Tất cả chuyên mục

Quảng Ninh là một tỉnh có điều kiện tự nhiên đặc biệt thuận lợi cho việc trồng, phát triển cây dược liệu. Với tiềm năng thế mạnh đó, cùng với việc nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các lợi thế để phát triển thành một trung tâm dược liệu lớn của Việt Nam. Đây sẽ là bước đột phá mới, góp phần đẩy nhanh mục tiêu chuyển đổi phương thức phát triển của tỉnh từ “nâu” sang “xanh”.
Mới đây, PV Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Tuấn Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế, một người đã từng có nhiều năm nghiên cứu, gắn bó với sự phát triển của ngành Dược ở Quảng Ninh về vấn đề này...
![]() |
Ông Vũ Tuấn Cường trao đổi với một số kỹ sư nông nghiệp tại Đông Triều về việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn. |
- Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tiềm năng, thế mạnh phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh?
+ Quảng Ninh là một tỉnh có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh về dược liệu. Bởi vì, Quảng Ninh có quỹ đất dồi dào với diện tích đất tự nhiên hơn 6.100km2, trong đó hơn 50% diện tích rừng che phủ, rất thuận lợi về đất đai, thổ nhưỡng. Thêm nữa khí hậu ở đây nằm trong vùng nhiệt đới ẩm, mưa nhiều phù hợp với cây thuốc sinh trưởng. Người ta vẫn ví Quảng Ninh như một đất nước Việt Nam thu nhỏ có hàng nghìn loài động, thực vật phong phú. Qua điều tra sơ bộ, Quảng Ninh có trên 600 loài dược liệu có thể làm thuốc, trong đó có nhiều loài dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao, như: Ba kích, hồi, quế, bình vôi, đẳng sâm... Cũng theo kết quả điều tra mới nhất do Sở Y tế phối hợp với Trường Đại học Dược Hà Nội thực hiện thì hiện nay ở Quảng Ninh có nhiều loài dược liệu quý, hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam. Thế nhưng, mặc dù, điều kiện thuận lợi là vậy, nhưng việc phát triển dược liệu của tỉnh hiện vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ hơn 50.000 tấn dược liệu để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, phục vụ ngành công nghiệp sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm v.v. Tuy nhiên, nguồn dược liệu đang sử dụng chủ yếu là nhập khẩu từ Trung Quốc, khoảng 70-80%...
- Vậy theo ông, nguyên nhân khiến chúng ta chưa phát triển được cây dược liệu tương xứng với tiềm năng hiện có là gì?
+ Một trong những hạn chế rõ nhất đó là: Việc khai thác tài nguyên cây thuốc ở Quảng Ninh vẫn còn mang tính tự phát, chưa quan tâm đến việc tái sinh, bảo tồn dẫn đến nhiều cây thuốc đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Chúng ta khai thác dược liệu mới chủ yếu chỉ dừng ở phần thô, chưa quan tâm nhiều đến việc sơ chế, chế biến, tạo ra các sản phẩm nhằm gia tăng giá trị của chúng. Các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng sản xuất trên địa bàn tỉnh còn ít, dạng bào chế còn đơn giản, giá trị gia tăng chưa cao và chưa có sản phẩm mỹ phẩm có nguồn gốc từ dược liệu được sản xuất trên địa bàn tỉnh.
- Có một thực tế, cũng như ông đã nói ở trên, hiện nay tình trạng khai thác dược liệu bừa bãi, không có quy hoạch, tái tạo vẫn đang diễn ra. Đặc biệt là việc khai thác thu mua qua biên giới, nhiều loài có nguy cơ tận diệt. Đứng trước tình trạng này, ngành Y tế đã làm gì, thưa ông?
+ Để tái tạo các loại cây dược liệu quý, Sở Y tế đã trình và được UBND tỉnh cho phép phối hợp với Trường Đại học Dược và Viện Dược liệu cùng một số nhà khoa học đầu ngành tiến hành điều tra tình hình thực tế tại địa phương. Từ đó, chúng tôi quy hoạch lại và xây dựng một chiến lược phát triển bền vững. Điểm nhấn của việc này là qua Hội nghị xúc tiến đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản xuất thuốc dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2014 vừa tổ chức tháng 11 vừa qua. Ở hội nghị này, các nhà khoa học, nhà quản lý, người nuôi trồng, doanh nghiệp đã ngồi lại với nhau để bàn cách phát triển dược liệu một cách bền vững. Như bạn biết, Quảng Ninh có chương trình xây dựng nông thôn mới, mỗi xã, phường một sản phẩm. Trong việc phát triển rất nhiều sản phẩm, có phát triển về thảo dược. Qua tiến độ kiểm điểm chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã báo cáo lên rất nhiều mô hình trồng cây thảo dược. Và để gia tăng giá trị sản phẩm, chúng ta phải đưa khoa học, công nghệ hiện đại vào áp dụng; cả trong quy hoạch vùng trồng đến việc xây dựng nhà máy, thu mua, chế biến v.v. Những vấn đề này đã được bàn bạc một cách toàn diện trong hội nghị.
- Ông có thể cho biết, hiện nay các mô hình, vùng trồng dược liệu đã và đang tập trung vào những địa bàn nào là chủ yếu?
+ Thực hiện mục tiêu của Quảng Ninh chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh, đến nay trên địa bàn tỉnh cũng đã xuất hiện một số mô hình trồng cây dược liệu, đây là những hạt nhân quan trọng để hình thành những vùng dược liệu có quy mô lớn. Cụ thể như: Mô hình doanh nghiệp trồng cây thuốc của Công ty CP Công nghệ xanh Đông Sơn đang trồng hơn 85ha dược liệu, trong đó có 75ha cây ba kích tím và 10ha cây dược liệu khác ở huyện Hoành Bồ. Công ty CP Secoin Quảng Ninh trồng 70ha cây nghệ, đinh lăng, địa hoàng, trinh nữ hoàng cung... ở Tràng Lương, Bình Khê, Đông Triều, Công ty TNHH Trồng và Chế biến dược liệu Đông Bắc trồng 30ha ba kích tím, giảo cổ lam, đinh lăng... ở xã Cộng Hoà, TP Cẩm Phả... Ngoài ra, còn rất nhiều mô hình hộ cá thể trồng cây thuốc tại Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Móng Cái, Hoành Bồ v.v..
- Thế còn trong thời gian tới, để phát triển cây dược liệu một cách bền vững, theo ông cần phải làm những gì?
+ Trước hết chúng tôi sẽ phải xây dựng một quy hoạch trình với tỉnh, trong đó có đề cập tới chương trình công nghệ để chuyển giao giống vốn và kỹ thuật cho bà con nông dân; đồng thời đề xuất với tỉnh xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển dược liệu: Quy hoạch, cơ chế chính sách hỗ trợ về công nghệ, giống vốn, triển khai các quy trình khoa học công nghệ, chuyển giao kỹ thuật; xúc tiến hỗ trợ cho các nhà đầu tư, kết nối các dự án và các vùng trồng; tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào các vùng đã được đưa vào các danh mục ưu tiên đầu tư, xây dựng các nhà máy sản xuất thuốc, sản xuất thực phẩm chức năng từ dược liệu tại địa phương v.v.. Tôi mong muốn, việc phát triển dược liệu phải tạo ra các sản phẩm nhằm gia tăng giá trị kinh tế, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
- Ông đánh giá thế nào về thành công của Hội nghị xúc tiến đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản xuất thuốc dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2014 vừa được tổ chức?
+ Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ phát triển sản xuất dược liệu lần đầu tiên được tổ chức ở Quảng Ninh và ở Việt Nam. Hội nghị thành công có ý nghĩa rất lớn, không chỉ đối với sự phát triển dược liệu của địa phương mà còn góp phần giúp Bộ Y tế thay đổi định hướng chính sách cho ngành Dược trong bối cảnh ngành Dược đang loay hoay tìm chiến lược phát triển. Hội nghị được đánh giá rất cao, đi thẳng vào giải quyết vấn đề chuỗi giá trị sản phẩm từ khâu giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc đến sơ chế, chế biến v.v. và cả về phát triển tạo thị trường tiêu thụ... Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất những giải pháp, sáng kiến định hướng cho ngành trồng trọt, chế biến, sản xuất và phát triển dược liệu tại tỉnh Quảng Ninh nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm dược liệu và chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của tỉnh gắn với phát triển các doanh nghiệp khoa học - công nghệ và Chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo bước đột phá mới, góp phần đẩy nhanh mục tiêu chuyển đổi phương thức phát triển của tỉnh từ “nâu” sang “xanh”. Tại hội nghị đã ký kết được 13 biên bản ghi nhớ về hợp tác trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu giữa các công ty dược của trung ương, địa phương với UBND các huyện, các công ty, hợp tác xã tại Quảng Ninh.
- Vừa qua, Bộ Y tế đã công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và ban soạn thảo đề án xây dựng “Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia Yên Tử’’. Việc xây dựng đề án này có ý nghĩa gì với Quảng Ninh?
+ Việc xây dựng “Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc Quốc gia Yên Tử” nằm trong Quyết định số 1976 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đây là một trong 5 vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia đại diện cho các vùng sinh thái, là nơi tập trung, bảo tồn và trồng mới nhiều loài cây thuốc được thu thập ở các địa phương khác nhau, đại diện cho vùng khí hậu đặc trưng để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và phát triển dược liệu, tái tạo các nguồn gien quý, giống có năng suất, chất lượng cao. Bạn biết đấy, cách đây 2 năm Quảng Ninh đã phôi thai ra vườn cây thuốc Quốc gia Yên Tử và đã trình với Bộ Y tế về vấn đề này. Và trong khuôn khổ hội nghị vừa rồi, Bộ Y tế đã chính thức công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng đề án “Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc quốc gia Yên Tử’’ do Bộ trưởng Bộ Y tế làm Trưởng Ban. Hiện nay, trên thực tế, Vườn cây thuốc Yên Tử đã có 15ha được trồng và bảo tồn với trên 650 loài dược liệu, được đánh giá là vườn lưu giữ được nhiều loài cây dược liệu nhất của Việt Nam.
Vườn cây thuốc quốc gia Yên Tử có ý nghĩa rất lớn, là nơi bảo tồn các nguồn gien, tới đây nó còn là nơi nghiên cứu, nơi đào tạo sinh viên chuyên ngành và là trung tâm giống cây dược liệu. Hay cũng có thể nói, đây sẽ là nơi hứa hẹn mở ra cơ hội liên kết, hợp tác doanh nghiệp, HTX, qua đó xây dựng thành một chuỗi trồng, chế biến, tiêu thụ dược liệu khép kín và chuyên nghiệp, tạo nguồn thu ổn định và bền vững từ dược liệu ở Quảng Ninh. Mặt khác, Quảng Ninh cũng kỳ vọng khi hình thành vườn cây thuốc quốc gia Yên Tử sẽ góp thêm vào bản đồ du lịch Việt Nam một địa danh thu hút du khách trong và ngoài nước...
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Thu Hương (thực hiện)
Ý kiến ()