Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 09/01/2025 00:57 (GMT +7)
Phim kinh dị Việt thắng trăm tỷ nhưng bao giờ mới vượt Thái Lan?
Thứ 4, 04/12/2024 | 11:32:35 [GMT +7] A A
Dù một số phim kinh dị Việt thắng, Jean Yeo, đạo diễn, NSX người Singapore nhận định việc thiếu kinh phí và kinh nghiệm là hai yếu tố khiến tác phẩm trong nước chưa thể vươn tầm khu vực.
Linh miêu, tác phẩm thứ hai của đạo diễn Lưu Thành Luân sau Quỷ cẩu, đã dẫn đầu phòng vé 2 tuần liên tiếp. Thực chất, sự thành công trên mặt trận thương mại của bộ phim là điều có thể dự đoán. Trong bối cảnh thị trường điện ảnh ngày càng khắc nghiệt, việc khai thác chất liệu dân gian trong các tác phẩm kinh dị đang cho thấy sự hiệu quả. Những dự án theo công thức trên như Ma da, Quỷ cẩu hay chính Linh miêu đều thắng lớn dù ít nhiều gây tranh cãi về chất lượng.
Song, không chỉ ở Việt Nam, tiềm năng thương mại của dòng phim kinh dị thực chất đã được các nền điện ảnh lớn trên thế giới nhìn ra từ hàng thập kỷ trước. “Làm phim kinh dị: đầu tư ít, lãi nhiều”, đó không chỉ là nhận định của những nhà làm phim người Việt, mà còn là của các nhà sản xuất quốc tế.
Cơn sốt phim kinh dị ở Việt Nam và thế giới
Nhà nghiên cứu điện ảnh nổi tiếng Stephen Follows từng nhận định: “Kinh dị là một trong những thể loại an toàn nhất cho các nhà làm phim vì có tỷ lệ ROI (tỷ lệ lợi nhuận so với chi phí bỏ ra) cao nhất”.
Thực chất, phim kinh dị không dựa nhiều vào ngôi sao phòng vé để lôi kéo khán giả, không yêu cầu bối cảnh hoành tráng, càng không cần những kỹ xảo quá phức tạp, hao tốn tiền của. Chất lượng của phim phụ thuộc phần nhiều vào tay nghề của đạo diễn, mà ở đây là khả năng tạo ra bầu không khí căng thẳng, mang đến những trải nghiệm và cảm xúc mạnh mẽ. Đáng nói hơn, dẫu kinh phí của dòng phim này không quá cao, song nhu cầu của thị trường lại rất lớn.
Bằng chứng là Hollywood những năm gần đây có rất nhiều tác phẩm kinh dị đạt doanh thu lớn dù kinh phí sản xuất rất thấp. Get Out (2017) thu về 255 triệu USD với ngân sách chỉ 4,5 triệu USD, Insidious (2010) thu về 99 triệu USD với ngân sách 1,5 triệu USD, hay nổi tiếng nhất là vũ trụ The Conjuring có tổng doanh thu vượt 2 tỷ USD, trong khi mỗi phần chỉ tốn khoảng 15–30 triệu USD để sản xuất. Đây là mức chênh lệch mà hiếm thể loại nào khác sánh được.
Có lẽ cũng vì điều đó, số lượng phim kinh dị ra rạp trong những năm trở lại đây tăng lên đáng kể. Stephen Follows còn thống kê được con số hiện tại đã tăng gấp năm lần so với 20 năm trước.
Trong khi đó, điện ảnh kinh dị châu Á, nhờ việc khai thác văn hóa bản địa và yếu tố tâm linh, cũng có sự trỗi dậy mạnh mẽ. Các tác phẩm như The Medium (Thái Lan, 2021), Exhuma (Hàn Quốc, 2023), hay Incantation (Đài Loan, 2022) đã vượt ra khỏi những khuôn mẫu kinh dị quen thuộc của Hollywood, tạo ấn tượng mạnh mẽ với khán giả nội địa và thế giới.
Còn riêng tại Việt Nam, có 6 phim kinh dị được ra mắt trong 2 năm trở lại đây. Điểm chung là cả 6 phim này đều có lãi, trong đó có 2 phim cán mốc trăm tỷ (Ma da, Quỷ cẩu). Con số này có thể xem là cực kỳ ấn tượng trong bối cảnh thị trường ngày càng khắc nghiệt và số lượng tác phẩm thua lỗ chiếm phần nhiều hơn các phim có lãi.
Trong tổng số 24 phim được ra mắt trong năm 2024 tính đến hiện tại, có 10 tác phẩm có lãi, đạt tỷ lệ 41,6%. Song tỷ lệ lãi với các phim kinh dị là 100% với 3 tác phẩm đều thắng lớn, lần lượt là: Ma da (127 tỷ đồng), Cám (96 tỷ đồng) và Linh miêu (70 tỷ đồng, vẫn đang trụ rạp).
Với kết quả có phần vượt trội đó, số lượng dự án kinh dị trong tương lai dự kiến sẽ tăng đáng kể. Nhà sản xuất Mai Thanh Hà nói với Tri Thức - Znews: “Trong những năm tới, có thể sẽ có tới vài chục bộ phim kinh dị ra mắt rạp Việt, và rất nhiều đạo diễn lớn cũng sẽ bước vào cuộc chơi này”.
Đến hiện tại, ít nhất 6 dự án được dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2025 - con số bằng 2 năm trước cộng lại, bao gồm: Đèn âm hồn (Hoàng Nam đạo diễn), Âm dương lộ (Hoàng Tuấn Cường), Quỷ nhập tràng (Pom Nguyễn), Phòng trọ ma ám (Minh Khang), Cô gái dưới đáy hồ (Trần Hữu Tấn) và Heo năm móng (chưa công bố đạo diễn).
Giải thích về cơn sốt phim kinh dị tại Việt Nam, nhà sản xuất người Singapore Jean Yeo nói với Tri Thức - Znews: “Tôi không quá bất ngờ khi dòng phim kinh dị bắt đầu được phổ biến ở Việt Nam. Nó vốn là thể loại được ưa chuộng toàn cầu. Song có lẽ, việc các quốc gia Châu Á đi tiên phong như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan có được thành công đã thúc đẩy các nhà làm phim Việt Nam”.
Phim kinh dị Việt ở đâu so với thế giới?
Cũng theo bà Jean Yeo, hạn chế về kinh phí cũng là một trong những lý do khiến chất lượng phim kinh dị Việt chưa thể sánh được với các nước châu Á và thế giới. Song, đó là thực trạng chung của các quốc gia Đông Nam Á.
Thực tế cho thấy, mức đầu tư của phim kinh dị Việt không thua kém nhiều so với các nền điện ảnh trong khu vực. “Việt Nam và các nước Đông Nam Á nói chung, có mức đầu tư cho phim kinh dị thấp hơn nhiều so với phương Tây, thậm chí cũng không thể so với Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản”, bà cho biết.
Lý giải cho điều này, nhà sản xuất Nguyễn Cao Tùng nhận định đây là xu thế chung của thị trường chứ không phải của riêng Việt Nam hay các nước trong khu vực. Các nhà làm phim kinh dị thường sẽ khởi đầu với những dự án kinh phí thấp, sau đó có kết quả khả quan thì mới dám mạnh dạn đầu tư.
“Ông hoàng phim kinh dị James Wan cũng theo motif này. Chỉ mãi về sau, khi các phim kinh dị của ông thành công về doanh thu, công ty BlumHouse mới mạnh dạn tăng ngân sách. Các nhà làm phim Việt Nam cũng không ngoại lệ. Điển hình là Linh Miêu so với Quỷ Cẩu, Cám/Tết ở làng Địa Ngục so với Bắc Kim Thang... Đây là xu hướng tất yếu, cũng như là tín hiệu tốt cho thị trường. Những quốc gia khác đã đi trước Việt Nam hàng chục năm nên không thể so sánh được”, nhà sản xuất chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Về con số cụ thể, nhà sản xuất Mai Thanh Hà tiết lộ phần nhiều các phim kinh dị Việt Nam có mức kinh phí dưới 20 tỷ đồng. Song, một số dự án như Linh miêu hay Cám thì mức đầu tư sẽ cao hơn, đồng nghĩa với rủi ro cho các nhà sản xuất cũng lớn hơn.
Bên cạnh đó, cô cũng nhận định rằng nhờ chính sách kiểm duyệt được nới lỏng những năm gần đây, các nhà làm phim kinh dị đã có nhiều không gian sáng tạo hơn. Họ được phép khai thác đa dạng góc độ nghệ thuật hơn và thoải mái hơn trong việc xây dựng những tình huống căng thẳng. Nhờ vậy, các nhà đầu tư cũng mạnh dạn hơn khi rót vốn vào dòng phim này.
Song, nếu chỉ xét trên phương diện chất lượng, dường như các tác phẩm kinh dị Việt Nam vẫn chưa thể sánh được với các quốc gia trong khu vực như Indonesia hay Thái Lan dù có mức kinh phí tương đương. Cả hai quốc gia trên đều có nền công nghiệp phim kinh dị phát triển, vượt xa Việt Nam về khả năng tiếp cận khán giả toàn cầu. Lý giải cho điều này, Jean Yeo cho biết mấu chốt nằm ở vấn đề kinh nghiệm.
“Xu hướng làm phim kinh dị chỉ mới bùng nổ tại Việt Nam những năm gần đây, các nhà sáng tạo người Việt vì thế mà cũng tương đối trẻ và ít kinh nghiệm. Điều này có thể dẫn đến việc kể chuyện không đồng đều và thiếu khả năng giữ căng thẳng cho bộ phim”, nhà làm phim người Singapore nhận định.
Theo Znews
Liên kết website
Ý kiến ()