Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 14:06 (GMT +7)
Phát triển nông nghiệp sạch, an toàn, hiệu quả
Thứ 4, 16/02/2022 | 10:25:56 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chuyên môn trong hướng dẫn kỹ thuật, vận động, tuyên truyền cho người dân đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp, diện tích trồng trọt theo quy trình VietGAP và hữu cơ trên địa bàn tỉnh đã ngày một tăng cao. Điều này không những đưa nông nghiệp của tỉnh hướng tới phát triển bền vững mà còn giúp bảo vệ môi trường thông qua kiểm soát sử dụng vật tư nông nghiệp trong quá trình sản xuất.
Quảng Ninh có diện tích đất sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt là gần 72.000ha (chiếm khoảng 12% tổng diện tích đất nông nghiệp). Mặc dù không chiếm tỷ trọng lớn nhưng sản xuất trồng trọt đóng vai trò rất quan trọng khi nó đáp ứng tới 75% nhu cầu lương thực tại chỗ cho người dân trên địa bàn tỉnh và là trụ đỡ cho các ngành kinh tế khác. Để có thể nâng cao vị thế, khả năng cạnh tranh và thu nhập cho người dân, việc đẩy mạnh sản xuất trồng trọt theo quy trình VietGAP, hữu cơ đang là mục tiêu trọng tâm của ngành nông nghiệp và các địa phương.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, năm 2021, toàn tỉnh có 40 cơ sở được chứng nhận VietGAP với diện tích gần 1.100ha. Trong đó, diện tích lúa sản xuất khoảng 150ha với 7 cơ sở được chứng nhận; rau gần 80ha với 8 cơ sở được chứng nhận; cây ăn quả trên 757ha với 19 cơ sở được chứng nhận; cây chè gần 55ha với 3 cơ sở được chứng nhận. Với sự gia tăng mạnh của các cơ sở được chứng nhận, sản lượng VietGAP của các loại cây trồng cũng ghi nhận có sự tăng trưởng cao so với những năm trước đó. Cụ thể như: Cây lúa khoảng 900 tấn, cây rau các loại là 4.000 tấn, cây ăn quả trên 4.000 tấn.
Còn đối với sản xuất hữu cơ, hết năm 2021, tỉnh cũng đã chứng nhận được 45ha lúa với sản lượng khoảng 150 tấn tại TX Đông Triều và Quảng Yên; 329ha quế với sản lượng 220 tấn tại huyện Tiên Yên và Đầm Hà.
Giá trị thu nhập bình quân đối với sản xuất VietGAP và hữu cơ khoảng từ 75-300 triệu đồng/ha/năm, tùy thuộc vào đối tượng cây trồng. Như với cây lúa khoảng 75 triệu đồng/năm, nhưng với cây ăn quả có thể lên tới 300 triệu đồng/năm. Với mức thu nhập này cho thấy, giá trị tăng thêm từ sản xuất VietGAP so với sản xuất thông thường khoảng 10-30 triệu đồng/ha/năm. Không chỉ gia tăng về thu nhập, việc trồng trọt theo quy trình VietGAP, hữu cơ đã mở ra cơ hội cho người nông dân liên kết, tiêu thụ sản phẩm và đưa nông sản của mình vào các kệ hàng của các kênh thương mại uy tín, sàn giao dịch điện tử. Đây cũng là cách thức để nông sản của nhiều địa phương trong tỉnh vượt qua được cơn bão của dịch Covid-19 trong năm 2021.
Điển hình, như sản phẩm na dai của Đông Triều, năm 2021, thị xã có 1.550 hộ trồng na với trên 800ha (chủ yếu là na dai), tập trung tại các xã Việt Dân, An Sinh, Tân Việt, Bình Khê..., sản lượng đạt khoảng 6.500 tấn quả. Trong đó có 50% là diện tích na được được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp nhãn hiệu tập thể. Do đó, ngay từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9, toàn bộ sản lượng na đã được tiêu thụ, cho thu nhập mỗi hộ dân hàng trăm triệu đồng/ha. Ông Vũ Huy Cảnh, thôn Tân Thành, xã Việt Dân (TX Đông Triều), cho biết: Nhờ sản xuất theo quy trình VietGAP và áp dụng khoa học kỹ thuật trong thụ phấn hoa, vườn na dai trái vụ nên không tăng về số vụ thu hoạch, mà chất lượng quả na cũng như sản lượng ngày một tăng. Trung bình mỗi vụ chính trong năm đạt khoảng 10 tấn quả, số tiền thu hoạch gần 300 triệu đồng.
Cùng với người dân, nhiều doanh nghiệp cũng ngày càng đầu tư mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, hiệu quả. Trong đó có một số doanh nghiệp, HTX đang thực hiện tốt quy trình VietGAP như: Công ty Vienco, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 188, Công ty CP Xây dựng thương mại Đầm Hà, HTX Chất lượng cao Hoa Phong… Các sản phẩm của những doanh nghiệp này ngày càng xuất hiện nhiều trong các siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng nông sản sạch.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nếu nhìn nhận một cách tổng thể, diện tích trồng trọt theo quy trình VietGAP và hữu cơ cũng vẫn còn khá khiêm tốn. Làm rõ hơn về những khó khăn trong sản xuất nông sản sạch, ông Lê Văn Quý, xã Tràng Lương (TX Đông Triều),| chia sẻ: Là người trực tiếp theo đuổi sản xuất theo quy trình VietGAP và hữu cơ với trên 15ha ổi, ban đầu tôi cảm thấy rất e ngại. Vì vốn bỏ ra lên tới gần chục tỷ đồng mà sau 3 năm mới bắt đầu cho thu hoạch. Chưa kể những chi phí phát sinh hàng năm rất lớn cho nhân công và vật tư. Thế nhưng việc tiếp cận những nguồn hỗ trợ của tỉnh vẫn còn rất phức tạp, mất quá nhiều thời gian.
Để sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, hữu cơ tiếp tục được nhân rộng, theo ông Nguyễn Trung Thành, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), cho biết: Việc ngại thay đổi tập quán canh tác là nguyên nhân đầu tiên khiến cho việc mở rộng diện tích nông nghiệp áp dụng sản xuất VietGAP, hữu cơ còn thấp. Cùng với đó, sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ đòi hỏi phải có sự đầu tư tương ứng về hạ tầng, kỹ thuật; việc tiêu thụ còn gặp nhiều khó khăn do nhận thức của một số người tiêu dùng. Nhiều địa phương cũng thiếu nguồn nhân lực để phục vụ cho việc tư vấn, hướng dẫn người dân. Để phát triển sản xuất theo hướng VietGAP, hữu cơ, các địa phương phải có giải pháp khắc phục những nguyên nhân trên. Đặc biệt là cần phải rà soát, chủ động những chính sách để đa dạng hóa các nguồn vốn, tối ưu các thủ tục tiếp cận nguồn vốn.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()