Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 01:06 (GMT +7)
Phòng cháy chữa cháy: Coi trọng công tác phòng ngừa
Thứ 5, 27/06/2024 | 19:44:42 [GMT +7] A A
Quảng Ninh được xác định là địa bàn trọng điểm, có nhiều loại hình cơ sở, công trình có nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ; do đó công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) luôn được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mang tính cấp bách, thường xuyên, lâu dài.
Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Hiệu lực quản lý nhà nước về PCCC và CNCH tiếp tục được tăng cường. Nhiều hoạt động PCCC đã tạo được điểm nhấn, thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo nhân dân như: Hội thi nghiệp vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” từ cấp huyện đến cấp tỉnh; phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy”, “Nhà tôi không chuồng cọp”, “Tặng bình chữa cháy cho hộ nghèo”... Trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 59 vụ cháy (giảm 28 vụ so với cùng kỳ năm 2023), không có người chết. Thiệt hại về tài sản khoảng 610 triệu đồng. Đa số các vụ cháy xảy ra đều được các lực lượng tại chỗ, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH dập tắt kịp thời, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nhà nước và nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, tạo môi trường an ninh, an toàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác PCCC và CNCH vẫn còn tồn tại, hạn chế. Đó là người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCCC đối với các công trình, cơ sở thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý, có nơi còn phó mặc cho lực lượng Công an. Toàn tỉnh còn 234 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” chưa được trang bị đầy đủ phương tiện PCCC theo quy định. Còn gặp nhiều khó khăn khi chưa quản lý được hoạt động chuyển đổi công năng từ nhà ở riêng lẻ sang các công năng khác của các hộ gia đình. Tiến độ thực hiện Nghị quyết số 32/2021/NQ-HDND ngày 27/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực còn chậm, còn 62/84 cơ sở chưa hoàn thành việc khắc phục các yêu cầu về PCCC. Công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH chưa chặt chẽ, một số cơ sở đang bị cơ quan chức năng đình chỉ, tạm đình chỉ hoạt động do vi phạm quy định về PCCC có dấu hiệu hoạt động lén lút...
Trong công tác PCCC phải lấy phòng ngừa là chính, phòng là “xây”, chữa là “chống”, lấy phòng là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”. Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phố biển, giáo dục kiến thức, quy định của pháp luật về PCCC; trong đó, chú trọng hướng dẫn các kiến thức, biện pháp, kỳ năng chữa cháy, thoát nạn, cứu người khi có cháy, nổ, tai nạn xảy ra; đẩy mạnh tổ chức các chương trình tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành kỹ năng PCCC, thoát nạn tại các cơ sở, khu dân cư, trường học...
Về công tác PCCC chợ, chung cư, nhà trọ, các ngành chức năng cần rà soát, củng cố toàn bộ hệ thống điện nói chung, hệ thống dây dẫn, thiết bị điện tại các chợ nói riêng, đảm bảo an toàn, phù hợp với thực tế sử dụng của các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và người dân. Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC, thoát nạn cho Ban quản trị, Ban quản lý các chung cư, chủ nhà, người dân sinh sống, làm việc tại các chung cư, nhà trọ, nâng cao ý thức chấp hành, hiểu biết của người dân đối với công tác này. Đồng thời tổ chức rà soát, ưu tiên triển khai trước các nội dung để khắc phục điều kiện an toàn PCCC, trọng tâm là lối thoát hiếm khi không may xảy ra cháy.
Các địa phương và các sở, ngành có liên quan tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng PCCC trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là bố trí thêm các họng nước chữa cháy. Nâng cao năng lực cho lực lượng PCCC và CNCH chuyên nghiệp; đẩy mạnh phòng trào toàn dân tham gia PCCC và CNCH. Các lực lượng chức năng tổ chức thực hiện nghiêm công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm 24/24h; tổ chức tiếp nhận, xử lý nhanh chóng, kịp thời, chính xác thông tin báo cháy, sự cố, tai nạn; điều động lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhanh chóng, hiệu quả…
Hoàng Nhi
Liên kết website
Ý kiến ()