Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 12:23 (GMT +7)
Phát triển giáo dục Hạ Long trong kỷ nguyên mới
Thứ 2, 18/11/2024 | 09:37:14 [GMT +7] A A
Cho đến thời điểm này, TP Hạ Long luôn là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về chất lượng và số lượng học sinh giỏi các cấp. Không dừng lại ở mục tiêu trên, TP Hạ Long đang nỗ lực tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo bước đột phá trong phát triển GD&ĐT để ghi danh vào mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO vào năm 2025 và nằm trong nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển giáo dục, nhất là trong "Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Nhìn thẳng vào những thách thức
Là thành phố thủ phủ của tỉnh, Hạ Long sở hữu nhiều lợi thế nổi trội và điều kiện thuận lợi hơn so với các địa phương khác, đặc biệt sau khi sáp nhập thêm huyện Hoành Bồ, diện tích của thành phố tăng gấp 4 lần, mang lại cơ hội lớn cho phát triển KT-XH. Tuy nhiên, sự mở rộng này cũng đặt ra thách thức cho ngành GD&ĐT của thành phố trong việc đảm bảo đủ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ dạy và học.
Tính đến tháng 10/2024, toàn thành phố có 117 trường học từ cấp mầm non đến THPT, trong đó có 95 trường công lập và 22 trường ngoài công lập. Cùng với đó, Hạ Long còn có hệ thống giáo dục bổ trợ, bao gồm 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, 1 trung tâm hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên của tỉnh, 5 trường cao đẳng nghề. Thành phố có gần 100.000 học sinh (gần 76.350 học sinh công lập và hơn 21.000 học sinh ngoài công lập) với 3.124 lớp học. So với năm học 2023-2024, năm học 2024-2025 thành phố có thêm 1.274 học sinh và tăng thêm 68 lớp, phản ánh xu hướng gia tăng số học sinh trong độ tuổi đi học tại khu vực.
Đơn cử như tại Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, năm học 2024-2025 nhà trường có gần 2.300 học sinh với tổng số 66 lớp, vượt quá 36 lớp so với quy định. Hay như ở Trường Tiểu học Cao Thắng có 1.599 học sinh và đang phải bố trí 41 lớp học để đảm bảo sĩ số 39 học sinh/lớp, dẫn tới vượt quá 11 lớp so với quy định.
Bà Vi Bích Hạnh, Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố, cho biết: Sự tăng trưởng về số lượng học sinh lại không đồng đều với nguồn lực giáo viên, tạo ra sự thiếu hụt nghiêm trọng về nhân sự trong ngành giáo dục, ảnh hưởng đến công tác quản lý, tổ chức dạy và học tại các nhà trường, cũng như kết quả công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Toàn thành phố hiện có 3.297 người làm việc trong ngành giáo dục. So với định mức còn thiếu 1.008 người làm việc; so với biên chế và hợp đồng được tỉnh giao, còn thiếu 123 người. Về giáo viên, tổng các trường mầm non, phổ thông công lập thuộc thành phố có 2.904 người (trong đó có 2.804 biên chế và 100 hợp đồng lao động). So với định mức giáo viên theo quy định còn thiếu 582 người (mầm non thiếu 144 người, tiểu học thiếu 127 người, THCS thiếu 311 người).
Trước tình trạng thiếu giáo viên, nhiều trường học phải điều chuyển linh hoạt để có giáo viên đáp ứng công tác dạy học. Việc này cũng phần nào ảnh hưởng đến chất lượng GD&ĐT, nhất là tại các cơ sở giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện với nhiều môn học mới, yêu cầu mới. Đặc biệt, một số môn học như tiếng Anh, Tin học và Thể dục đang thiếu giáo viên trầm trọng, gây áp lực lớn lên chất lượng dạy và học, nhất là trong bối cảnh TP Hạ Long đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới phương pháp giảng dạy. Ngoài ra, một số trường cũng thiếu giáo viên ở các môn tích hợp như khoa học tự nhiên, lịch sử, địa lý. Chưa kể nguồn nhân lực mảng giáo dục sớm (trẻ trước 3 tuổi) của thành phố cũng rất thiếu hụt và chưa được quan tâm.
Liên quan đến đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục tại Hạ Long, toàn thành phố hiện có 221 cán bộ quản lý phụ trách 87 trường học, bao gồm 33 trường mầm non, 20 trường tiểu học, 17 trường THCS, 17 trường liên cấp tiểu học và THCS. Trong số này, có 82 hiệu trưởng (30 ở cấp mầm non, 20 ở cấp tiểu học, 32 ở cấp THCS) và 139 phó hiệu trưởng (63 ở cấp mầm non, 47 ở cấp tiểu học, 29 ở cấp THCS). Về nhu cầu nhân sự, thành phố hiện đang thiếu 4 vị trí hiệu trưởng trường mầm non, 37 vị trí phó hiệu trưởng (4 vị trí ở cấp mầm non, 10 ở cấp tiểu học, 23 ở cấp THCS).
Cùng với đó, TP Hạ Long cũng đang phải đối diện với những mâu thuẫn, thách thức cơ bản trong lĩnh vực GD&ĐT. Đó là giữa xu thế khách quan phải thúc đẩy thực hiện cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập và nhu cầu phát triển, thu hút người có đức, có tài, giữ chân, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành GD&ĐT với mức thu nhập chưa đủ sức cạnh tranh so với mặt bằng chung của thành phố. Hay như giữa yêu cầu phải nhanh chóng nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, tạo đột phá về thứ hạng, trong khi 1/3 đơn vị hành chính cấp xã là vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo...
Trong khi đó, Chỉ thị 38-CT/TU (ngày 5/9/2023) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, đặt mục tiêu phấn đấu Quảng Ninh là một trong những tỉnh, thành phố đi đầu trong phát triển giáo dục thông minh, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, dạy học và đánh giá chất lượng; chậm nhất đến năm 2030 nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển GD&ĐT.
Đóng vai trò là địa phương có tính tiên phong, dẫn dắt, nếu những thách thức nói trên TP Hạ Long không có giải pháp khắc phục thì sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu chung của tỉnh đặt ra tại Chỉ thị 38-CT/TU, cũng như mục tiêu riêng của thành phố là đến năm 2025 nằm trong mạng lưới “Thành phố học tập toàn cầu” của UNESCO.
Chuyên gia hiến kế phát triển
Nhằm có cái nhìn toàn diện, sâu sắc ở các góc độ khác nhau về tư duy, cách tiếp cận quy mô giáo dục của cả nước và khu vực để rút ra kinh nghiệm quý báu phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước đột phá trong phát triển GD&ĐT, ngày 14/11, TP Hạ Long đã tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển giáo dục Hạ Long trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Hội thảo có sự tham gia của hơn 400 đại biểu, trong đó có nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý đầu ngành trong lĩnh vực GD&ĐT.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã thẳng thắn chỉ rõ các yếu tố tác động đến sự phát triển giáo dục của TP Hạ Long, cũng như gợi mở, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ đơn vị về các mô hình giáo dục thông minh, chuyển đổi số, ứng dụng AI, dạy học ngoại ngữ và kỹ năng mềm, chính sách thu hút nhân tài...
TS Nhà giáo Ưu tú Tôn Quang Cường, giảng viên cao cấp, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu ý kiến: Với mâu thuẫn về yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông trong khi có 1/3 đơn vị hành chính cấp xã là vùng DTTS, miền núi, TP Hạ Long có thể tính đến việc thực hiện bài toán cân đối hài hòa cho học sinh vùng đô thị với học sinh vùng miền núi ở chỗ tạo một mạng lưới để các chủ thể tương tác lẫn nhau. Ví dụ những vùng có điều kiện thì giáo viên có thể sản xuất bài giảng, hoạt động bằng công nghệ dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin để lưu trữ và chia sẻ cho vùng sâu, vùng xa và ngược lại ở vùng xa có những giá trị thú vị về văn hóa, con người với những bản sắc riêng có, độc đáo thì có thể cung cấp cho vùng có điều kiện những kinh nghiệm, bài học trải nghiệm...
Gợi mở về xu hướng phát triển cho thành phố du lịch, thành phố bên bờ vịnh di sản theo hướng "xanh", GS, TS Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Hữu Đức, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: Trong phát triển giáo dục, TP Hạ Long cần định hướng "đổi mới sáng tạo xanh" để tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng và xã hội. Học sinh, sinh viên cần được khuyến khích phát triển các ý tưởng sáng tạo giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội như giảm rác thải, tái chế, năng lượng tái tạo và công nghệ thân thiện với môi trường; có sự đầu tư nguồn lực để giúp thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp xanh trong các trường học và cơ sở giáo dục.
Điều này bao gồm việc xây dựng các phòng thí nghiệm sáng tạo, các trung tâm khởi nghiệp và mạng lưới cố vấn giúp học sinh, sinh viên biến ý tưởng thành hiện thực. Hệ sinh thái khởi nghiệp xanh còn bao gồm việc tạo điều kiện cho học sinh tham gia vào các dự án xã hội, hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ (NGO) và cộng đồng, giúp họ xây dựng các giải pháp có tác động tích cực đến xã hội và môi trường.
Đặc biệt là trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại, các giải pháp công nghệ số đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong lĩnh vực giáo dục, nhất là khi TP Hạ Long đặt mục tiêu thuộc nhóm dẫn đầu về chuyển đổi số toàn diện, các chuyên gia cùng đề xuất đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ hội tụ và mới nổi như Internet of Things (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và Blockchain trong quản lý giáo dục để tối ưu hóa quy trình quản lý và nâng cao hiệu quả giảng dạy.
TS Kim Mạnh Tuấn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định: Các công nghệ này sẽ giúp tăng cường khả năng tương tác và sự kết nối giữa các bên tham gia trong hệ sinh thái giáo dục, bao gồm học sinh, giáo viên, nhà quản lý, cha mẹ học sinh và các bên liên quan. Đây không chỉ là một giải pháp tối ưu trong ngắn hạn của TP Hạ Long, mà còn là bước chuẩn bị cho một nền giáo dục tương lai, hiện đại và bền vững. Hệ sinh thái này sẽ là nền tảng vững chắc giúp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội hiện đại, đặc biệt là trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trước mắt, thành phố cần bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ quản trị tiếp cận công nghệ và mỗi nhà trường cần phải là một khuôn viên học tập thông minh, mỗi đơn vị quản lý là một văn phòng ảo và di động; tạo cơ chế cho các đơn vị, cơ sở giáo dục tự chủ xây dựng mô hình đào tạo theo hướng mở; phát triển khoa học tài liệu mở tài nguyên số đa định dạng dùng chung trong toàn ngành; đầu tư nâng cấp đường truyền, thiết bị…
Cùng với những chia sẻ, gợi mở, hiến kế, các chuyên gia cũng đánh giá rất cao vai trò chủ động của TP Hạ Long trong việc tổ chức hội thảo khoa học. GS, TS Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định: Hà Nội là địa phương đầu tiên tổ chức hội thảo và tiếp đó là TP Hạ Long. Điều này cho thấy, lãnh đạo thành phố đã quán triệt chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, nhất là tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về xu thế phát triển trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Do đó chúng tôi cho rằng, với tinh thần không ngừng đổi mới, sáng tạo, TP Hạ Long sẽ sớm khắc phục được những thách thức đang gặp phải. Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng, TP Hạ Long cần tiếp tục định vị lại vị trí của mình với các địa phương khác trong cả nước, thay vì định vị trong toàn tỉnh. Khi đặt thành phố ở một hệ tham chiếu lớn hơn, rộng hơn, Hạ Long sẽ đưa ra được cái nhìn chiến lược hơn, tổng thể hơn và có những giải pháp căn cơ hơn để có thể đưa thành phố vào top 10 địa phương dẫn đầu về phát triển giáo dục quốc gia đến năm 2035. Đây sẽ là nền tảng vững chắc giúp giáo dục Hạ Long tiếp tục vươn xa trong thời kỳ hội nhập và phát triển, đóng góp tích cực vào sự thịnh vượng chung của đất nước.
Hoàng Nga
- Hội thảo khoa học “Phát triển giáo dục Hạ Long trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”
- Hạ Long: Đẩy nhanh tiến độ các công trình chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Người thầy là đầu tàu cho giáo dục
- Thêm nguồn lực đầu tư cho giáo dục
- Nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tư thục
Liên kết website
Ý kiến ()