Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 31/10/2024 07:28 (GMT +7)
Phía sau ca hiến tạng đặc biệt
Thứ 2, 15/07/2024 | 07:45:40 [GMT +7] A A
Một nam thanh niên bị tai nạn giao thông và có dấu hiệu chết não. Tuy đã được các y, bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí tận tình cứu chữa, nhưng bệnh nhân không qua khỏi. Mặc dù đang trong sự suy sụp tột cùng, nhưng khi nhận được sự động viên, giải thích từ các bác sĩ, người nhà bệnh nhân đã đồng ý hiến tạng của bệnh nhân cho y học, với tâm niệm “cho đi là còn mãi”. Ngay sau đó, các y, bác sĩ đã căng mình xuyên đêm để lấy mô, tạng dành cho những người bệnh nặng đang chờ được ghép...
Để sự sống được hồi sinh
Ngay sau khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí về bệnh nhân D.M.Đ (SN 1988) bị chết não sau tai nạn giao thông và gia đình đã đồng ý hiến mô, tạng, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia nhanh chóng phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cử kíp y, bác sĩ về Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí để hỗ trợ.
Với những đáp ứng kịp thời, nhanh chóng, ngành Y tế Quảng Ninh và Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đã phối hợp một cách hiệu quả, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho ca lấy tạng.
Giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình hồi sức tạng là lúc các chỉ số cơ thể của người bệnh có diễn biến xấu, như huyết áp tụt, biến loạn các chỉ số toàn thân tăng dần. Nhiệm vụ của kíp mổ lúc này phải làm cho các chỉ số trở lại ổn định, giữ sự sống đó cho đến khi Hội đồng chẩn đoán bệnh nhân chết não và đưa người bệnh vào phòng phẫu thuật. Đây là ca đầu tiên lấy đa tạng được thực hiện tại một bệnh viện tuyến tỉnh, nên các y, bác sĩ của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí hết sức nỗ lực và tập trung cao độ.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Anh Cường, Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, cho biết: Bệnh viện đã thành lập Hội đồng đánh giá chết não, xây dựng kế hoạch triển khai công tác chuyên môn, công tác hậu cần, trang thiết bị, nhân lực cần thiết, sẵn sàng phương án dự phòng, kế hoạch phối hợp với các đoàn từ các bệnh viện đến lấy tạng ghép và phương án vận chuyển mô, tạng để đảm bảo chất lượng mô, tạng tới người được ghép tạng được tốt nhất.
Sau 5 giờ đồng hồ, với sự tham gia của 120 y, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên chia thành nhiều kíp, trong đó có 60 y, bác sĩ đến từ các trung tâm ghép tạng hàng đầu Việt Nam như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế và 60 y, bác sĩ của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, cùng các y, bác sĩ ở các bệnh viện tuyến tỉnh của Quảng Ninh được trực tiếp Giám đốc Sở Y tế điều động hỗ trợ, ca phẫu thuật đã kết thúc thành công. Ngành Y tế Quảng Ninh đã huy động kịp thời những điều kiện sẵn có về con người, máy móc và thuốc cho ca mổ lấy tạng.
Với quyết tâm không sai sót, không chậm trễ, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí hỗ trợ tối đa phương tiện vận chuyển, khẩn trương đưa số tạng được lấy chia làm 2 hướng là tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) và sân bay quốc tế Nội Bài để kịp chuyến bay về Bệnh viện Trung ương Huế.
Khi mô tạng rời bệnh viện chuyển đến nơi ghép tạng, tâm trạng của mọi người vẫn chưa an tâm vì không biết mô tạng khi tới nơi có đủ điều kiện được ghép hay không. Các y, bác sĩ của kíp mổ hồi hộp ngóng chờ kết quả từ các ca ghép tạng sau đó...
Hạnh phúc từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Đây là ca hiến tạng đặc biệt. Điều đặc biệt thứ nhất bởi đây là ca lấy tạng đầu tiên thực hiện ở một bệnh viện tuyến tỉnh, điều đặc biệt thứ hai bởi đây cũng là lần đầu tiên trên toàn quốc, trong ca lấy tạng các bác sĩ đã chia tách gan người hiến chết não thành công để ghép cho 2 bệnh nhân (gan thùy phải ghép cho 1 trẻ em ở Bệnh viện Trung ương Huế, gan thùy trái ghép cho 1 người lớn tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), một lá gan cứu sống được 2 người. Ngoài việc khẳng định nỗ lực và năng lực y tế của ngành Y tế Quảng Ninh, ca lấy ghép tạng này còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi việc vận động người dân và cộng đồng hiến tạng đã trở nên dễ dàng hơn, giúp được nhiều bệnh nhân đang trông chờ nguồn tạng để hồi sinh sự sống.
Trong số nguồn tạng được hiến, tim, gan và thận được vận chuyển xa nhất là tới Bệnh viện Trung ương Huế trong đêm 1/4/2024. Ngay khi tiếp nhận tạng, các ê kíp bác sĩ lập tức bắt tay vào ghép tạng cho bệnh nhân.
Cụ thể, tim được ghép cho người bệnh suy tim rất nặng, EF 18%, từng 2 lần ngưng tim. Gan được ghép cho bệnh nhi được chẩn đoán xơ gan do teo đường mật bẩm sinh đã được điều trị phẫu thuật Kasai nhưng không đáp ứng điều trị. Thận từ người hiến tặng cũng được ghép thành công cho bệnh nhân suy thận mạn.
Ngày 5/4, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, sức khỏe 3 bệnh nhân được ghép tạng từ người chết não tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí hiến tặng ổn định, đang dần hồi phục tốt.
Tổng cộng có tất cả 7 người mắc bệnh hiểm nghèo trên cả nước được cứu sống từ ca lấy tạng đặc biệt này.
Đó có lẽ là thông tin giá trị nhất mang lại hạnh phúc cho các y, bác sĩ tham gia trong ca phẫu thuật lấy tạng tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí đêm 1/4/2024 nói riêng và cả ngành y tế nói chung. Sự nỗ lực của họ đã đem lại sự sống cho các bệnh nhân chỉ biết trông chờ vào nguồn tạng được hiến. Hành trình lấy tạng xuyên Việt này đã gây xúc động trong dư luận về nghĩa cử cao đẹp của người hiến và sự tập trung cao độ của ngành y tế trong quyết tâm cứu người.
Hiến tạng - mệnh lệnh từ trái tim
Câu chuyện về ca hiến tạng của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân D.M.Đ đã lan tỏa giá trị nhân văn to lớn về mong muốn cứu giúp những bệnh nhân không may mắn. Đây cũng là minh chứng cho kết quả của công tác truyền thông, tuyên truyền vận động hiến mô, tạng tại Quảng Ninh.
Chỉ sự thấu hiểu thực sự mới làm cho người dân tình nguyện đăng ký hiến mô, tạng. Để lan tỏa hơn nữa phong trào này, vừa qua các y, bác sĩ của Quảng Ninh đã đi đầu trong việc đăng ký hiến mô, tạng cứu người. Trong tháng 5/2024, Sở Y tế đã phát động trong toàn ngành chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người”, với tinh thần “Cho đi là còn mãi”.
Theo thống kê của Sở Y tế, chỉ trong 4 ngày (từ ngày 28 đến 31/5) tất cả 33 đơn vị y tế trong toàn tỉnh đã tổ chức lễ phát động hưởng ứng “Đăng ký hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người” tại đơn vị. Đến nay, đã có 1.310 cán bộ, nhân viên ngành Y tế Quảng Ninh tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng cứu người. Đây là sự kiện nhằm thay đổi nhận thức của xã hội về hiến mô, tạng, thắp lên ngọn lửa nhân ái và nhân rộng thêm những hành động cao quý, góp phần mang lại cơ hội sống cho nhiều người.
Bác sĩ CKII Bùi Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi hội trưởng Chi hội Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Quảng Ninh, cho biết: Hiện tại, tất cả các đơn vị y tế trong tỉnh đã tham gia mạng lưới hiến mô, tạng và phát động đến toàn bộ đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong toàn ngành. Hy vọng nghĩa cử cao đẹp đăng ký hiến mô, tạng từ đội ngũ y, bác sĩ sẽ lan tỏa trong cộng đồng để thúc đẩy ý thức và hành động hiến tạng cứu người trong mỗi người dân, nhằm mang lại cuộc sống mới cho nhiều người bệnh cần ghép tạng. Trong thời gian tới, ngành Y tế Quảng Ninh tiếp tục là cầu nối để tư vấn cho người dân tham gia đăng ký hiến mô, tạng cứu người.
Thành công từ ca lấy tạng tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cũng mở ra một bước ngoặt lớn cho ngành Y tế Quảng Ninh. Từ đây các bệnh viện tuyến tỉnh của Quảng Ninh sẽ tự tin, chủ động trong kỹ thuật lấy tạng và xa hơn nữa là kỹ thuật ghép tạng. Với sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến Trung ương, sự tạo điều kiện của tỉnh và của ngành y tế, sự nỗ lực học hỏi và quyết tâm cứu chữa cho người bệnh, hy vọng các y, bác sĩ của Quảng Ninh sẽ ngày càng làm chủ những kỹ thuật y tế chuyên sâu, trong đó có kỹ thuật lấy ghép mô, tạng, góp phần chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()