Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 23:11 (GMT +7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp chế biến, chế tạo
Thứ 6, 05/11/2021 | 08:02:14 [GMT +7] A A
Nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV là về phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 16/11/2020). Nghị quyết xác định đây là một trong ba trụ cột chính của ngành công nghiệp, động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh. Cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết, các ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó quan tâm phát triển nguồn nhân lực.
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu Đề án nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh, dự báo đến năm 2025, nhu cầu nguồn nhân lực về chế biến, chế tạo của tỉnh cần trên 128.700 lao động. Trong đó, số lao động có chứng chỉ nghề trở lên khoảng 96.500 người, tập trung lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ ô tô, công nghiệp dược phẩm, công nghiệp thời trang…
Ông Vũ Quang Trực, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, ngành đang tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách về thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số giai đoạn 2021-2025. Mục đích nhằm thu hút học sinh, sinh viên tham gia học tập, làm việc tại tỉnh; thu hút các giảng viên giỏi; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của các ngành, nghề mà tỉnh đang thu hút, như chế biến, chế tạo, công nghệ thông tin, logistics, xây dựng, du lịch, dịch vụ… Sở cũng phối hợp với các ngành quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ doanh nhân có trình độ chuyên môn cao, xây dựng đội ngũ công nhân có tác phong chuyên nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tay nghề cao. Đồng thời, chủ động nắm bắt thông tin thị trường lao động, nhu cầu đào tạo của các nhà đầu tư, doanh nghiệp để có kế hoạch đào tạo phù hợp.
Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh đang đứng trước những cơ hội dù còn không ít thách thức. Nhà trường xác định chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp. Theo đó, nhà trường tăng cường hợp tác thường xuyên với doanh nghiệp trong xây dựng chương trình đào tạo; nắm bắt thông tin nhu cầu lao động của doanh nghiệp để điều chỉnh chương trình giảng dạy sát thực nhất; gắn kết đào tạo chuyên môn kỹ thuật với nghiên cứu khoa học và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cùng với đó, nhà trường đổi mới phương pháp dạy và học, gắn lý thuyết với thực hành, nhất là những bộ môn cơ khí, kỹ thuật điều khiển, tự động hóa; tăng cường sử dụng phương tiện dạy học và công nghệ thông tin… nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo.
Để tạo được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bên cạnh vai trò của cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở đào tạo, thì việc phát triển nguồn nhân lực tại doanh nghiệp có vai trò quan trọng. Công ty TNHH Xây dựng Thanh Tuyền là một trong những đơn vị như vậy, thời gian qua đã tích cực đổi mới, đầu tư công nghệ tiên tiến vào quy trình sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, bắt nhịp với tốc độ phát triển của các doanh nghiệp cùng lĩnh vực. Công ty chú trọng chuẩn bị nhân lực có chuyên môn, tay nghề cao, thông qua cơ chế hợp tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên. Đơn vị đang phối hợp với các trường đại học, học viện trong nước, đội ngũ chuyên gia để thực hiện các đề tài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới vào quá trình sản xuất, kinh doanh với kỳ vọng khai thác được nguồn nhân lực chất lượng cao này để tạo ra những mặt hàng, sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường.
Yến Vy
Liên kết website
Ý kiến ()