Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:07 (GMT +7)
“Phiên chợ ký ức” giữa lòng thành phố
Chủ nhật, 31/03/2024 | 09:05:11 [GMT +7] A A
Trải nghiệm phiên chợ khá đặc biệt, gợi lại những kỉ niệm, ký ức xưa cũ từ thời chiến tranh, bao cấp gian khó hay tham gia hành trình bằng xe U-oát mui trần tham quan kiến trúc Pháp xưa còn sót lại ở TP Hạ Long... là những gì du khách được trải nghiệm trong sản phẩm du lịch: Phiên chợ ký ức xưa.
Cứ mỗi thứ 7 hàng tuần, trên đường Trần Quốc Nghiễn, trước cửa Bảo tàng Quảng Ninh, lại khá đông du khách, người dân tụ về đây tham gia phiên chợ đặc biệt: Phiên chợ ký ức xưa, do Hội Cổ vật tỉnh Quảng Ninh triển khai. Đây là sản phẩm du lịch mới, được đăng ký triển khai năm 2024.
Gọi là phiên chợ ký ức bởi trên không gian rộng cả trăm tới ngàn m2 là hàng chục bàn, quầy hàng được nối dài, tổ chức như một chợ phiên dịp cuối tuần. Với chừng 500 hiện vật phân thành từng khu, quầy, bàn gồm các loại đồ dùng, đồ xưa cũ, cổ vật… gợi nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu, thời bao cấp, thời công nhân lao động vất vả... Ở các bàn, quầy là nhiều món hàng từ đài loa, xe cổ, đồng hồ cổ, máy đánh chữ đến các loại đèn dầu, bàn ủi “con gà” thời Pháp... Hay đó là các bộ sưu tập loa cổ, nồi đồng, bật lửa… cho đến những bộ sưu tập tiền, tem, đĩa nhạc, hàng phong thủy… được phân thành từng quầy riêng.
Ở một góc khác, bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp các đồ vật quen thuộc của một thời, như: Chiếc đồng hồ Nga, máy khâu con bướm, máy đánh chữ... mà du khách người Pháp, Mỹ rất quan tâm. Hay góc gợi nhớ về gia cảnh khó khăn thời bao cấp xưa, như: những chiếc đèn dầu, tivi Sam sung vỏ đỏ, xe đạp Thống Nhất hay góc bếp với chạn, bát men, âu mỡ bằng sành...; các loại đèn lò chạy bằng đất đèn, áo bay, bình tông nước… của công nhân một thời vất vả mà bất khuất, hào hùng của thợ lò vùng Than.
“Tôi từng gắn bó tuổi thơ với vùng quê nghèo khó, thời bao cấp rồi có duyên gắn bó với vùng Quảng Ninh giàu truyền thống cách mạng, thợ mỏ... có nhiều kỷ niệm, dấu ấn mà nhiều người thế hệ tôi và trước đó không thể quên. Tôi từng được trải nghiệm nhiều phiên chợ tương tự ở các nước, du khách đều rất thích. Vì thế với ý tưởng này, tôi hy vọng phiên chợ sẽ là góc sống lại ký ức, tình cảm của người dân, du khách; vừa là không gian giao lưu văn hóa, tìm hiểu về một vùng đất" - anh Lê Minh Thứ, Chánh văn phòng Hội Cổ vật tỉnh, chia sẻ.
Để có được một phiên chợ như vậy, ngoài cổ vật của Hội, anh Thứ và các thành viên đã huy động toàn bộ gia tài của mình là nhiều vật dụng xưa, cũ; cổ vật được anh và các thành viên sưu tập cả chục năm qua. Để mở rộng không gian, phiên chợ cũng bố trí một không gian mở, khuyến khích cho các hộ, cá nhân theo kiểu “ai có đồ xưa cũ, cổ vật gì thì mang tới” trưng bày, giao lưu mua bán đồ vật. Đây cũng là mô hình của nhiều khu chợ đồ cũ nổi tiếng trong và ngoài nước hoạt động, nơi du khách có thể dạo chơi hay mua những món đồ nào đó ưa thích.
Để đa dạng hơn, phiên chợ dự kiến sẽ mở thêm không gian giao lưu các sản phẩm đồ xưa cũ, không gian giao lưu văn hóa các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, như: Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương...; bổ sung không gian, quầy ẩm thực xưa, như: quầy bán kẹo kéo, tò he, các món ăn xưa cũ của các dân tộc trong tỉnh; bổ sung không gian trưng bày của làng nghề than đá, gốm sứ, đồ thủ công (nón, thuyền nan…); không gian trưng bày về văn hóa vạn chài, hàng hải, như: Sưu tập trưng bày mỏ neo, la bàn, còi hơi sương mù...
Thời gian tới, phiên chợ sẽ mở phiên họp buổi tối gồm các buổi biểu diễn nhạc cụ dân tộc của bà con dân tộc ở Quảng Ninh và trong toàn quốc, nhạc cụ quốc tế... Trước mắt, đó là các chương trình biểu diễn hát then, đàn tính, hát giao duyên, soóng cọ...
Ngoài ra, một tour du lịch mang tên "Du lịch ngược về quá khứ" khởi hành từ phiên chợ tham quan các không gian phố cũ Hòn Gai, qua các kiến trúc Pháp ở TP Hạ Long dự kiến sẽ được triển khai. Đặc biệt, du khách sẽ được đi xe U-oát từ Bảo tàng qua vịnh kỳ quan và sau đó thăm nhà chủ mỏ ở tòa nhà Liên đoàn Lao động tỉnh cũ, thăm Bảo tàng ngành than, khám phá đường hầm phía dưới tòa nhà; thăm di tích nhà tù và bến phà Bãi Cháy.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()