Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 02:18 (GMT +7)
Triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 Phát triển nhanh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh
Thứ 5, 02/02/2023 | 08:55:48 [GMT +7] A A
Năm 2022, Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tỉnh nông thôn mới (NTM) với nhiều thành tựu ghi nhận. Phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn 2023-2025, tỉnh tiếp tục hành trình NTM với mục tiêu xây dựng những vùng quê đổi mới, trù phú, hạnh phúc.
5/7 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao
Chương trình NTM giai đoạn 2023-2025 tỉnh tập trung xây dựng nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp; nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả theo mô hình tăng trưởng xanh, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa; tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh, khác biệt của từng vùng, từng địa phương; đồng thời, tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo.
Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có 5/7 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao là Đầm Hà, Tiên Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà, trong đó Đầm Hà, Tiên Yên đã hoàn thành năm 2022, đang hoàn thiện hồ sơ công nhận; 58/98 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 4 xã so với năm 2022); 32 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 6 xã so với năm 2022); 367/458 thôn đạt chuẩn NTM, bằng 80% số thôn thuộc các xã khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo (tăng 87 thôn so với năm 2022). Đặc biệt, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020. Toàn tỉnh sẽ phát triển thêm 10 sản phẩm OCOP tiềm năng đạt 5 sao cấp quốc gia, trong đó có tối thiểu 5 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 5 sao cấp quốc gia; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức kinh tế đã tham gia OCOP; phát triển mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế/năm tham gia chương trình. Đồng thời, đảm bảo 100% sản phẩm OCOP (trừ các sản phẩm thuộc lĩnh vực dịch vụ, du lịch) được dán tem điện tử hoặc có mã số mã vạch truy xuất nguồn gốc.
Những giải pháp trọng tâm
Nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tập trung vào các giải pháp: Nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với đô thị hóa; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền; triển khai mạnh mẽ chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, tỉnh quan tâm giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, bãi ngang ven biển và hải đảo; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân; tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện chương trình…
Một trong những giải pháp trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và thương mại ở nông thôn làm nền tảng để thu hút đầu tư. Theo đó, tỉnh sẽ phát triển hệ thống thủy lợi đảm bảo chủ động cấp nước cho diện tích trồng lúa 2 vụ, diện tích các cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao, nuôi trồng thủy sản thâm canh tập trung theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình thủy lợi đa mục tiêu; xây dựng và hình thành ngành công nghiệp phụ trợ để đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nuôi biển. Tỉnh sẽ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng, kết nối với đô thị, nhất là các khu vực ven đô thị lớn, từng bước tiệm cận về điều kiện hạ tầng, dịch vụ của đô thị; đồng thời tiếp tục huy động mọi nguồn lực xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, NTM thông minh.
Nhằm hoàn thành mục tiêu thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 2 lần so với năm 2020, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương gắn với các sản phẩm chủ lực; phát triển nông nghiệp sinh thái xanh - sạch theo hướng hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh nuôi biển, hoàn chỉnh hệ thống hậu cần nghề cá, nuôi biển, chế biến đồng bộ, hiện đại, xây dựng Quảng Ninh thành trung tâm thủy sản miền bắc. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 5.000 ha rừng cây gỗ lớn, cây bản địa; giữ vững tỷ lệ che phủ rừng 55% gắn với nâng cao chất lượng rừng.
Đặc biệt, ở giai đoạn này, tỉnh sẽ chú trọng phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM trên cơ sở 8 nhóm giải pháp chính theo Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025” được phê duyệt tại Quyết định số 4389/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 của UBND tỉnh. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể về quản lý, phát triển sản phẩm du lịch biển đảo Vịnh Hạ Long - Vịnh Bái Tử Long - Vân Đồn - Cô Tô; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ; thu hút đầu tư phát triển du lịch biển đảo cao cấp, có thương hiệu, có năng lực, tạo ra chuỗi liên kết, đầu tư đồng bộ, hiện đại. Tỉnh phát triển du lịch kết nối chặt chẽ giữa các địa bàn Cô Tô, Vân Đồn, Cẩm Phả, Hạ Long, Móng Cái, tạo thành chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển, biên giới, sinh thái, nghỉ dưỡng đặc sắc; mở rộng, kết nối không gian du lịch với các địa phương lân cận thuộc tỉnh Hải Dương và TP Hải Phòng; phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia xây dựng chiến lược và kế hoạch triển khai phát triển du lịch Ðông Triều đặc sắc và bền vững, từ đó khai thác thế mạnh của các địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy NTM bền vững.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()