Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 10/01/2025 04:49 (GMT +7)
Phát triển kinh tế tư nhân: Mục tiêu số lượng và chất lượng tăng trưởng
Thứ 4, 19/04/2023 | 09:18:24 [GMT +7] A A
Qua 36 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân.
Nhằm phát huy hơn nữa những đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân, ngày 31/3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhiều "điểm nghẽn" cần tiếp tục được tháo gỡ, các chính sách cần tập trung định hướng, quan tâm hỗ trợ và thúc đẩy để tạo đà phát triển tốt hơn, giúp khối kinh tế tư nhân đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng chung của đất nước.
Chưa thật sự bền vững
Trong giai đoạn năm 2016-2021, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp bình quân khoảng gần 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động; tỷ lệ đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm khoảng 34,1%, cao hơn mức đóng góp 27,7% của các doanh nghiệp nhà nước.
Đáng chú ý, kinh tế tư nhân đóng góp lớn vào tổng thu ngân sách nhà nước từ 13,88% năm 2016 đến 18,5% năm 2021 và trong hoạt động thương mại chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu, gấp gần bảy lần về nhập khẩu và 10 lần về xuất khẩu so với khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân cũng đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng từ 51,3% năm 2016 lên đến 59,5% năm 2021.
Những con số nêu trên đã khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Mặc dù đã đạt được những thành tựu tích cực trong 5 năm qua, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, rõ ràng hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa thật sự được cải thiện, còn hạn chế ở nhiều mặt và chưa trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Theo đó, cả nước đang có khoảng 800 nghìn doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp lớn (chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước) chỉ chiếm 2%, doanh nghiệp vừa chiếm 2%, còn lại 96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Kinh tế tư nhân chủ yếu có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, đa số vẫn là hộ kinh doanh (chiếm 94%) với trình độ công nghệ, quản trị, năng lực tài chính, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh còn thấp; cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, thiếu liên kết với nhau và với các thành phần kinh tế khác.
Thực tế cho thấy khu vực kinh tế tư nhân lớn về số lượng nhưng chất lượng còn hạn chế. Xét về khía cạnh phát triển bền vững, còn khá nhiều vấn đề đặt ra, nhất là vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội và môi trường.
Theo TS Cấn Văn Lực, nếu đối chiếu với Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017 và thực tiễn thì vẫn còn một số hạn chế lớn, khả năng thích ứng linh hoạt của nhiều chủ thể kinh tế tư nhân cũng chưa thật sự đạt được như yêu cầu đặt ra. Thậm chí tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân đang có xu hướng giảm trong những năm gần đây, không đạt mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất một triệu doanh nghiệp, chiếm 50% GDP theo Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017. Năng lực hội nhập và cạnh tranh kinh tế quốc tế của khu vực kinh tế tư nhân còn rất hạn chế, mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ở mức thấp; chủ yếu vẫn là gia công, nhập khẩu để sản xuất, gia công rồi xuất khẩu. Tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thương mại, trốn thuế, buôn lậu trong kinh tế tư nhân cũng đang là một vấn đề đáng lo ngại. Mặt khác, khu vực này đang phải đối mặt với rất nhiều rào cản như: Chưa có sự thống nhất cao về nhận thức, về sự phát triển, về môi trường kinh doanh, sự bất bình đẳng giữa khu vực kinh tế tư nhân với khu vực kinh tế nhà nước và khu vực FDI,...
Cần được quan tâm, đầu tư xứng đáng
Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế tư nhân đóng góp 55% vào tăng trưởng GDP; đến năm 2030 có ít nhất hai triệu doanh nghiệp tư nhân, đóng góp 55-65% GDP; chiếm 1/3 quy mô nền kinh tế. Đây được đánh giá là mục tiêu rất thách thức.
Bởi trên thực tế, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã chậm lại về số lượng và chất lượng kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Hiện mỗi năm, cả nước có khoảng 120 nghìn đến 130 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp dừng hoạt động, giải thể chiếm đến khoảng 60% so với số doanh nghiệp mới.
Vì vậy, muốn có 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, mỗi năm phải có thêm ít nhất 400 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, gấp gần ba lần tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp hiện nay.
Đây là một con số không tưởng, nhất là trong bối cảnh tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn hơn, tỷ lệ doanh nghiệp rời bỏ thị trường tăng cao.
Nếu không được quan tâm, đầu tư xứng đáng và có những giải pháp tháo gỡ khó khăn thì kinh tế tư nhân rất khó để trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.
Chính vì vậy, theo quan điểm của TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica, đã đến lúc cần chú trọng đến mục tiêu phát triển doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả thay vì hướng đến mục tiêu là số lượng doanh nghiệp đăng ký mới hằng năm. Nhiều doanh nghiệp có hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, cơ chế quản trị lạc hậu, quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính và quản trị yếu kém. Do đó, việc phát triển quá nhiều doanh nghiệp nhưng không mang lại giá trị thực chất và sự bền vững trong hoạt động là điều không cần thiết. Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn muốn hướng tới mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025 và xa hơn là hai triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, Nhà nước cần có các cải cách mang tính đột phá trong Luật Doanh nghiệp, các luật về quản lý thuế, thuế và một số luật có liên quan nhằm hình thành một khung pháp lý thuận lợi, phù hợp với loại hình doanh nghiệp một chủ, doanh nghiệp cá thể. Đây là biện pháp căn cơ để khuyến khích hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Từ đó, tạo tác động cộng hưởng để cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững trên cơ sở năng lực cạnh tranh ngày một cao hơn.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân tiếp tục giữ vai trò là một động lực quan trọng trong nền kinh tế, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam PGS, TS Nguyễn Trọng Điều kiến nghị, Chính phủ cần có sự quan tâm, đầu tư đúng mức đối với kinh tế tư nhân bởi Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiến tạo, hỗ trợ, thúc đẩy bằng nhiều chính sách, cũng như hoàn thiện thể chế, cải thiện thực chất, mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Theo đó, Chính phủ cần ban hành cơ chế, chính sách và cách làm phù hợp nhằm khuyến khích hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ. Đối với doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp, cần nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp mình trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Đồng thời, cần đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin tại doanh nghiệp; chủ động hợp tác, liên kết, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và khu vực để thúc đẩy kinh tế tư nhân ngày càng phát triển.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()