Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 08:48 (GMT +7)
Phiên họp trực tuyến thứ 3 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
Thứ 2, 08/08/2022 | 14:44:50 [GMT +7] A A
Ngày 8/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp trực tuyến thứ 3 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Đồng chí Nguyễn Tường Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, chủ trì tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số.
Về phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia, đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đẩy mạnh triển khai, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm quản lý thông tin của 27 triệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế, bao gồm thông tin của 98 triệu người dân. Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc có khoảng 28 triệu dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có trên 7 triệu trẻ em được cấp số định danh cá nhân theo quy định; trên 6 triệu dữ liệu đăng ký kết hôn; trên 4 triệu dữ liệu đăng ký khai tử. Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp chứa thông tin đăng ký doanh nghiệp theo thời gian thực của hơn 1 triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc; tỷ lệ số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đạt 100%.
Tỷ lệ dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4 là 97,3%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ là 45,7%, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến là 36,9%, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, một số dịch vụ công trực tuyến phát huy hiệu quả rõ rệt phục vụ người dân, tiêu biểu như dịch vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông; dịch vụ đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; dịch vụ cấp hộ chiếu phổ thông.
Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đến hết 6 tháng đầu năm ước tính là 10,41%. Tỷ trọng này năm 2021 ước tính là 9,6%. Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 là 20%. Tỷ lệ doanh nghiệp nộp thuế điện tử đạt 99%; tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hoá đơn điện tử là 100%. Đặc biệt trong năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh.
Tại phiên họp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố chỉ số DTI mức độ chuyển đổi số của các bộ, tỉnh năm 2021. Ở cấp tỉnh, 3 vị trí dẫn đầu DTI thuộc về TP Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, TP Hồ Chí Minh. Tỉnh Quảng Ninh đứng vị trí thứ 7 với các đánh giá: Chính quyền số xếp thứ 6, kinh tế số xếp thứ 10 và xã hội số đứng thứ 14.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương quyết tâm, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân quyết liệt thực hiện chuyển đổi số thời gian qua, công tác chuyển đổi số đã tiến thêm những bước quan trọng, góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ phải truyền cảm hứng, tạo ra xu thế, thúc đẩy phong trào hoàn thành các nhiệm vụ chuyển đổi số. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành theo thời gian thực bảo đảm đồng bộ, nhất quán, chính xác. Tăng cường an toàn thông tin, an ninh mạng. Các địa phương lựa chọn và công bố các nền tảng số mà địa phương mình tập trung thúc đẩy trong năm 2022 để giải quyết các vấn đề của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng hiệu quả để hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số. Khẩn trương hoàn thành Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, thí điểm mô hình Đại học số. Các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp công nghệ thông tin nói riêng phải tham gia tích cực vào chuyển đổi số.
Việt Hưng
Liên kết website
Ý kiến ()