Tất cả chuyên mục

Trên địa bàn tỉnh, kinh tế tập thể (KTTT), nòng cốt là mô hình HTX, đang phát triển đúng hướng, là yếu tố và động lực quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Nhiều cơ hội phát triển kinh tế HTX
Là tỉnh dịch vụ, công nghiệp nhưng Quảng Ninh vẫn xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn là cơ sở và lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó KTTT, nòng cốt là HTX, đã khẳng định vai trò chính trong việc kết nối tập hợp thành viên đảm nhận cung ứng dịch vụ, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Giai đoạn 2020-2025, các chính sách như tài chính, tín dụng, KHCN, xúc tiến thương mại, đất đai... được các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai. Nhiều vướng mắc, tồn tại đã được xem xét giải quyết, tạo được lòng tin của thành viên và người lao động trong HTX đối với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh.
Quảng Ninh là một trong những địa phương có HTX thành lập mới hằng năm cao nhất nước. Từ năm 2020 đến nay toàn tỉnh có 538 HTX được thành lập mới (trung bình 134 HTX thành lập/năm), nâng tổng số 1.087 HTX toàn tỉnh, đứng thứ 3 toàn quốc về số lượng HTX, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 768 HTX, chiếm 70,65%, 2 liên hiệp HTX; thu hút gần 75.000 thành viên và lao động, tổng vốn điều lệ 4.398 tỷ đồng. Đóng góp của khu vực KTTT, HTX vào GRDP của tỉnh khoảng 1,2%/năm.
Các HTX hoạt động đa dạng về ngành nghề, tuân thủ những quy định của Luật HTX. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa quy mô lớn có sức lan tỏa, nhất là tham gia với vai trò tích cực trong chương trình MTQG xây dựng NTM, chương trình OCOP, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về vai trò và sự cần thiết phải thành lập các HTX. Nhiều HTX đã lấy tối đa hóa lợi ích cho thành viên làm mục tiêu hoạt động. Nông nghiệp, nông thôn tỉnh chiếm trên 80% diện tích tự nhiên, là nơi sinh sống của 40% dân số toàn tỉnh. Ở các vùng nông thôn xa xôi, vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo, các doanh nghiệp chưa với tới được, ở đó có các HTX.
Bên cạnh những kết quả đạt được, KTTT, nòng cốt là các HTX, chưa thoát khỏi yếu kém kéo dài về trình độ công nghệ lạc hậu, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý yếu, chất lượng, hiệu quả hoạt động thấp. Qua đánh giá của ngành, đơn vị, nhiều HTX trong tỉnh hiện hoạt động hình thức, lúng túng trong xây dựng phương án tổ chức hoạt động, chưa mang lại nhiều lợi ích cho thành viên, tổ chức HTX chưa hấp dẫn người dân. Tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTT, HTX rất thấp, chỉ bằng khoảng 1/2 tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh, thấp nhất so với các thành phần kinh tế khác.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ngô Tất Thắng cho biết: Trong bối cảnh KHCN phát triển như vũ bão hiện nay đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, đòi hỏi khu vực KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh phải tự thay đổi cách thức hoạt động để phù hợp với yêu cầu và tận dụng tối đa những cơ hội phát triển trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Mục tiêu là phát triển KTTT, HTX hiệu quả, phát huy hết tiềm năng, đóng góp quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển nhanh, bền vững.
Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế HTX
Tỉnh ưu tiên tập trung mọi nguồn lực, thực hiện quyết liệt, đồng bộ một số giải pháp, như xây dựng, hoàn thiện, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp, nâng cao hiệu quả hoạt động, có tầm nhìn dài hạn để KTTT, HTX phát triển nhanh, bền vững dựa trên chính sách riêng, đột phá của tỉnh.
Trọng tâm là các cơ chế đặc thù cho HTX, xây dựng và phát triển một số nền tảng cơ sở dữ liệu dùng chung; đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX về chuyển đổi số, đào tạo kỹ năng số cho thành viên và người lao động trong HTX có trình độ thực tiễn sản xuất, thực tiễn của thị trường; phát triển hệ thống các sản phẩm OCOP.
Đồng thời xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm áp dụng công nghệ hiện đại từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm; quy hoạch vùng nguyên liệu; phát triển HTX nuôi biển công nghiệp hiện đại - thế mạnh riêng có của tỉnh trong chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch... để tạo giá trị gia tăng của sản phẩm biển, góp phần tiết kiệm tài nguyên biển, vì nguồn sống xanh cho thế hệ mai sau; phát triển các tổ chức KTTT gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số trong khu vực KTTT, HTX.
Cùng với đó, thay đổi nhận thức, tư duy, cách thức trong hoạt động quản lý nhà nước về KTTT, HTX trong bối cảnh mới, bám sát tình hình, nắm rõ những khó khăn, nhu cầu của HTX để phản ánh đến các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định; vào cuộc sâu hơn, kịp thời hướng dẫn các thủ tục để các HTX tăng khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; tập trung quản lý chương trình OCOP nhằm phát triển theo chiều sâu, đồng bộ, biện chứng với sự phát triển HTX của tỉnh...
Hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành về HTX được xây dựng liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành khác; xây dựng chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho HTX; tổ chức Festival HTX thường niên; tổ chức các đoàn công tác đi học tập kinh nghiệm phát triển HTX tại các nước có phong trào HTX mạnh trong khu vực và thế giới.
Các HTX phát huy nội lực chủ động sáng tạo, dám nghĩ làm, đẩy mạnh liên doanh, liên kết; điều chỉnh phương thức SXKD, tăng cường học hỏi kinh nghiệm, mô hình đổi mới sáng tạo hiệu quả; chủ động nắm bắt các cơ hội kỷ nguyên số mang lại để phát triển và thích ứng với xu hướng phát triển mới. Trong trọng tâm, cốt lõi là thay đổi tư duy của các thành viên của HTX từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng công nghệ; nhìn nhận đúng vai trò, ý nghĩa của việc ứng dụng KHCN và chuyển đổi số vào quản lý sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là bứt phá khỏi cơ chế, mô hình cũ, nhưng với nội lực sẵn có và sự quan tâm của tỉnh, KTTT mà nòng cốt là các HTX của tỉnh sẽ tự tin vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.
Ý kiến (0)