Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 26/12/2024 10:22 (GMT +7)
Phòng, chống bạo lực gia đình - Cần sự chung tay của toàn xã hội
Thứ 2, 17/09/2018 | 15:28:42 [GMT +7] A A
Bạo lực gia đình (BLGĐ) là vấn nạn của xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em. Chính vì vậy, thời gian qua, công tác phòng, chống BLGĐ luôn được các sở, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể ở Quảng Ninh đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều giải pháp phù hợp, thiết thực và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
NỖI ĐAU SAU NHỮNG CÁNH CỬA GIA ĐÌNH
Những ngày qua, câu chuyện về người chồng giết vợ do ghen tuông ở xã Hồng Phong, TX Đông Triều, khiến dư luận dậy sóng. Câu chuyện bắt nguồn từ mâu thuẫn nhiều năm giữa hai vợ chồng bà Nguyễn Thị Tuyến và ông Đỗ Văn Quyền. Ông bà lấy nhau từ năm 1993 và đã có hai mặt con nhưng do ghen tuông, ông Quyền thường xuyên đánh, chửi vợ. Chiều 2/6/2018, trong khi bà Tuyến đang ngủ, ông Quyền đã dùng thanh sắt và chai thủy tinh đánh vợ dẫn đến tử vong. Sau đó, ông định tự tử bằng thuốc trừ sâu nhưng được phát hiện kịp thời nên không bị ảnh hưởng đến sức khỏe.
Còn trường hợp gia đình ông Trần Văn Thịnh và bà Phạm Thị Út (phường Cao Xanh, TP Hạ Long) sinh sống với nhau từ năm 2000 nhưng không đăng ký kết hôn và có với nhau 8 người con. Trong quá trình chung sống, từ năm 2010, ông Thịnh nhiều lần có hành vi đánh đập mẹ con bà Út. Đến ngày 19/6/2018, bà Út cùng các con đã đến công an trình báo, tố cáo ông Thịnh có hành vi đánh đập vợ con trong suốt thời gian dài, cùng hành vi xâm hại tình dục hai con gái.
Biểu đồ biểu thị số vụ BLGĐ diễn ra trên địa bàn tỉnh trong vòng 10 năm qua. |
Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm vụ án liên quan đến BLGĐ xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Theo số liệu thống kê trong vòng 10 năm (2008-2018), toàn tỉnh đã xảy ra 2.806 vụ BLGĐ. Có rất nhiều nguyên nhân và hình thức BLGĐ, nhưng thực tế cho thấy chủ yếu là người chồng, người cha thường xuyên cờ bạc, rượu chè, mắc các tệ nạn xã hội. Tình trạng nghiện ma tuý, thiếu việc làm, kinh tế khó khăn... cũng là những tác nhân đẩy các gia đình đến bờ vực hôn nhân tan vỡ. Tuy nhiên, phần lớn các chị em khi bị bạo lực còn e ngại, không báo kịp thời cho chính quyền; một số bị BLGĐ chấp nhận sống cảnh cam chịu, giấu giếm vì xấu hổ, lo giữ thể diện cho người thân. Trong khi đó, hình thức phạt đối với các đối tượng gây BLGĐ còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe... Chính vì vậy, tình trạng BLGĐ còn đang tiếp diễn, tội phạm BLGĐ có xu hướng phát triển làm phá vỡ nền tảng giáo dục đạo đức trong gia đình, làm băng hoại các chuẩn mực xã hội.
HUY ĐỘNG SỨC MẠNH TỔNG HỢP
Với quan điểm, đầu tư cho gia đình là đầu tư cho sự phát triển bền vững, Quảng Ninh đã dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng, chống BLGĐ; huy động sự chung tay, góp sức của toàn xã hội cho công tác gia đình nói chung và phòng, chống BLGĐ nói riêng. Hằng năm, tỉnh đều chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam phù hợp với tình hình địa phương; bổ sung các tiêu chí xây dựng gia đình chuẩn mực “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” vào hương ước, quy ước thôn, bản, khu phố và quy chế dân chủ cơ quan, đơn vị để triển khai thực hiện. Theo đó, 10 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức 19.860 buổi tuyên truyền cho 1.142.400 lượt người với các nội dung về công tác gia đình, xây dựng văn hóa gia đình, Luật Phòng, chống BLGĐ, kỹ năng ứng xử, kỹ năng xử lý tình huống khi có BLGĐ; tuyên truyền trực quan với 9.862 lượt băng rôn, khẩu hiệu, hơn 800 pano; phát hơn 1.573 tin, bài về công tác phòng, chống BLGĐ trên hệ thống loa truyền thanh và đài truyền thanh, truyền hình cơ sở; tổ chức 184 hội nghị chuyên đề về phòng, chống BLGĐ, kế hoạch hóa gia đình cho 20.080 lượt người tham dự...
CLB "Gia đình hạnh phúc" phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả và Tổ hòa giải khu 5A, phường Cẩm Trung, thảo luận giải pháp hòa giải các gia đình xảy ra mâu thuẫn, xích mích trên địa bàn. |
Theo thống kê của các huyện, thị xã, thành phố, đến nay trên địa bàn tỉnh có 793 câu lạc bộ, 672 nhóm phòng, chống BLGĐ; 1.893 cộng tác viên tại thôn, bản, khu phố; 1.572 tổ hòa giải (100% khu dân cư có tổ hòa giải) với tổng số 9.117 hòa giải viên. Từ 2008 đến nay, các câu lạc bộ và tổ hòa giải đã tư vấn, hòa giải cho 2.806 nạn nhân bị BLGĐ; 1.284 nạn nhân được đưa ra góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư; 64 đối tượng áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc; 312 đối tượng áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường; 37 đối tượng xử phạt hành chính; 37 đối tượng cảnh cáo; 23 đối tượng phạt tiền. Việc sử dụng các hòa giải viên nam đã làm thay đổi nhận thức, hành vi của nam giới trong công tác bình đẳng giới, đẩy lùi tư tưởng trọng nam khinh nữ. Những vụ việc hòa giải thành công cũng phần nào giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ cơ sở, kịp thời giải quyết mâu thuẫn, xích mích trong gia đình, góp phần phòng, chống BLGĐ.
Hiện toàn tỉnh có 1.349 cơ sở khám, chữa bệnh có nơi bố trí tạm lánh cho nạn nhân BLGĐ; 266 cơ sở bảo trợ xã hội; 331 cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ. Từ năm 2008 đến nay, đã có 244 nạn nhân BLGĐ được khám và chăm sóc tại cơ sở khám, chữa bệnh; 78 nạn nhân được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế.
Có thể khẳng định rằng, công tác phòng, chống BLGĐ trên địa bàn thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực; số vụ BLGĐ giảm dần qua các năm, cụ thể: Từ năm 2008 đến năm 2010 giảm 66 vụ, từ năm 2008 đến năm 2017 giảm 150 vụ. Song thực tế cho thấy việc triển khai công tác này vẫn còn gặp nhiều hạn chế, các hoạt động truyền thông quy mô lớn, chuyên sâu còn khó khăn, chưa thường xuyên mà chủ yếu lồng ghép nên hiệu quả chưa cao; phần lớn các hoạt động phòng, chống BLGĐ chỉ dừng ở mức hòa giải, phê bình góp ý hoặc cảnh cáo, phạt nhẹ; việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực gia đình cũng gặp không ít khó khăn...
Để ngăn ngừa tình trạng BLGĐ tiếp diễn, góp phần bảo vệ các “tế bào của xã hội”, thiết nghĩ, công tác phòng, chống BLGĐ cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của toàn xã hội, trong đó phòng ngừa BLGĐ ngay từ cộng đồng là biện pháp gỡ nút thắt ngay từ gốc vấn đề.
Ngô Dịu
Liên kết website
Ý kiến ()