Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 15:56 (GMT +7)
Phim ảnh đừng mượn chữ 'lấy cảm hứng' để tùy tiện bôi xấu người xưa
Thứ 2, 22/04/2024 | 07:29:00 [GMT +7] A A
Vẫn biết phim ảnh có quyền hư cấu và phim không phải là đời thực; nhưng cứ lấy cảm hứng hoặc lấy nguyên mẫu từ đời, từ một ai đó có thực rồi làm những bộ phim dở tệ hoặc khai thác một cách hời hợt, thậm chí sai lệch liệu có ổn không?
Đừng lấy cảm hứng mà tội người ta
"Lấy cảm hứng" là một cụm từ ngữ rất hay. Nó dễ đưa mọi sự đến chỗ có thể thể tất và châm chước cho nhau. Mọi thiếu sót, nhắng nhít, lố bịch, nông cạn, thậm chí phi nghệ thuật, rởm rít trước chữ "lấy cảm hứng" cũng "nhẹ hóa" đi nhiều.
|
Có một bộ phim mới ra rạp đang thu hút sự chú ý của khán giả, không phải vì quá hay mà quá dở, bị cho là thảm họa mới của điện ảnh Việt.
Sau hơn một tuần ra mắt, phim chỉ thu vỏn vẹn vài trăm triệu đồng. Đạo diễn phim phải lên báo than khổ tố bị chèn ép suất chiếu, truyền thông không ủng hộ. Nhưng trên mạng, thậm chí có khán giả cho rằng đạo diễn nên "buông tha" điện ảnh nếu không có khả năng làm phim.
Và sẽ chẳng có gì đáng nói nếu trong lần cinetour quảng bá bộ phim, biên kịch tiết lộ phim được lấy cảm hứng từ cuộc đời của một danh ca quá cố (một đóa hoa bạc mệnh).
Biên kịch lại là bạn thân của danh ca. Khán giả chắc mẩm phim sẽ không "nhạt fine" đâu.
Thế nhưng khi xem xong, dù chuẩn bị tinh thần phim là phim, phim không phải đời và chỉ là "lấy cảm hứng" vẫn ít nhiều không khỏi bị hụt hẫng. "Chẳng có xi nhê gì gọi là liên quan", "chưa tới", "kịch bản khai thác cuộc đời, số phận con người cạn cợt", "không có bóng dáng gì thần tượng ở đó".
Hẳn nhiên, có phải là phim tiểu sử đâu! Thôi thông cảm, người ta chỉ "lấy cảm hứng" thôi mà!
Thế nhưng, có không ít khán giả lại có cảm giác "bị lừa" chỉ vì cụm từ "lấy cảm hứng". Xem xong, có người bình luận:
"Xin các ông bà làm phim đừng bảo phim lấy cảm hứng từ cuộc đời của ai đó mà tội người ta, tội khán giả. Cảm hứng đó, các ông các bà chỉ nên giữ trong lòng, đừng nói ra như một thủ thuật marketing để bán vé".
So sánh là chuyện thường
Trước bộ phim này, điện ảnh Việt cũng có không ít trường hợp "gây bão" khi chuyển thể, khi lấy cảm hứng làm phim, khi thực hiện một bộ phim mang yếu tố tiểu sử.
Có thể kể ra vài ví dụ như phim Kiều @ bị cho là thảm họa, dựa hơi Truyện Kiều để quảng bá phim, trong khi tác phẩm gốc lại là vở cải lương Nửa đời hương phấn. Phim Cậu Vàng bị chê nhiều sạn, cậu Vàng và lão Hạc khác xa nguyên tác của Nam Cao.
Hay phim Em và Trịnh, dù được nhiều người yêu thích cũng không tránh khỏi bị một số người đặt lên bàn cân...
Đặt lên bàn cân so sánh là chuyện bình thường. Khi ê kíp làm phim dám "lấy cảm hứng", "chuyển thể", "làm phim tiểu sử" thì khán giả "dám" cho họ quyền được so sánh.
Có điều, dù đó là phim dạng nào, nếu phim hay ho, hấp dẫn và thuyết phục, khán giả sẽ chẳng còn thì giờ để bắt bẻ chỗ giống chỗ khác mà đắm chìm trong cảm giác điện ảnh ngập tràn. Đó là sự thực.
Thế nên, nếu không có năng lực làm một bộ phim tử tế và khiến khán giả có thể quên hết tất thảy để "sống" với điện ảnh thì đừng tùy tiện dùng "lấy cảm hứng" như một "kim bài bảo hộ" cho một bộ phim chỉ có chất lượng thảm họa.
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()