Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:40 (GMT +7)
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển
Thứ 7, 06/05/2023 | 16:29:55 [GMT +7] A A
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV xác định trong giai đoạn 2020-2025, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số là khâu đột phá, cấp bách. Đây là cơ sở để Quảng Ninh hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc. Hiện tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới.
Theo đó, Quảng Ninh đã chủ động xây dựng nhiều cơ chế, chính sách phát triển nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo định hướng, quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Nổi bật ở giai đoạn trước là Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2704/QĐ-UBND ngày 17/11/2014 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 293/QĐ-UBND ngày 30/1/2015 của UBND tỉnh phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực của tỉnh đến năm 2020.
Ở giai đoạn gần đây là Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh; chủ đề công tác năm 2022 về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 13/5/2022 triển khai thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030...
Cùng với đó, Quảng Ninh còn có nhiều chính sách thu hút, hỗ trợ học tập đối với sinh viên học các chuyên ngành phục vụ sự phát triển của tỉnh; thưởng đối với người có tài năng và sinh viên giỏi; hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và hỗ trợ học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh... Đồng thời đẩy mạnh liên kết vùng, hợp tác trong nước và quốc tế về phát triển nguồn nhân lực.
Trong đó đã ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo với các trường đại học hàng đầu Việt Nam và quốc tế để liên kết đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC của tỉnh, tăng cường đào tạo đối với các ngành, lĩnh vực mà tỉnh đang cần như du lịch, ngoại ngữ, quản trị kinh doanh, thương mại quốc tế, chuyên gia về quản lý các KKT, KCN, đào tạo sau đại học cho đội ngũ CBCCVC của tỉnh, đào tạo giáo viên của Trường Đại học Hạ Long; đồng thời thu hút nhân tài cho chiến lược phát triển KT-XH của tỉnh đề ra.
Đặc biệt, trong tiến trình chuyển đổi số mà Quảng Ninh đang thực hiện, nhiệm vụ cấp bách là phải xây dựng được nguồn "nhân lực số" và "công dân số" đáp ứng được yêu cầu của việc sáng tạo, quản trị, vận hành, khai thác hiệu quả các nền tảng số, hiện tỉnh đã lên kế hoạch tổng thể cho việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công nghệ cho CBCCVC, người dân và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin để phục vụ tiến trình chuyển đổi số. Trong đó, trọng tâm là đổi mới và hiện đại hóa các cơ sở giáo dục để đào tạo nguồn “nhân lực số” ngay từ trên ghế nhà trường; gắn chặt với việc đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức và phát triển kỹ năng số trong các cơ quan nhà nước và trong khu vực tư nhân. Đồng thời, nhanh chóng nghiên cứu, tham mưu, ban hành và triển khai thực thi các cơ chế, chính sách tìm kiếm, thu hút, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin làm việc cho tỉnh.
Mục tiêu đến năm 2025, 100% CBCCVC trong cơ quan hành chính nhà nước sử dụng thành thạo các ứng dụng của chính quyền số; trên 60% dân số có tài khoản thanh toán điện tử và sử dụng thành thạo các dịch vụ đô thị thông minh; 100% người dân có định danh số... Đến năm 2030, 100% CBCCVC cấp huyện, cấp xã xử lý công việc trên nền tảng số; tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử và sử dụng các dịch vụ số đạt trên 90%...
Ở lĩnh vực du lịch, tỉnh cũng đã quan tâm, có định hướng đào tạo, có chương trình khung đáp ứng được nhu cầu đào tạo hiện tại của các doanh nghiệp, tương thích với chương trình đào tạo du lịch của các nước trong khu vực và quốc tế... Đồng thời, dành nguồn lực nhất định từ ngân sách nhà nước để tổ chức thực hiện đào tạo tại chỗ cho hàng nghìn cán bộ quản lý và người lao động ngành du lịch.
Bên cạnh đó, tỉnh còn quan tâm phát triển Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ trở thành một trong những cơ sở đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC thuộc tỉnh lớn nhất trong toàn quốc. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, nhà trường tổ chức hàng trăm lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hàng nghìn CBCCVC toàn tỉnh. Đặc biệt, công tác sắp xếp tinh giản tổ chức, bộ máy, biên chế, cơ cấu lại đội ngũ, thí điểm hợp nhất cơ quan, đơn vị, nhất thể hóa và tăng cường kiêm nhiệm các chức danh cũng được tỉnh thực hiện đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, nguồn nhân lực của tỉnh cơ bản duy trì được tốc độ phát triển hợp lý về số lượng và chất lượng. Quy mô nguồn nhân lực của tỉnh hiện có gần 800.000 người (tăng 8,2% so với năm 2015). Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 85%, trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt gần 50%.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng với sự tăng trưởng ấn tượng những năm gần đây, đặc biệt là định hướng chuyển dịch kinh tế từ "nâu" sang "xanh", nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến Quảng Ninh đều đang "khát" nhân lực trình độ cao, nhất là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành dịch vụ, du lịch cũng đòi hỏi lượng lớn nhân lực có kỹ năng chuyên nghiệp, bài bản hơn, điều này đòi hỏi Quảng Ninh cần tiếp tục quan tâm và có những chính sách cụ thể phù hợp hơn nữa để phát triển nguồn nhân lực. Để tháo gỡ nút thắt, hiện tỉnh đã tiến hành xây dựng đề án cụ thể, có cơ chế, chính sách quan tâm đầu tư thoả đáng phát triển giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, định hướng cho giai đoạn 10 năm tới.
Trong đó, các nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, sắp xếp lại hệ thống trường học phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, ưu tiên vùng khó khăn và các đối tượng chính sách. Trường Đại học Hạ Long sẽ được xây dựng theo mô hình đô thị đại học, mở rộng liên kết hợp tác, trở thành trung tâm thu hút đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực phía bắc, đồng thời sắp xếp lại các trường nghề gắn với các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh; hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục, y tế giai đoạn 2023-2025, nhằm thu hút thêm các nguồn nhân lực chất lượng cao về tỉnh làm việc cũng như đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho đội ngũ CBCCVC của tỉnh.
Bên cạnh các nguồn lực nội tại, tỉnh cũng sẽ có cơ chế thu hút, giữ chân người tài ở lại tỉnh lâu dài, trở thành công dân Quảng Ninh để cống hiến, sáng tạo. Cùng với đó, tiếp tục quan tâm tạo dựng chuỗi liên kết lao động sau đào tạo với doanh nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia đào tạo nghề theo hướng gắn đào tạo với sử dụng, đặc biệt là các tập đoàn, các doanh nghiệp có thương hiệu hiện đã thành công ở Quảng Ninh. Ngoài ra tỉnh cũng có chủ trương quan tâm đến nhà ở cho người lao động, đã rà soát quỹ đất 20%, cùng với đó là tạo quỹ đất phát triển quỹ nhà ở với giá cả phù hợp, đủ sức cạnh tranh để thu hút nguồn lao động đã qua đào tạo từ ngoại tỉnh về Quảng Ninh…
Với những cơ chế, chính sách đầu tư thoả đáng cho phát triển giáo dục đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tạo nền móng vững chắc để Quảng Ninh bứt phá phát triển KT-XH giai đoạn tiếp theo, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()