Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 02:34 (GMT +7)
Phát triển đảng viên mới ở xã vùng cao biên giới Quảng Sơn
Thứ 3, 07/02/2023 | 17:16:33 [GMT +7] A A
Những ngày đầu xuân này, đến xã vùng cao, biên giới Quảng Sơn (huyện Hải Hà) dễ dàng cảm nhận nhịp sống rộn ràng của người dân nơi đây. Nhà văn hóa được trang hoàng cờ hoa rực rỡ, đường thôn bản được vệ sinh sạch sẽ, Tết trồng cây được người dân hưởng ứng tham gia, bà con chăm chỉ ra đồng, lên nương để chuẩn bị cho vụ sản xuất nông, lâm nghiệp đầu tiên trong năm… Nhịp sống và khí thế sản xuất của Quảng Sơn hôm nay đã khác rất xa với Quảng Sơn của một thời đói nghèo, lạc hậu, trì trệ trước đó. Theo ông Đồng Mạnh Hùng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, nhân tố và là yếu tố quyết định cho sự đổi thay này chính là những đảng viên trong cộng đồng dân cư.
Hạt giống đỏ nằm trong dân
Xã Quảng Sơn có 12 thôn, bản với gần 1.000 hộ dân, trong đó trên 95% là đồng bào dân tộc thiểu số. Với rất nhiều nỗ lực, trong khoảng 5 năm trở lại đây, Quảng Sơn lần lượt thoát diện 135, đạt chuẩn NTM, tiến lên xây dựng NTM nâng cao. Đặc biệt, cũng trong 5 năm qua, Quảng Sơn nằm trong số ít đơn vị hoàn thành sớm và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu phát triển đảng viên, nhất là những đảng viên là người dân tộc thiểu số, sinh sống trong cộng đồng dân cư.
Trong căn nhà khang trang nằm ở đầu thôn 4, câu chuyện của người đảng viên già Đặng Văn Sơn với Bí thư Chi bộ thôn 4 Hoàng Xuân Phúc và những đảng viên trẻ thật chân tình, ấm áp. Chén trà nóng, sản vật của vùng đất Hải Hà đưa đẩy, kết nối những đảng viên ở nhiều thế hệ, lứa tuổi trong chi bộ với nhau.
Anh Đặng Thái Cương, người được ông Đặng Văn Sơn dìu dắt vào Đảng tự tin trình bày kế hoạch chuẩn bị cho kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng. Anh Cương được kết nạp Đảng vào cuối năm 2020, sau khi anh tốt nghiệp đại học, trở về địa phương và làm trong Khu công nghiệp Texhong. Hiện anh Cương đang trong diện chờ điều chuyển sinh hoạt về doanh nghiệp Texhong khi đơn vị này chính thức thành lập chi bộ đảng.
Theo Bí thư Chi bộ thôn 4 Hoàng Xuân Phúc, ông Đặng Văn Sơn là người có uy tín của Quảng Sơn. Ông Sơn là người dân tộc Dao, sinh ra, lớn lên, trưởng thành và giữ nhiều vị trí công tác chủ chốt của xã Quảng Sơn. Khi nghỉ hưu, ông Sơn là tròn 30 năm tuổi Đảng.
Thấm nhuần tinh thần "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau", đảng viên là nòng cốt, hạt nhân của các hoạt động phát triển, là cánh tay nối dài đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, ông Sơn luôn góp ý cho Chi bộ về việc tăng cường phát hiện, bồi dưỡng, đưa những quần chúng tích cực trong dân cư trở thành đảng viên. Vì thế mà ở Chi bộ thôn 4, mọi người nói ông Sơn là “sợi dây” kết nối giữa những đảng viên già với lớp đảng viên mới.
Bí thư Chi bộ thôn 4 Hoàng Xuân Phúc cho biết: Cách nói, cách làm, cách phát triển đảng viên mới của bác Sơn rất đơn giản nhưng hiệu quả. Đó là tiếp xúc, gần gũi, phát hiện những nhân tố tích cực, hỗ trợ tháo gỡ nếu họ có khó khăn, khuyến khích họ tham gia những hoạt động cộng đồng, tiếp thêm cho họ về lòng tự hào là người đảng viên, tạo cho họ sự tin yêu vào Đảng, bồi đắp cho họ bản lĩnh vững vàng của người đảng viên, cùng với những trách nhiệm cần phải có…
Thôn 4 là thôn trung tâm, có số hộ dân đông, trình độ nhận thức và đời sống nhân dân cũng khá hơn các thôn, bản khác của Quảng Sơn. Trong thôn có nhiều người trẻ sau khi học nghề, học đại học trở về địa phương và các thanh niên sau xuất ngũ. Đây là nguồn để Chi bộ thôn 4 phát triển đảng viên mới. Tuy nhiên nếu không rà soát, không tiếp tục bồi dưỡng, hun đúc, thì nguồn đảng viên mới này có thể bị lãng phí. Nhất là hiện nay lứa trẻ ở thôn 4 đi làm ăn xa, đi làm công nhân ở các khu công nghiệp, nhiều trong số đó chưa thiết tha vào Đảng. Những đảng viên đi trước như ông Sơn cùng cách làm của thôn 4 đã khắc phục cái khó trên, tạo nguồn đảng viên mới cho Chi bộ.
Cũng ở Chi bộ thôn 4, trường hợp chị Nguyễn Thị Sỹ trở thành đảng viên cũng rất đặc biệt, cho thấy một cách phát triển đảng viên mới trúng, đúng tình hình thực tế hiện nay của chi bộ này nói riêng và xã Quảng Sơn nói chung.
Chị Sỹ được kết nạp đảng vào tháng 9/2022 khi chị đã gần 50 tuổi, cháu con trưởng thành đông đủ. Bí thư Chi bộ thôn 4 Hoàng Xuân Phúc cho biết: Trong suy nghĩ của nhiều người, đảng viên mới thường là những người trẻ tuổi, việc một quần chúng gần 50 tuổi đời mới kết nạp Đảng là ít thấy. Chi bộ chúng tôi đã xét đi xét lại yếu tố này và thấy rằng quy định của đảng không “cứng” như vậy, trong khi bản thân chị Sỹ lại rất tích cực, đáp ứng các tiêu chí đề ra. Chính bởi vậy mà chúng tôi quyết tâm vận động, dìu dắt, đồng hành để chị Sỹ có thể đứng chân trong hàng ngũ của Đảng.
Phát triển đảng viên mới trong cộng đồng dân cư theo cách của Chi bộ thôn 4 cũng là cách làm của 11 chi bộ thôn, bản còn lại trên địa bàn xã Quảng Sơn. Như ông Đinh Văn San trở thành Bí thư Chi bộ thôn 3 khi mới 4 năm tuổi Đảng.
Năm 2018, ở tuổi gần 60, trải qua quá nửa đời người bôn ba buôn bán xuôi ngược, ông San vẫn được Chi bộ thôn 3 lựa chọn bồi dưỡng trở thành đảng viên. "Có lẽ vì niềm tự hào này mà khi đọc lời tuyên thệ trong lễ kết nạp Đảng, bản thân tôi tự hứa sẽ xứng đáng với sự tin tưởng của các đồng chí trong Chi bộ, của quần chúng nhân dân, quyết tâm chung tay phát triển thôn giàu đẹp" -ông San tâm sự.
Sự thiện chí, từng trải cũng như kinh nghiệm của ông San đã giúp ông trở thành đảng viên gương mẫu, sáng tạo, trách nhiệm, đạt hiệu quả cao trong thực hiện công việc được giao. Ông lần lượt được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Chi bộ, và Bí thư Chi bộ thôn 3.
Hiện nay, Chi bộ thôn 3 làm rất tốt định hướng phát triển đảng viên mới từ trong cộng đồng dân cư, trong đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện trong tổng số 9 đảng viên của Chi bộ thôn 3 thì 6 đồng chí là người Dao, Sán Chỉ, 3 đồng chí mới kết nạp từ năm 2020 đến nay.
Hạt nhân của sự phát triển
Từ cách phát triển đảng viên của xã Quảng Sơn, số đảng viên mới trên địa bàn trong khoảng 5 năm qua tăng cao. Năm 2019, Quảng Sơn có khoảng 160 đảng viên thì hiện đã tăng lên gần 200 đảng viên. Trong đó số đảng viên là người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 70%, số đảng viên mới kết nạp kể từ năm 2020 đến nay có đến 80% là hạt nhân trong khu dân cư.
Việc xã Quảng Sơn phát triển đảng viên mới là người bản địa, đồng bào dân tộc thiểu số cũng dần làm tăng tính ổn định, vững mạnh của các chi bộ trên địa bàn. Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Đồng Mạnh Hùng phân tích: Giai đoạn 2015-2020, số đảng viên của 4 chi bộ trường học trên địa bàn chiếm đến trên 60% tổng số đảng viên của xã. Tuy nhiên từ đặc thù ngành Giáo dục, phần lớn đảng viên là giáo viên, là người dân tộc Kinh, được điều động từ vùng khác về và sau một số năm công tác lại có sự luân chuyển, nên tính ổn định không cao. Nay thì các chi bộ trên địa bàn xã không chỉ tăng số đảng viên, mà các đảng viên này cư trú ổn định, sinh sống, làm ăn lâu dài, có sự gắn kết với địa phương, bắt nhịp, bám sát sự phát triển của địa phương. Đây là yếu tố quan trọng để các đảng viên phát huy vai trò của mình, góp sức xây dựng, phát triển địa bàn mình sinh sống.
Thực tế những đảng viên của xã Quảng Sơn đã và đang là chủ thể tích cực trong sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn. Đến Quảng Sơn hôm nay, dọc 12 thôn bản Quảng Mới, Tài Chi, Lồ Má Cọoc, Vắn Tốc, Cấu Phùng, Lý Quáng, thôn 3, 4… đâu đâu cũng thấy nhịp sinh hoạt, sản xuất sôi động của nhân dân. Những chàng trai, cô gái dân tộc khoẻ mạnh, tươi tắn trong sắc màu trang phục truyền thống, phấn khởi, tự tin trồng những cánh rừng quế, lim, giổi, lát xanh ngát, năng động sơ chế những sản vật từ rừng, áp dụng cơ giới trong gieo cấy, thực hiện chăn nuôi đàn gia súc lớn theo hướng tập trung...
Từ đây, đời sống của người dân Quảng Sơn khấm khá hơn, diện mạo Quảng Sơn thay đổi… Năm 2019, Quảng Sơn không chỉ thoát diện đặc biệt khó khăn mà còn đạt chuẩn NTM. Hiện nay Quảng Sơn đang tiến mạnh đến các tiêu chí NTM nâng cao.
Những kết quả đáng mừng ấy của Quảng Sơn có phần đóng góp rất rõ nét của đội ngũ đảng viên, nhất là những đảng viên mới, đảng viên là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống trong cộng đồng dân cư.
Hiện nay với việc tuyến đường giao thông chạy dọc xã Quảng Sơn nối với Quốc lộ 18A vừa được hình thành, hệ thống hàng chục km đường kết nối các thôn, bản đã bê tông hoá, cùng những công trình thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, sản xuất được triển khai từ nguồn vốn NTM… chính là những cơ hội, dư địa phát triển của Quảng Sơn, đồng thời là cơ hội, dư địa phát triển của những người đảng viên trên địa bàn.
Cùng với đó vùng đất Quảng Sơn còn lưu giữ những giá trị văn hoá truyền thông, cảnh quan nguyên sơ hiếm thấy. Đó là những nghi thức cấp sắc của người Dao, những nghệ nhân hát dân ca Dao, nghệ nhân thổi và làm kèn đồng Dao, những thiếu nữ biết may thêu trang phục truyền thống… Quảng Sơn có những thác đôi, hồ trên núi Trúc Bài Sơn, suối đá, dải rừng phòng hộ biên giới khá đa dạng sinh học, hệ thống ruộng bậc thang… Đây là tài nguyên để xã Quảng Sơn mà nòng cốt là những người đảng viên triển khai những mô hình kinh tế du lịch bản địa theo định hướng phát triển đã đề ra, đưa xã Quảng Sơn đạt được những kết quả mới to lớn, tốt đẹp hơn, xây dựng vùng núi cao, biến vùng biên giới Quảng Sơn ngày một giàu đẹp.
Việt Hoa
- Sôi nổi hoạt động vui xuân của bà con vùng cao Hải Hà
- Hải Hà: Nỗ lực ngay từ những ngày đầu năm
- Hải Hà: Giải pháp giảm nghèo bền vững
- Rộn ràng “Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản” tại Hải Hà
- Hải Hà: Xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên
- Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thăm, chúc Tết tại 3 địa phương: Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu
Liên kết website
Ý kiến ()