Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 09:22 (GMT +7)
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra hoạt động khu vực bãi thải mỏ Bàng Nâu
Thứ 4, 23/06/2021 | 15:07:23 [GMT +7] A A
Ngày 23/6, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đi kiểm tra hoạt động các khu vực bãi thải mỏ Bàng Nâu, TP Cẩm Phả.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6 bãi thải mỏ lớn đang hoạt động với tổng trữ lượng đất đá thải mỏ (không có khoáng sản đi kèm) mỗi năm đạt trên 150 triệu m3. Riêng bãi thải mỏ Bàng Nâu có diện tích rộng trên 435ha. Đây là nơi đổ thải đất đá của mỏ Công ty CP Than Cao Sơn thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Trung bình mỗi năm, sản lượng đổ thải tại bãi thải mỏ Bàng Nâu đạt khoảng 40 triệu m3 đất đá thải.
Mặc dù các bãi thải mỏ nói chung và bãi thải mỏ Bàng Nâu nói riêng đã được đầu tư hệ thống phun dập bụi, kè chắn, song vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, áp lực lớn tới môi trường cũng như chi phí bảo vệ môi trường cho các đơn vị ngành Than. Trong khi đó, trước nhu cầu phát triển của tỉnh, mỗi năm Quảng Ninh cần từ 100 đến 150 triệu m3 đất đá san lấp mặt bằng phục vụ các dự án. Tuy nhiên, hiện nay, mới chỉ có trên 700.000m3 đất đá thải mỏ (không có khoáng sản đi kèm), tại vỉa 14 Mỏ than Công ty CP Than Núi Béo được Bộ Tài nguyên Môi trường cấp phép khai thác phục dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy việc sử dụng đất đá thải mỏ phục vụ san lấp mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, tại buổi kiểm tra, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp cùng các sở, ngành liên quan và TKV nghiên cứu, xác định giá vật liệu đất đá thải mỏ tại một số vị trí phù hợp để các nhà đầu tư nghiên cứu lựa chọn. Việc xây dựng giá phải đảm bảo tính cạnh tranh so với các vật liệu san lấp khác trên địa bàn.
Đồng chí nhấn mạnh, việc sử dụng đất đá thải mỏ là yêu cầu bức thiết của Quảng Ninh hiện nay, giúp thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, đồng thời giảm áp lực, hạ độ cao cho các bãi thải mỏ, đảm bảo công tác môi trường, an toàn cho khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh, nhất là trong mùa mưa bão. Đồng thời, ngành Than cần tiếp tục xây dựng những phương án đổ thải đất đá an toàn gắn với công tác hoàn nguyên, bảo vệ môi trường bền vững.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()