Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:13 (GMT +7)
Phát triển nông nghiệp đô thị
Thứ 2, 07/08/2023 | 08:03:58 [GMT +7] A A
Trong quá trình đô thị hóa, quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, đòi hỏi nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất. Ứng dụng KHCN vào sản xuất không chỉ phù hợp với thực tiễn đất canh tác ít, mà còn cho thu nhập cao.
Ông Lê Quang Tùng (khu Động Linh, phường Minh Thành, TX Quảng Yên) là một nông dân tiêu biểu cho nông nghiệp đô thị. Đến nay ông đã có 20 năm kinh nghiệm nuôi tôm bằng phương pháp quảng canh; nhưng do diện tích càng ngày bị thu hẹp, thời tiết thất thường, ông chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP. Mỗi năm gia đình ông thu hoạch khoảng 30 tấn tôm, doanh thu gần 5 tỷ đồng.
“Không chỉ tiết kiệm được khoảng 30% diện tích nuôi so với nuôi quảng canh; với tần suất 3 vụ/năm, nuôi trong nhà màng kết hợp tái sử dụng nước, chi phí sản xuất cũng giảm nhiều. Nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP luôn sạch sẽ, đảm bảo an toàn, không ô nhiễm; kiểm soát dịch bệnh dễ dàng hơn, tạo thói quen cho người nuôi trong ghi chép sổ sách về thuốc thú y, nguồn thức ăn. Chi phí giảm, giá bán cao hơn so với tôm nuôi thông thường, nên lợi nhuận cao hơn” - Ông Tùng chia sẻ.
Phường Minh Thành (TX Quảng Yên) trước đây có hàng trăm ha NTTS bằng phương thức quảng canh. Từ khi tỉnh và thị xã có chủ trương thu hồi đất để nhường cho các dự án lớn, nông dân nơi đây đã tìm hướng đi mới cho mình bằng cách nuôi tôm công nghệ cao, giúp tiết kiệm nhiều chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh khuyến khích người dân chuyển đổi mô hình cây trồng, vật nuôi, TX Đông Triều tạo điều kiện cho doanh nghiệp nông nghiệp. Đến nay trên địa bàn thị xã, nhiều mô hình của doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình rau thủy canh Green Farm 188 Mạo Khê Đông Triều của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 188 là một điển hình của sản xuất nông nghiệp trong nhà, điển hình của nông nghiệp đô thị.
Bà Bùi Thị Thể, Giám đốc Công ty, cho biết: Với mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới, Công ty chỉ cần 3ha. Mô hình kiểm soát được lượng nước, dinh dưỡng trong quá trình trồng, giúp tiết kiệm nước, ánh sáng; đặc biệt giúp sản xuất liên tục các loại rau mà không bị phụ thuộc vào thời tiết. Hiện mô hình cho thu hoạch 72.000 tấn/năm.
TX Đông Triều đang đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển sản xuất gắn với ứng dụng KHCN, phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản. Thị xã nhân rộng mô hình trồng cây na dai, na bở, cam, bưởi, ổi... đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời khuyến khích sản xuất hữu cơ, đăng ký mã sản xuất vùng trồng thuận lợi cho việc lưu thông sản phẩm. Đến nay thị xã có 350ha cây na, 20ha cây ổi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP; bên cạnh đó còn có các công ty sản xuất nấm, rau sạch.
Tại TP Hạ Long đã xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp đô thị, như: Cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo Bảo Khang; sản xuất phân bón từ giun trùn quế cho cây trồng của Trang trại Tuyết Tuyến Farm; sản xuất đông trùng hạ thảo của HTX Việt Hoàng và nhiều mô hình làm nông nghiệp kết hợp với kinh doanh du lịch, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần quan trọng bảo vệ, phát triển môi trường sinh thái.
Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 duy trì số lượng chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn hiện có; phát triển 16 chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm lợi thế của tỉnh đạt chuẩn VSATTP, với sự tham gia liên kết chuỗi của 30 doanh nghiệp, 150 HTX và gần 15.000 hộ SXKD; đảm bảo việc hình thành và thiết lập các liên kết chuỗi bền vừng, từng bước ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Trước mắt, với chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị, nhiều nông dân trong tỉnh đã đổi mới tư duy sản xuất phù hợp với thực tiễn, biến những khó khăn, hạn chế thành sức mạnh để làm giàu bằng chính sự sáng tạo của mình.
Ngọc Trâm
Liên kết website
Ý kiến ()