Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:38 (GMT +7)
Phát triển kinh tế khu vực biên giới bền vững
Thứ 2, 11/10/2021 | 10:04:57 [GMT +7] A A
Với việc xây dựng, ban hành các nghị quyết, chương trình hành động; xây dựng đồng bộ hạ tầng phù hợp với tiềm năng, điều kiện thực tế của từng địa phương, đến nay kinh tế khu vực biên giới của tỉnh ngày càng khởi sắc, phát triển bứt phá, bền vững.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Quảng Ninh được ưu đãi rất nhiều về tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế toàn diện. Tỉnh hiện có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao so với bình quân chung của cả nước: Giai đoạn 2015-2020, bình quân tăng 10,7%/năm; năm 2020, quy mô nền kinh tế đạt 211.476 tỷ đồng, tăng 1,86 lần so với năm 2015; năng suất lao động xã hội bình quân tăng 12,1%/năm, đạt 292,9 triệu đồng/người, tăng 1,77 lần so với năm 2015; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 341.644 tỷ đồng; GRDP bình quân ước đạt trên 6.700 USD/người/năm, gấp 2 lần bình quân chung cả nước.
Công nghiệp ngày càng khẳng định là một ngành kinh tế trụ cột của tỉnh, giá trị tăng thêm giai đoạn 2015-2020 bình quân 9,7%/năm. Quy mô ngành công nghiệp năm 2020 đạt trên 92.000 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2015; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trung bình 7,09%/năm. Số lượng doanh nghiệp công nghiệp tăng bình quân 10,1%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn ngành giai đoạn 2015-2020 gần 130.000 tỷ đồng. Đặc biệt, tỉnh hiện có 16 khu công nghiệp (KCN) được quy hoạch và phân bổ tại 10/13 địa phương, tổng diện tích trên 378ha. Đây là những điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh phát huy lợi thế về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế nói chung, kinh tế khu vực biên giới nói riêng...
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 khu kinh tế (KKT) cửa khẩu: Hoành Mô - Đồng Văn (huyện Bình Liêu); Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà); Móng Cái. Cả 3 KKT này đang được tỉnh khai thác hợp lý, phát huy được những tiềm năng, thế mạnh khu vực cửa khẩu.
KKT Cửa khẩu Móng Cái hiện có diện tích lớn nhất trong số các KKT cửa khẩu tại Việt Nam. Đây là khu vực động lực, trọng tâm, được trung ương và tỉnh xác định là một trong 2 mũi nhọn đột phá chiến lược của tỉnh Quảng Ninh, là KKT cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vùng Bắc Bộ. Để phát triển kinh tế tại khu vực này, Quảng Ninh đang khai thác triệt để các tiềm năng của KKT Cửa khẩu Móng Cái với việc phát triển các KCN Hải Yên, KCN Cảng biển Hải Hà...
Năm 2019 và 2020, tổng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh vào địa bàn KKT Cửa khẩu Móng Cái đạt 2.553 tỷ đồng. Đến nay, đã thu hút được 128 dự án đầu tư trên địa bàn (39 dự án FDI, 89 dự án trong nước), với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD và gần 24.000 tỷ VND. KKT Cửa khẩu Móng Cái đã và đang thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, như các Tập đoàn Vingroup, Sun Group, FLC, Amata, Công ty T&T, Ecoland,…
Thời gian qua, KKT Cửa khẩu Móng Cái đã tận dụng tốt lợi thế về vị trí, với nhiều phương thức kết nối với Trung Quốc thông qua hệ thống cửa khẩu, cầu bắc qua sông, cảng bến, thương mại biên giới, xu hướng càng ngày càng phát triển. Các dự án trong KKT Cửa khẩu đang đi đúng định hướng phát triển về ngành nghề; đáng lưu ý, một số dự án ngành công nghiệp đang huy động được nguồn vốn lớn, sử dụng công nghệ cao. KKT Cửa khẩu Móng Cái hiện có 10 bến cảng, 17 kho ngoại quan, 35 kho hàng hóa, bến bãi bốc xếp, tổng diện tích trên 115.000m2. Hệ thống các công trình hạ tầng trọng điểm kết nối đã được đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cao tốc Nội Bài - Hạ Long - Móng Cái khi hoàn thành sẽ trở thành tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối Móng Cái với các trung tâm lớn trong nước và Asean. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển kinh tế khu vực biên giới của tỉnh.
Trong 9 tháng năm 2021, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng lượng hàng hóa lưu thông qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái ước đạt trên 1,4 triệu tấn, tăng 73,56% so với cùng kỳ 2020, đạt 94,3% kế hoạch năm 2021. Theo BQL Cửa khẩu quốc tế Móng Cái: Để tiếp tục duy trì, phát huy những tiềm năng, lợi thế, Ban tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành chức năng khối cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân làm việc tại cửa khẩu, lối mở thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thường xuyên trao đổi với Cục Thương vụ và Quản lý cửa khẩu TP Đông Hưng (Trung Quốc) thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất, nhập khẩu. Đồng thời hoàn thiện Đề án hợp tác thúc đẩy logistics khâu vận chuyển qua Cửa khẩu Móng Cái - Đông Hưng; tiếp tục tham mưu, tạo điều kiện cho Tập đoàn Kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Hoa (CCIC) đặt chi nhánh đại diện, lắp đặt phòng Lab tại Lối mở Km3+4 Hải Yên để kiểm nghiệm, kiểm dịch hoa quả, thủy sản, dán tem sản phẩm…
KKT Cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn và KKT Cửa khẩu Bắc Phong Sinh cũng đã và đang thu hút được các dự án đầu tư, trên cơ sở khắc phục những hạn chế, khó khăn về khoảng cách, địa hình, hạ tầng giao thông…
Theo báo cáo đánh giá của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), việc phát triển kinh tế khu vực biên giới thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của cả nước, nhất là khi phải chịu tác động của dịch bệnh. Năm 2020, Quảng Ninh nằm trong số 15 tỉnh tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Đây được coi là tín hiệu hết sức khả quan đối với việc phát triển kinh tế khu vực biên giới nói riêng, phát triển kinh tế toàn tỉnh nói chung, nhất là trong bối cảnh đầy khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hiện nay.
Định hướng phát triển
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế khu vực biên giới của tỉnh còn những khó khăn, hạn chế cần được giải quyết, như về lực lượng lao động có trình độ, chế độ chính cho người lao động, hình thành vùng sản xuất tập trung, nâng cao năng lực cạnh tranh…
Để khu vực biên giới có thể phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn và đi đúng hướng, phát huy được hết lợi thế sẵn có, Quảng Ninh luôn chú trọng xây dựng những kịch bản phát triển mang tính lâu dài. Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo đối với sự phát triển của tỉnh, nghị quyết đầu tiên của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XV (Nghị quyết số 01-NQ/TU, ngày 16/11/2020) là về phát triển nhanh, bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo, với quan điểm, định hướng: Phát triển gắn với việc đẩy nhanh tốc độ CNH-HĐH, kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp; phát triển gắn liền với phát triển bền vững các KCN, KKT thực sự trở thành những động lực tăng trưởng… Đây được coi là hướng đi hết sức sáng suốt, góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế khu vực kinh tế biên giới của tỉnh.
Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh cũng đang xây dựng chiến lược, tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… để thu hút nhiều hơn nữa những nhà đầu tư FDI chất lượng tới đầu tư tại các KKT cửa khẩu trên địa bàn.
Mới đây nhất, ngày 16/8 vừa qua, tại Hội nghị phát triển kinh tế khu vực biên giới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ ra tiềm năng, lợi thế của việc thu hút đầu tư phát triển kinh tế ở các tỉnh có khu vực biên giới: Giúp khai thác thị trường hơn 1,5 tỷ dân Trung Quốc; khai thác thị trường ASEAN và thị trường các nước có các FTA mà Việt Nam là thành viên. Tại hội nghị, tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Bộ Công Thương ủng hộ, hỗ trợ và chấp thuận một số nội dung còn vướng mắc, để có thể hiện thực hóa các định hướng phát triển kinh tế tại biên giới trên địa bàn tỉnh theo mục tiêu đã đề ra.
Cụ thể, tỉnh đề nghị Bộ Công Thương quan tâm, ủng hộ chủ trương cho Quảng Ninh thực hiện thí điểm Khu hợp tác biên giới Móng Cái - Đông Hưng, sau khi Chính phủ hai nước Việt Nam, Trung Quốc phê duyệt Đề án Khu hợp tác qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Để chủ động sẵn sàng, Quảng Ninh đã dành quỹ đất khoảng 1.360ha dự kiến để xây dựng; đang xây dựng cao tốc Móng Cái - Vân Đồn để kết nối hạ tầng.
Bộ Công Thương xem xét ủng hộ chủ trương xây dựng Trung tâm giao dịch nông, lâm, thủy sản châu Á - Thái Bình Dương tại Km3+4, phường Hải Yên (TP Móng Cái), nhằm phục vụ, cải thiện môi trường kinh doanh tại khu vực cửa khẩu biên giới trên địa bàn.
Để kinh tế khu vực biên giới được phát triển theo hướng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, Quảng Ninh sẽ tiếp tục tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại biên giới phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; nghiên cứu đề xuất và ban hành các chính sách hấp dẫn, đồng bộ, khả thi để tiếp tục thu hút đầu tư vào khu vực biên giới; huy động nguồn lực xã hội và khai thác hiệu quả quỹ đất, lợi thế kinh doanh thương mại; tận dụng tốt quan hệ qua biên giới và các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký với các nước để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao… tại vùng biên giới, phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()