Tất cả chuyên mục

Thời tiết giao mùa, với sự thay đổi thất thường giữa nắng nóng và mưa ẩm là điều kiện lý tưởng cho muỗi Aedes (muỗi vằn) - trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi và phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh dịch bệnh có nguy cơ gia tăng, việc nâng cao cảnh giác, chủ động phòng chống sốt xuất huyết ngay từ cộng đồng là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ sức khỏe người dân và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Theo CDC Quảng Ninh, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận 32 ca mắc sốt xuất huyết, chủ yếu tập trung tại Hạ Long và Cẩm Phả. Những trường hợp mắc phần lớn là ca bệnh rải rác, chưa hình thành ổ dịch lớn. Dù thời tiết trong những tháng đầu năm lạnh, nhưng những đợt mưa xen kẽ đã tạo ra các vùng nước đọng tạo môi trường thuận lợi cho muỗi Aedes, tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết, sinh sản và phát triển.
Bước vào thời điểm giao mùa, nguy cơ bùng phát dịch càng lớn hơn khi môi trường ẩm thấp, mưa nhiều và nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi để muỗi Aedes phát triển mạnh. Dịch bệnh có thể lan rộng nhanh chóng nếu không có sự vào cuộc kịp thời và chủ động của các cơ quan chức năng cũng như ý thức phòng bệnh từ mỗi người dân.
Dù là bệnh truyền nhiễm phổ biến, song sốt xuất huyết tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh thường bắt đầu với các triệu chứng sốt, đau đầu, mệt mỏi… giống triệu chứng của nhiều bệnh nên khiến người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Một trong những nguy cơ lớn nhất của bệnh là các biến chứng nặng khi không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc giảm tiểu cầu trong máu có thể dẫn đến chảy máu, đặc biệt là ở da, niêm mạc và các cơ quan nội tạng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp các vấn đề về chức năng gan, thận, hoặc thậm chí phát sinh các biến chứng thần kinh như viêm não hoặc co giật, đặc biệt là ở trẻ em.
Trong những trường hợp nặng, bệnh có thể dẫn đến suy hô hấp cấp tính, một biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng bệnh nhân nếu không được cấp cứu kịp thời. Chính vì vậy, việc nhận thức đúng đắn về triệu chứng sốt xuất huyết và đến cơ sở y tế kịp thời là vô cùng quan trọng.
Để phòng tránh và hạn chế sự lây lan của sốt xuất huyết, ngành y tế tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Các khu vực có ổ dịch đều được phun hóa chất diệt muỗi, đặc biệt là ở các trường học, bệnh viện và các khu dân cư tập trung đông đúc. Bên cạnh đó, người dân cũng được khuyến cáo tích cực dọn dẹp môi trường sống, lật úp các vật dụng chứa nước để loại bỏ điều kiện sinh sản của muỗi.
Đáng chú ý, một trong những biện pháp chủ động phòng bệnh đang được đánh giá cao hiện nay là tiêm vắc-xin phòng sốt xuất huyết. Tại Quảng Ninh, vắc-xin sốt xuất huyết Qdenga hiện đang được triển khai chủ yếu tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ và đạt được những kết quả tích cực trong việc giảm thiểu số ca mắc bệnh. Các nghiên cứu cho thấy, vắc-xin có thể giảm nguy cơ mắc bệnh lên tới 80% đối với những người đã tiếp xúc với virus Dengue trước đó. Hơn nữa, vắc-xin còn giúp giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong do biến chứng nặng của bệnh, đặc biệt đối với người già và trẻ em.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Hương (Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Ninh), việc tiêm vắc-xin không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, mà còn là một phần quan trọng trong chiến lược phòng chống dịch bệnh toàn diện. Đặc biệt những người đã tiếp xúc với virus sốt xuất huyết trước đó, khi tiêm vắc-xin có thể giảm nguy cơ tái nhiễm và các biến chứng nặng. Tiêm vắc-xin sẽ hỗ trợ đẩy lùi bệnh và giúp bảo vệ sức khỏe lâu dài của bản thân và cả cộng đồng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nhấn mạnh vai trò của vắc-xin như một phần quan trọng trong chiến lược phòng chống sốt xuất huyết toàn diện bên cạnh các biện pháp truyền thống như kiểm soát muỗi, giám sát dịch tễ và quản lý ca bệnh. Sự tham gia tích cực của cộng đồng trong việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh sẽ là yếu tố then chốt giúp đẩy lùi dịch bệnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang làm thay đổi đáng kể mô hình dịch tễ hiện nay.
Dự báo trong năm 2025, nguy cơ xuất hiện các đợt dịch sốt xuất huyết vẫn hiện hữu và có xu hướng phức tạp hơn do điều kiện thời tiết và mật độ dân cư cao tại nhiều đô thị. Tuy nhiên, nếu mỗi người dân chủ động thay đổi thói quen sinh hoạt, tích cực loại bỏ nơi trú ngụ của muỗi và đặc biệt là tham gia tiêm phòng vắc-xin, thì đây sẽ là "chìa khóa" để giảm thiểu số ca mắc cũng như những biến chứng nguy hiểm mà bệnh có thể gây ra
Ý kiến (0)