4
18
/
1014592
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Tạo xung lực để Quảng Ninh "cất cánh"
longform
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Tạo xung lực để Quảng Ninh "cất cánh"

 

Trong xu thế toàn cầu hoá, hội nhập quốc tế, khi nền kinh tế chủ yếu dựa trên tri thức thì nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng thể hiện vai trò quyết định sự tăng trưởng và phát triển xã hội. Xác định vai trò và tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

 

Năm 2014, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ việc triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 15-NQ/TU, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh không ngừng nâng lên; nhiều chỉ tiêu, kế hoạch đề ra đã đạt và vượt.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, Quảng Ninh đã quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25) và gần đây nhất là Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 5/2/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII”. Qua đó đã từng bước sắp xếp tinh gọn bộ máy, đội ngũ, tạo điều kiện để thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

 

Trong quá trình triển khai thực hiện từ năm 2014 đến năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành 12 văn bản chỉ đạo, trình HĐND tỉnh ban hành 9 nghị quyết liên quan đến phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, có đề án “Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020” (Đề án 293); các chính sách thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trong tỉnh; đề án dạy nghề cho lao động nông thôn... Những cơ chế, chính sách đột phá này đã được triển khai hiệu quả, giúp nguồn nhân lực của tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Đồng chí Hoàng Bá Hướng, Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết: Đề án 293 được phê duyệt và ban hành năm 2015. Thực hiện Đề án, 5 năm qua tổng số lớp đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước của toàn tỉnh là 621 lớp, với trên 32.800 học viên, tổng kinh phí thực hiện là 259 tỷ đồng. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ đương chức và trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp sở và cấp phòng của tỉnh cơ bản đã được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ theo yêu cầu tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm. Ngoài đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện, sở, trong giai đoạn 2015-2020, để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm chọn cử 127 công chức, viên chức chuyên môn sâu (không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý), 30 cán bộ chủ chốt cấp xã, 15 bí thư chi bộ, trưởng thôn, bản, khu phố tham gia các lớp bồi dưỡng ngắn hạn tại nước ngoài.

Bên cạnh Đề án 293, các chính sách thu hút lao động và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trong tỉnh, hay đề án dạy nghề cho lao động nông thôn; thu hút nguồn lực xã hội hóa, khởi công xây dựng Trường Đại học FLC với 3 chuyên ngành mũi nhọn là công nghệ cao, du lịch, hàng không… cũng góp phần tạo đột phá, mở ra cơ hội giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Theo đó, năm 2020, số lao động trong khu công nghiệp đạt khoảng 25.000 người (tăng gấp 2 lần so đầu nhiệm kỳ); hoàn thành và đưa vào hoạt động các trung tâm dạy nghề cấp huyện trên địa bàn tỉnh (đến nay, toàn tỉnh có 42 cơ sở đào tạo nghề).

 

Ngày 13/10/2014 là một cột mốc quan trọng với tỉnh Quảng Ninh khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1869/QĐ-TTg về việc thành lập Trường Đại học Hạ Long. Trong đó xác định Đại học Hạ Long là trường đa ngành, đồng thời là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh và hướng tới trở thành cơ sở đào tạo có uy tín trong nước, khu vực.

Ông Trần Trung Vỹ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, cho biết: Để thực hiện tốt sứ mệnh được giao, nhà trường tập trung đẩy mạnh phát triển giáo dục, đào tạo trên 4 lĩnh vực chính là: Du lịch, dịch vụ; ngoại ngữ; kỹ thuật, công nghệ; xã hội, nhân văn. Đây là những ngành phù hợp với định hướng chiến lược phát triển của tỉnh Quảng Ninh, đáp ứng nhu cầu phát triển thực tiễn của xã hội. Theo đó, từ khi nhà trường thành lập, tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách thu hút giảng viên, học sinh, sinh viên. Tính từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã thu hút được 11 tiến sĩ và 2 thạc sĩ, với kinh phí hỗ trợ gần 25 tỷ đồng.

 

Bên cạnh sự ra đời, phát triển ngày càng lớn mạnh của Trường Đại học Hạ Long, Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ được sáp nhập bởi Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ, Trung tâm GDTX&ĐTCB tỉnh và Trường huấn luyện cán bộ đoàn đội, cũng được đầu tư xây dựng mới về cơ sở vật chất, đổi mới mô hình tổ chức để trở thành cơ sở thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

Trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có thể thấy, Quảng Ninh luôn đặc biệt chú trọng, quan tâm đến lĩnh vực giáo dục. UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo. Đó là: Tổ chức những lớp bồi dưỡng về quản trị trường học cho các cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, tăng cường công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ; kết hợp đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại, đồng bộ để hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh những năm qua không ngừng được nâng cao về cả giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Hằng năm, Quảng Ninh có từ 44 đến 60 giải trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia. Đây cũng là giai đoạn mà tỉnh có nhiều học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp khu vực và quốc tế.

Cô giáo Đỗ Thị Diệu Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hạ Long, chia sẻ: Nhà trường rất tự hào vì những năm qua các thế hệ học sinh của trường đã liên tục đạt được nhiều thành tích cao tại những cuộc thi, kỳ thi các môn văn hóa mang tầm vóc khu vực, quốc tế. Từ đó, nhiều học sinh đã thành tài, quay trở về Quảng Ninh công tác, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bên cạnh lĩnh vực giáo dục và đào tạo, một số lĩnh vực khác như y tế, du lịch cũng được đặc biệt ưu tiên trong phát triển nguồn nhân lực. Đơn cử, ở lĩnh vực du lịch, từ năm 2014 đến năm 2019, tỉnh đã tổ chức 8 lớp bồi dưỡng chuyên đề du lịch ở nước ngoài cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý và cán bộ chuyên môn sâu của các sở, ban, ngành, địa phương - những người trực tiếp phụ trách, theo dõi, tham mưu trong lĩnh vực quản lý và phát triển du lịch của tỉnh. Toàn tỉnh có khoảng 200 cán bộ đã được cử đi học tập, bồi dưỡng chuyên sâu ở nước ngoài về lĩnh vực du lịch.

Với lĩnh vực y tế, từ năm 2012 đến năm 2019 có 89 cán bộ, y, bác sĩ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài. Riêng trong 2 năm gần đây (2018, 2019), kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành Y tế luôn chiếm khoảng 10% tổng kinh phí toàn tỉnh dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hằng năm.

 

Đến nay, quy mô nguồn nhân lực của tỉnh hiện có trên 780.000 người (tăng 8,2% so với năm 2015). Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5% (tăng 8,9% so với năm 2015). Cơ cấu lao động của tỉnh hiện chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Đó là: Khu vực nông nghiệp 23,8%; công nghiệp, xây dựng 31%; dịch vụ 45,2%.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận và tranh thủ đón đầu được nhiều điều kiện, cơ hội mở ra từ thực tiễn, tuy nhiên, hiện nay công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh cũng đang chịu ảnh hưởng bởi nhiều tác động bất lợi từ tình hình quốc tế và trong nước, khi mà kinh tế thế giới phục hồi chậm, sự thay đổi về cơ chế, chính sách của các quốc gia liên quan; tình hình biển Đông diễn biến khó lường; thời tiết, dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, đặc biệt là đại dịch Covid-19. Những yếu tố này đã ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng.

Chính vì thế, để tiếp tục có những bứt phá, một số giải pháp quan trọng đang được tỉnh cân nhắc, chú trọng xây dựng, thực hiện trong thời gian tới là cải cách toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới, có lộ trình xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giáo dục ở các cấp học đạt chuẩn quốc gia. Chăm lo, xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, xử lý nghiêm tiêu cực. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 90%, trẻ em mầm non và học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt tỷ lệ 100%, số sinh viên/vạn dân đạt 500 sinh viên.

Cùng với đó, tỉnh còn chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông, lâm, ngư nghiệp sang khu vực du lịch, dịch vụ, công nghiệp; chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Xây dựng chính sách thu hút, đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; kết nối doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo nghề, khuyến khích doanh nghiệp hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Quy hoạch, xây dựng phát triển Trường Đại học Hạ Long theo mô hình đô thị đại học, mở rộng liên kết hợp tác, trở thành trung tâm thu hút đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực phía Bắc.

Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển, ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy sản xuất thông minh, quản lý thông minh, chính quyền điện tử, đô thị thông minh, đô thị xanh, công dân thông minh. Xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử, quản lý thuế và các dịch vụ phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số; hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số trong quản trị và sản xuất kinh doanh. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp đầu tư chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; hoàn thành xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (tại Đầm Hà, Đông Triều).

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh xác định phát triển nguồn nhân lực đồng bộ cả về số lượng và chất lượng, hạt nhân là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; thu hút, trọng dụng nhân tài vào khu vực công; tập trung nguồn lực cho các chuyên gia đầu ngành, ưu tiên tuyển dụng người lao động qua đào tạo; kết hợp hài hòa giữa đào tạo và đào tạo lại với thu hút nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh và của doanh nghiệp.

Cùng với hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính, việc xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược mà tỉnh đang thực hiện có hiệu quả trong nhiều năm qua. Tin tưởng, với tinh thần chủ động tìm tòi hướng đi, cách làm, quyết tâm đổi mới của các cấp ủy đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên toàn tỉnh, công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh sẽ tiếp tục có những bứt phá trong các năm tới, tạo đà giúp xây dựng Quảng Ninh là tỉnh công nghiệp, hiện đại và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.

Thực hiện: Lan Anh

Trình bày: Đỗ Quang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu