giàn để cho ba kích leo, rồi bón phân, làm cỏ đều đặn. Ba kích mọc tự nhiên, nhiều cây rất to, củ dài từ 40-50cm… Hiện nay, để đạt được mục tiêu năm 2014 phát triển 17,5ha ba kích tím trong các hộ dân, huyện vẫn đang tích cực vận động và hỗ trợ (giống, công làm đất, phân bón vi sinh).
Tuy nhiên, để phát triển sâu rộng cây ba kích tím theo hướng thâm canh, Ba Chẽ đang gặp không ít khó khăn, là “bài toán khó” đang tìm lời giải. Bởi lẽ, việc trồng cây ba kích tím đòi hỏi một quy trình khắt khe từ lai ghép, cấy mô, đất ươm mầm… và phải trồng ở những khu vực thấp, nhiều bóng mát, qua đó để trồng đại trà là một điều hết sức khó khăn. Chi phí đầu vào lớn vài chục triệu đến trăm triệu đồng cho một ha. Trong khi đó, tập quán sản xuất của người dân nơi đây chỉ trồng các loại cây đơn giản, dễ trồng, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, ngoài ra về nguồn vốn để đầu tư trồng ba kích tím cũng là một trở ngại đối với người dân, vì vậy để trồng đại trà ba kích tím thì vẫn còn là một trở ngại lớn. Không những thế, hiện nay việc thâm canh và sử dụng giống bản địa, thực hiện nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô. Nhưng trên địa bàn huyện vẫn chưa xây dựng được cơ sở sản xuất giống ba kích nuôi cấy mô đảm bảo đủ, chất lượng đồng đều, sản xuất ổn định, giữ được phẩm chất, tạo nguồn nguyên liệu tại chỗ cho huyện.
Trung Thành
Ý kiến ()