Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 26/11/2024 03:13 (GMT +7)
Phố du lịch thông minh
Thứ 2, 01/08/2022 | 14:36:22 [GMT +7] A A
Quảng Ninh đang tích cực triển khai chuyển đổi số toàn diện. Trong đó phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh nằm trong nhóm 3 tỉnh, thành dẫn đầu về chuyển đổi số với 3 trụ cột chính bao gồm: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Để hoàn thành mục tiêu này, hiện các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp đang tích cực chuyển đổi số, qua đó bắt nhịp với thời kỳ công nghiệp 4.0, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo xu hướng tất yếu hiện nay.
Như TP Hạ Long – Nơi đầu tàu phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá, con người, đặc biệt du lịch, địa phương này đã và đang tích cực triển khai chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số. Mới đây, thành phố đã triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó phấn đấu đến năm 2025, có từ 90% người dân từ đủ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm, 99% số thu ngân sách nhà nước, 100% số tiền học phí của cơ sở giáo dục và trường học trên địa bàn được thanh toán bằng phương thức không dùng tiền mặt… Từ đề án này phấn đấu tạo cho người dân ở khu vực đô thị thói quen thanh toán không tiền mặt; tạo sự minh bạch trong các giao dịch thanh toán trong nền kinh tế; ứng dụng mạnh mẽ thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán một cách thuận tiện, hiệu quả.
Hưởng ứng đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của TP Hạ Long và cũng là tạo thuận tiện cho du khách, xây dựng điểm đến du lịch văn minh, hiện đại, tại Khu du lịch quốc tế Tuần Châu hiện đang triển khai thí điểm “Phố thông minh không dùng tiền mặt” trong Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu. Mô hình thí điểm đang mang lại nhiều tiện ích cho cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh và khách du lịch khi đến tham quan tại khu du lịch cũng như Vịnh Hạ Long.
Tại “Phố thông minh không dùng tiền mặt”, mỗi hộ kinh doanh được hướng dẫn cài đặt miễn phí ứng dụng Viettel Money và 1 mã QR code riêng phục vụ cho việc thanh toán. Hiện cơ bản các hộ kinh doanh đã tham gia, bước đầu khuyến khích các hoạt động giao dịch, thanh toán thông qua ứng dụng Viettel Money và các hình thức số khác, từng bước hướng tới 100% các giao dịch được chuyển dịch sang thanh toán số.
Trên cơ sở thí điểm, mô hình “Phố thông minh không dùng tiền mặt” sẽ được đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng ra toàn tỉnh. Mô hình không chỉ góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực, nhất là du lịch mà còn giúp tối ưu hóa dịch vụ, tạo môi trường du lịch văn minh, hiện đại trong nỗ lực phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh.
Hiện nay, hình thức thanh toán trực tuyến đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, với đa dạng loại hình như: Hệ thống các máy POS (máy quẹt thẻ) hay các phần mềm thanh toán của ngân hàng và doanh nghiệp công nghệ, quét mã QR Code liên kết với tài khoản ngân hàng để du khách quẹt mã thanh toán. Hay đơn giản hơn, ở các nhà hàng, quán ăn, đặt sẵn các số tài khoản ngân hàng để du khách tiện giao dịch.
Có thể thấy, việc thanh toán không dùng tiền mặt hiện rất phổ biến ở các thành phố lớn, trở thành một thói quen của nhiều người dân, cũng như du khách. Với ngành Du lịch, các giao dịch được thực hiện trực tuyến, không dùng tiền mặt sẽ tạo thuận tiện tối đa cho du khách và gia tăng trải nghiệm, ấn tượng tốt với điểm du lịch, từ đó tăng khả năng cạnh tranh cũng như gia tăng chi tiêu cho du khách khi trải nghiệm đa dịch vụ tại Quảng Ninh.
Những lợi ích trong thanh toán không dùng tiền mặt là rất lớn, đặc biệt đối với ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, để hình thành thói quen cho doanh nghiệp, người dân và du khách thì rất cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, tạo cơ chế, ngành Du lịch cũng cần chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trên tinh thần tạo thuận lợi nhất, gia tăng trải nghiệm cho du khách khi tham quan các điểm đến trên địa bàn tỉnh.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()