Tất cả chuyên mục

Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) do Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 25-6-2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2016. Luật gồm 7 chương, 93 điều. Luật này giúp bảo đảm tốt công tác ATVSLĐ; chính sách, chế độ đối với người lao động, người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quy định rõ hơn trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác ATVSLĐ và quản lý nhà nước về công tác này.
![]() |
Người lao động làm việc ở khu vực nguy hiểm tại công trình nhà ở riêng lẻ tại khu 6, phường Hồng Hà, TP Hạ Long không có dây đeo bảo vệ an toàn. |
Trên các công trình xây dựng
Tuy không phải là tỉnh xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động (TNLĐ) trong lĩnh vực xây dựng, nhưng thực tế, nhiều đơn vị, doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn Quảng Ninh vẫn chưa thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo ATVSLĐ. Điều này được thể hiện rõ ở Chiến dịch thanh tra lao động trong lĩnh vực xây dựng do UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện từ tháng 5 đến hết tháng 8-2016. Qua kiểm tra một số công trình xây dựng quy mô lớn cho thấy, nhiều đơn vị chưa lập và thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn khi thi công công trình, như: Người lao động thi công tại mặt sàn tầng cao không đeo dây da an toàn khi làm việc; đơn vị chưa lập và thực hiện phương án vận chuyển vật liệu thừa, vật liệu thải từ trên cao (trên 3m); ở các sàn tầng cao không lắp đặt cầu thang lên xuống cho người lao động; vệ sinh công nghiệp tại các sàn tầng chưa đảm bảo; chưa lập sơ đồ, thiết kế tính toán hệ thống cung cấp điện cho khu vực thi công; không bố trí đầy đủ công nhân nghề điện làm công tác cơ điện tại công trường; xung quanh mép sàn tầng cao không có rào chắn, biển báo, không đảm bảo an toàn; chưa có biện pháp cụ thể đề phòng cốp pha rơi hoặc kết cấu công trình bị sập đổ bất ngờ khi tháo cốp pha...
Ở các công trình xây dựng quy mô lớn, vấn đề ATVSLĐ đã vậy, với công trình nhà ở riêng, việc vi phạm an toàn lao động càng phổ biến hơn. Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Lê Văn Sử cho biết: “Trong năm 2015, Sở chủ trì cùng với Sở Xây dựng tiến hành 3 đợt thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ tại 15 hạng mục công trình do 22 nhà thầu thi công xây dựng. Qua các đợt thanh, kiểm tra đã yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công thực hiện 211 kiến nghị; tạm dừng 7 vị trí thi công do không đảm bảo an toàn; tạm dừng hoạt động của 9 máy, thiết bị do không đảm bảo điều kiện kỹ thuật an toàn theo quy định. Đoàn cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính về pháp luật lao động đối với 4 ban chỉ huy công trình thi công và xử phạt bằng tiền với tổng số tiền phạt là 25 triệu đồng.
Cần tăng cường tuyên truyền Luật ATVSLĐ
Có thể thấy rằng, việc tuyên truyền, phổ biến các quy định, hướng dẫn về ATVSLĐ đã được các sở, ngành, địa phương quan tâm. Riêng năm 2015, tỉnh liên tục có những chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai công tác huấn luyện ATVSLĐ và thực hiện chủ trương xã hội hoá, phát huy các nguồn lực đầu tư cho công tác này. Việc huấn luyện ATVSLĐ tiếp tục được quan tâm. Các sở, ngành đã lồng ghép huấn luyện, phổ biến kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ với các vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó sự cố tràn dầu, sử dụng điện tiết kiệm... Tỉnh, các địa phương cũng tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành, từ đó góp phần nâng cao ý thức về ATVSLĐ cho các đơn vị, doanh nghiệp.
Công tác thanh, kiểm tra tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp, cơ sở có nguy cơ cao về mất ATVSLĐ. Năm 2015, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan tiến hành thanh, kiểm tra ATVSLĐ tại 86 cơ sở. Qua thanh tra đã yêu cầu các cơ sở thực hiện 555 kiến nghị; tạm dừng hoạt động của 47 máy, thiết bị, vị trí do không đảm bảo điều kiện an toàn; xử phạt vi phạm hành chính 10 đơn vị với số tiền là 106,5 triệu đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, các sở, ngành, địa phương cũng đã tập trung triển khai nhiều hoạt động trong Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN như: Tuyên truyền, kiểm tra, giám sát; rà soát các công trình, dự án xây dựng đang thi công trên địa bàn...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không chỉ ở các công trình xây dựng mà hiện nay, việc vi phạm ATVSLĐ vẫn tồn tại ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở cả lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Vi phạm phổ biến nhất vẫn là việc trốn tránh, không tham gia BHXH, BHYT, BHTN, không tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động; không tổ chức đo, kiểm tra môi trường lao động tại nơi làm việc; chưa phân loại lao động làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; chưa tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; chưa xây dựng phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp để tổ chức diễn tập xử lý các tình huống giả định; chưa kiểm nghiệm đầy đủ mức độ an toàn của các loại máy móc, thiết bị. Bản thân người lao động chưa chấp hành tốt quy trình, quy định kỹ thuật an toàn...
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, năm 2015, toàn tỉnh xảy ra 441 vụ TNLĐ làm 455 người bị ảnh hưởng, trong đó 33 người chết, 422 người bị thương. Chi phí cho TNLĐ năm 2015 lên tới 11,3 tỷ đồng. Nguyên nhân của các vụ TNLĐ chủ yếu do: Công tác triển khai biện pháp kỹ thuật thi công, biện pháp kỹ thuật an toàn chưa đảm bảo; có thiết kế kỹ thuật, phương án tổ chức sản xuất song chưa đầy đủ và chưa phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất; chưa sâu sát trong chỉ đạo thi công. Trình độ, kinh nghiệm, tác phong công nghiệp của công nhân còn hạn chế, thiếu thận trọng trong thao tác; chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn; không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Công tác quản lý, tổ chức điều hành sản xuất, chỉ đạo thi công của cán bộ công trường, phân xưởng chưa đầy đủ theo thiết kế và quy trình kỹ thuật; bố trí lao động, phân công công việc không cụ thể, thiếu biện pháp kỹ thuật an toàn; tổ chức sắp xếp nơi làm việc chưa đảm bảo. Đối với các đối tượng lao động tự do trên địa bàn như thợ xây ở các công trình nhà ở riêng lẻ, người giúp việc... vẫn chưa được chủ cơ sở quan tâm, bảo đảm ATVSLĐ, khám sức khoẻ định kỳ, đóng BHYT...
Từ ngày 1-7-2016, Luật ATVSLĐ năm 2015 chính thức có hiệu lực. Hy vọng rằng với việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của luật đến toàn thể các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người dân sẽ góp phần giảm thiểu được tối đa các vụ TNLĐ xảy ra trên địa bàn trong thời gian tới, tạo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.
Thu Nguyệt
Ý kiến (0)