Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:13 (GMT +7)
Phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng nghề
Thứ 7, 12/12/2020 | 05:11:15 [GMT +7] A A
Kỳ họp thứ 21 - kỳ họp thường lệ cuối năm của HĐND tỉnh khóa XIII, đã quyết nghị thông qua chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh. Đây là "chìa khóa" quan trọng để khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia học nghề, nhất là với những nghề tỉnh đang cần thu hút đáp ứng cho sự phát triển KT-XH của tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Một giờ học thực hành tại Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh. Ảnh: Huỳnh Đăng |
Thời gian qua, Quảng Ninh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ học nghề. Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 220/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết số 140/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh Quảng Ninh. Việc ban hành và tổ chức thực hiện 2 nghị quyết này đã tạo cơ hội cho nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường. Nhiều học sinh, sinh viên sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề đã tìm cho mình một công việc ổn định.
Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH, 5 năm qua các địa phương trong tỉnh đã hỗ trợ cho 1.926 học sinh, kinh phí trên 8 tỷ đồng (thực hiện Nghị quyết 220/2015/NQ-HĐND từ năm 2016-2018 hỗ trợ 186 học sinh, kinh phí trên 892 triệu đồng; thực hiện Nghị quyết 140/2018/NQ-HĐND từ năm 2019-2020 hỗ trợ 1.740 học sinh, kinh phí trên 7 tỷ đồng), như vậy trung bình mỗi năm hỗ trợ 385 học sinh, sinh viên, kinh phí 1,6 tỷ đồng. Một số ngành, nghề tuyển sinh đào tạo với số lượng nhiều học sinh, sinh viên như: Kỹ thuật chế biến món ăn; hướng dẫn du lịch; quản trị khách sạn; quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
Đáng chú ý, việc thực hiện chính sách đã góp phần vào việc phân luồng học sinh sau THCS, THPT tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhân lực có tay nghề cao của doanh nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh theo hướng tích cực, đóng góp vào cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI của tỉnh.
Quảng Ninh đang đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, nhu cầu lao động qua đào tạo thời gian tới dự báo tăng cao. Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Theo kết quả khảo sát thực tiễn nhu cầu lao động qua đào tạo tại hơn 200 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho thấy nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp tại KCN, KKT, tập đoàn kinh tế đến năm 2025 là 132.339 người; trong đó nhu cầu về lao động có trình độ đại học trở lên là 10.639 người, lao động có trình độ cao đẳng là 7.626 người, lao động có trình độ trung cấp là 7.552 người, lao động có trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng là 7.451 người, lao động chưa qua đào tạo là 99.071 người.
Xuất phát từ thực tiễn trên, để góp phần khuyến khích mạnh mẽ học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Quảng Ninh theo học các nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo, góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh, tại Kỳ họp 21, HĐND tỉnh đã thảo luận, quyết nghị ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ học nghề thuộc danh mục nghề khuyến khích đào tạo và hỗ trợ kinh phí, học phí học văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, thay thế Nghị quyết số 220/2015/NQ-HĐND và Nghị quyết số 140/2018/NQ-HĐND sẽ hết hiệu lực thi hành vào tháng 12/2020. Nghị quyết mới bổ sung thêm 6 danh mục các nghề của tỉnh đang cần thu hút: Cắt gọt kim loại; kỹ thuật xây dựng; điện tử công nghiệp; điều khiển phương tiện thủy nội địa; điều dưỡng; dược. Đồng thời, kéo dài các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đến năm 2025 và bổ sung các đối tượng và mức hỗ trợ cho các đối tượng. Cụ thể, bổ sung hỗ trợ 100% tiền đóng học phí học văn hóa hằng tháng phải nộp đối với học sinh sau tốt nghiệp THCS tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh học tiếp lên trình độ trung cấp, cao đẳng kết hợp học văn hoá THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên. Nghị quyết có hiệu lực từ đầu năm 2021, với tổng kinh phí dự kiến 12,62 tỷ đồng/năm, tăng 4,6 tỷ đồng/năm so với giai đoạn 2015-2020.
Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Liêu Lài Thị Hiền cho biết: Nghị quyết được ban hành chắc chắn tiếp tục tạo cơ hội cho nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục đến trường; thực hiện phân luồng học sinh sau THCS, THPT tham gia học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề chất lượng cao, phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh giai đoạn tới.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()