Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:00 (GMT +7)
Phát triển dịch vụ du lịch: Sức bật từ Nghị quyết 02
Chủ nhật, 08/04/2018 | 07:03:33 [GMT +7] A A
Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 5/02/2016 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển dịch vụ, tỉnh Quảng Ninh đã tạo sức bật lớn trong tăng trưởng kinh tế và ngành dịch vụ du lịch của tỉnh.
Nỗ lực triển khai Nghị quyết
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết, UBND tỉnh đã quyết liệt điều hành và tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những bước phát triển và chuyển dịch tích cực.
Công viên Halong Park (TP Hạ Long) được Tập đoàn Sun Group đầu tư đã tạo thêm một sản phẩm du lịch đặc sắc cho Quảng Ninh. |
Theo đó, tỉnh đã tập trung rà soát lại quy hoạch phát triển các ngành dịch vụ, ưu tiên dành tỷ lệ vốn đầu tư hợp lý từ ngân sách địa phương để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Tập trung đầu tư một số cảng biển và cảng thuỷ nội địa chuyên dùng tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch đường biển và đường sông như: Cầu đón tàu biển quốc tế tại Cảng Hòn Gai, Bến du thuyền Cột 3 (TP Hạ Long); Cảng tàu khách du lịch Vũng Đục (TP Cẩm Phả), Bến cảng đa năng tại đảo Hòn Miếu và đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà), Bến cảng tại đảo Vĩnh Trung, Vĩnh Thực (TP Móng Cái). Đặc biệt với định hướng nâng cao chất lượng đội tàu du lịch biển, tỉnh Quảng Ninh đã có những đề xuất, kiến nghị riêng đối với Bộ Giao thông - Vận tải cho phép Quảng Ninh thí điểm triển khai các quy định nghiêm ngặt hơn đối với các tàu chở khách trên Vịnh. Sau 2 năm triển khai thí điểm, đội tàu du lịch phục vụ du khách tham quan khu vực Vịnh Bái Tử Long, huyện đảo Cô Tô đã phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và an toàn.
Để hoàn thiện các chỉ tiêu trong Nghị quyết, tỉnh đã thực hiện cơ chế khuyến khích và ưu đãi đầu tư để đến hết năm 2020 có từ 10-15 điểm dừng, nghỉ du lịch đảm bảo tiêu chuẩn tại Đông Triều, Uông Bí, Tiên Yên, Đầm Hà. Hoàn thiện cơ sở vật chất hệ thống các bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh phục vụ nhân dân và du khách, đến năm 2020 ở các địa phương có bờ biển có ít nhất từ 2 đến 3 bãi tắm, đảm bảo tổng số từ 15-20 bãi tắm được công nhận là Bãi tắm du lịch. Đầu tư hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn trên các tuyến du lịch, đô thị; lắp đặt hệ thống wifi trên Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long và các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Hệ thống kết cấu thương mại bán lẻ văn minh, hiện đại phục vụ du khách và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân đã được các địa phương tích cực triển khai. Bước đầu, tỉnh đã xây dựng được những trung tâm thương mại lớn tại Hạ Long, hình thành các trung tâm dịch vụ xuất nhập khẩu quốc gia và quốc tế tại Móng Cái... Tỉnh đã từng bước trở thành địa điểm uy tín được lựa chọn tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao cấp quốc gia, quốc tế.
2 năm qua, Quảng Ninh đã tập trung xây dựng và cải tạo mạng lưới giao thông tới các cửa khẩu, cảng biển; hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển, cửa khẩu, đầu tư phương tiện, trang thiết bị cho các cơ quan chuyên ngành như hải quan, kiểm dịch… phát triển thương mại biên giới theo hướng chuyên nghiệp, tiến tới loại bỏ hình thức xuất khẩu tiểu ngạch để chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Đầu tư phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị tăng cao theo hướng gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, gắn với phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin. Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics có năng lực cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và quốc tế... Tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch. Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư như: Vingroup, Sun Group, FLC group, BIM group, Tuần Châu và các thương hiệu quốc tế trong lĩnh vực du lịch như: Sheraton, Accor, Hilton… để hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn trọng điểm: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Vân Đồn, Cô Tô, Móng Cái.
Đặc biệt, công tác phát triển sản phẩm và kết nối không gian du lịch đã thu được những thành quả quan trọng. Với chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định công nhận 33 tuyến và 87 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh nhằm mở rộng và kết nối không gian du lịch. Các tuyến, điểm đến du lịch của tỉnh đã được các địa phương khai thác hiệu quả, tạo được sự hấp dẫn cho các điểm đến du lịch thu hút được nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Tạo tăng trưởng đột phá
Từ những nỗ lực triển khai, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 02, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh tăng 10,1%, tăng cao so với bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ từ 39,8% lên 41,2%.
Đây là bước tăng trưởng có tính đột phá tạo tiền đề để tỉnh hoàn thành vượt mức các mục tiêu đề ra. (Chỉ tiêu Nghị quyết là đến năm 2020 tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 48 - 49% và tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân đạt 11-13%/năm). Kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của tỉnh đã đạt dấu mốc quan trọng. Giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế tăng 11,5% cùng kỳ. Trong đó: Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ đạt 23.811,7 tỷ đồng, tăng 10%; thu ngân sách từ dịch vụ đạt 3.405 tỷ đồng, chiếm 13,5% tổng thu nội địa, tăng 29%. GRDP bình quân đầu người đạt 4.050 USD, tăng 7,3%.
Qua đó đã tạo tiền đề cho lĩnh vực dịch vụ du lịch đạt những kết quả bứt phá. Các giải pháp nhằm phát triển du lịch bền vững, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh và xây dựng thương hiệu địa phương được triển khai tích cực bước đầu đã xây dựng được thương hiệu hình ảnh du lịch của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường. Ngành Du lịch đã tạo việc làm ổn định cho hàng vạn lao động, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Chỉ tính riêng quý I năm nay, tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh đã đạt 4,7 triệu lượt, tăng 21% cùng kỳ, trong đó khách quốc tế 1,4 triệu lượt, tăng 8% cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch quý I đạt 7.344 tỷ đồng, tăng 24% cùng kỳ.
Mô hình làng quê Yên Đức đã tạo được sự khác biệt trong sản phẩm du lịch, thu hút đông đảo du khách nước ngoài đến tham quan. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Đồng thời, các hoạt động truyền thông, hợp tác, quảng bá, xúc tiến du lịch đã được triển khai bằng nhiều hình thức đã đem lại hiệu quả thiết thực như việc nâng cấp trang website du lịch Quảng Ninh và trang fanpage của Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Quảng Ninh. Duy trì công tác hướng dẫn, cung cấp thông tin cho khách du lịch trong nước và quốc tế trên website đã thu hút được hơn 2 triệu lượt truy cập tìm hiểu về thông tin du lịch Quảng Ninh. Tỉnh còn tổ chức, tham gia thành công nhiều chương trình, hội thảo đẩy mạnh liên kết xúc tiến quảng bá du lịch với các tỉnh khu vực Sông Hồng và các vùng phụ cận. Phát triển một số sản phẩm du lịch mới như: Xây dựng các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân tộc đặc sắc của Bình Liêu, các sản phẩm du lịch cho khách tàu biển đến thị xã Quảng Yên, khu du lịch làng quê Yên Đức, Đông Triều, Khu Yên Tử, Uông Bí... Bước đầu những sản phẩm này đã tạo sức hút và được du khách đánh giá cao. Một số sản phẩm gắn với thể thao như khám phá Vịnh Hạ Long bằng thuyền kayak, thủy phi cơ, khinh khí cầu... đã được các doanh nghiệp đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả mang tính đột phá đã đạt được trong lĩnh vực dịch vụ du lịch thì việc thực hiện Nghị quyết cũng còn những hạn chế cần sớm được khắc phục. Công tác quảng bá và xúc tiến du lịch về nội dung và hình thức đổi mới chưa nhiều, thiếu tính chuyên nghiệp; sự liên kết liên ngành, liên vùng du lịch chưa cao. Sản phẩm du lịch thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt chưa nhiều. Nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng thương mại, du lịch tại các địa phương còn hạn chế.
Để khắc phục những tồn tại trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương chủ động phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ du lịch về đêm như phố ẩm thực đêm, tuyến phố du lịch tại Hạ Long, Móng Cái...; nghiên cứu thí điểm tổ chức các hoạt động dịch vụ phục vụ khách du lịch sau 24 giờ tại một số trung tâm du lịch; triển khai ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch để tạo sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn... Tập trung công tác xây dựng thương hiệu du lịch Hạ Long theo hướng xây dựng những sản phẩm du lịch, dịch vụ đẳng cấp quốc tế; tăng tính kết nối giữa các địa phương, các tuyến, điểm, khu du lịch, sản phẩm du lịch để gia tăng giá trị của chuỗi sản phẩm hiện nay nhằm tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch.
Thanh Phong
Ý kiến người trong cuộc:
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Nam dược Y võ , TP Uông Bí: "Tạo “cú hích” đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm"
Năm 2016, tỉnh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về phát triển dịch vụ tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030. TP Uông Bí cũng như các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp hoạt động tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.
Điều tôi thực sự thấy vui chính là nhận được nhiều hỗ trợ và ưu đãi của Nhà nước về thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm OCOP. Vốn là nghề gia truyền nhưng xưa nay sản phẩm thuốc của doanh nghiệp chủ yếu tiêu thụ trong phạm vi hẹp, theo hình thức truyền miệng “hữu xạ tự nhiên hương”. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp tôi được hỗ trợ về vốn, hướng dẫn thủ tục đăng ký sản phẩm OCOP, dự thi để xếp hạng sao cho sản phẩm…
Không chỉ được miễn phí tuyên truyền giới thiệu, các sản phẩm của chúng tôi còn được hỗ trợ gian hàng, kinh phí tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Nghị quyết 02 đi vào cuộc sống còn “tiếp sức” các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP bằng vốn vay ưu đãi, kết nối với các nhà khoa học, đơn vị chế biến dược liệu có kinh nghiệm để nâng cấp sản phẩm. Nhờ đó mà sản phẩm của chúng tôi tiêu thụ được nhiều hơn, vượt ra phạm vi của tỉnh. Mong rằng chúng tôi sẽ tiếp tục được hỗ trợ phát triển, tạo "cú hích" lớn hơn cho sự phát triển thời gian tới.
Ông Rene Barevelo, du khách đến từ Hoa Kỳ: "Du lịch Quảng Ninh đang ngày càng được nhiều người biết đến"
Tôi đã đến Quảng Ninh và đi tham quan nhiều nơi. Tôi thấy rằng, công tác quản lý du lịch của các bạn ngày càng được nâng cao từ vấn đề lữ hành, tuyến, điểm, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch, cải thiện môi trường kinh doanh du lịch đến đưa ra các giải pháp nhằm phát triển du lịch bền vững.
Du lịch Quảng Ninh ngày càng có tiếng vang, bước đầu đã xây dựng được thương hiệu hình ảnh du lịch của tỉnh. Chất lượng đội ngũ những người làm du lịch của các bạn cũng tương đối tốt. Tình trạng mất an ninh trật tự, chèo kéo, đeo bám du khách tôi thấy cũng không còn nữa.
Các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng hơn. Lượng du khách nhất là du khách nước ngoài đến đông hơn. Điều đó, cho thấy các bạn làm du lịch đã ngày càng chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Thanh, tổ 6, khu 3, phường Hồng Hải, TP Hạ Long: "Đẩy mạnh hạ tầng thương mại, du lịch hướng về du khách"
Qua tìm hiểu từ các phương tiện thông tin đại chúng, chúng tôi rất ấn tượng với việc triển khai và kết quả khả quan của việc thực hiện Nghị quyết 02 liên quan tới việc phát triển dịch vụ, du lịch. Sau 2 năm triển khai, diện mạo dịch vụ, du lịch của tỉnh nhà đang dần thay đổi mạnh mẽ.
Đó là việc dần hình thành các trung tâm du lịch, thương mại, dự án các khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp; phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ có lợi thế khác theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, có thương hiệu. Đơn cử như việc xuất hiện một loạt các siêu thị lớn, chuỗi sản phẩm của các thương hiệu mạnh như: Big C, Vincom…
Chúng tôi rất vui khi các dịch vụ, sản phẩm du lịch ngày càng phong phú. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng còn nhiều việc phải làm, bởi lẽ việc phát triển các sản phẩm dịch vụ, du lịch ngoài chất lượng cần chú trọng hướng về người tiêu dùng, vì quyền lợi du khách.
Bà Nông Thị Sin, thôn Cốc Lồng, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu: "Tăng cường giới thiệu văn hóa, văn nghệ dân gian cho du khách"
Từ năm 2013, nghi lễ then của người Tày đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Từ đó đến nay, hát then ngày càng được quan tâm gìn giữ và phát huy, đưa nhiều vào các lễ hội biểu diễn phục vụ du khách. Ở nơi tôi sinh sống số người tham gia học hát then tại các câu lạc bộ ngày càng tăng, hoạt động của các CLB ngày càng quy củ, chất lượng hơn. Then làm cho các lễ hội cũng hấp dẫn hơn, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân và du khách; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo, riêng biệt của các dân tộc trên địa bàn huyện Bình Liêu. Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành khai thác giá trị hát then, đưa hát then và văn hóa Tày vào giới thiệu cho du khách. Làm như vậy con em dân bản chúng tôi sẽ có thêm việc làm, bản làng có thêm thu nhập, hát then có thêm sức sống.
Tạ Quân - Phạm Học (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()