Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 19:59 (GMT +7)
Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm toàn xã hội
Thứ 4, 20/09/2023 | 13:17:57 [GMT +7] A A
Với sự vào cuộc, chung tay góp sức của toàn xã hội, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng, cụ thể hóa thành những chiến dịch truyền thông, những mô hình hòa giải, an ninh cơ sở... Qua đó đã góp phần hạn chế hành vi vi phạm pháp luật, tạo nền tảng cho xã hội ngày càng phát triển văn minh, tiến bộ.
Tháng 7/2021, mô hình An ninh cơ sở tại phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả) được thành lập, nhằm huy động sức mạnh đoàn kết của nhân dân toàn phường cùng tham gia công tác giữ gìn ANTT tại nơi cư trú. Thực hiện mô hình này, lực lượng Công an đã phối hợp chặt chẽ hơn với các đoàn thể chính trị - xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nắm bắt sâu sát hơn địa bàn từng khu dân cư để phát hiện từ sớm những tiềm ẩn phức tạp về ANTT. Trong đó phải kể đến việc hơn 100 tổ hòa giải đã được thành lập tại các tổ dân, khu phố, với gần 310 thành viên.
Nhờ có đội ngũ này, không ít những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ tại cộng đồng đã được quan tâm tháo gỡ, hóa giải nhanh chóng. Đặc biệt, số vụ bạo lực gia đình giảm hẳn so với thời điểm trước khi mô hình An ninh cơ sở đi vào triển khai. Khi có dấu hiệu hành vi bạo lực xảy ra, mọi người đều có trách nhiệm ngăn chặn và có một địa chỉ tin cậy để thông báo và được hỗ trợ kịp thời.
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, hiện nay toàn tỉnh duy trì 113 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình theo tiêu chuẩn của Bộ VH-TT&DL; 176 cơ sở hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình; 478 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 250 đường dây nóng hỗ trợ, tư vấn, xử lý các vụ bạo lực gia đình; 100% trạm y tế tuyến xã có bố trí nơi tạm lánh, tư vấn, điều trị cho nạn nhân bạo lực gia đình... thông qua các hình thức truyền thông, mô hình An ninh cơ sở đa dạng đã giúp góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân theo hướng tích cực, ngay cả tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS.
Trong nhiệm vụ chung của cả xã hội về đẩy mạnh phòng, chống bạo lực gia đình, còn phải nói đến vai trò của Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh với nhiều hoạt động, chiến dịch, phong trào, mô hình được triển khai rất đa dạng. Trong đó, Hội đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động "xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", "Không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội" là một trong những tiêu chí quan trọng trong góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.
Các cấp hội duy trì hiệu quả những mô hình CLB nâng cao hiểu biết pháp luật cho chị em hội viên; đồng thời cổ vũ mạnh mẽ các phong trào văn hóa thể thao, phát triển kinh tế... để nâng cao sự tự tin, tỏa sáng của từng cán bộ, hội viên trên mọi mặt đời sống. Để qua đó, ngày càng đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống.
Đây là điểm tựa vững vàng để những nạn nhân bị bạo lực đã dũng cảm lên tiếng tố cáo hành vi bạo lực. Nhận thức của toàn xã hội về hệ lụy của bạo lực gia đình được nâng cao rõ rệt, tạo chuyển biến tích cực trong ý thức chấp hành pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình. Nhiều thủ phạm gây bạo lực đã được các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm, thể hiện tính răn đe của pháp luật.
Tuy đã có những chuyển biến ngày càng mạnh mẽ, nhưng công tác phòng, chống bạo lực gia đình sẽ luôn cần những nỗ lực dài hạn, có sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc. Bởi đó là hành trình để từng bước nâng cao dân trí, bài trừ hủ tục, thực hiện bình đẳng giới, thi hành luật và các chế tài nghiêm minh.
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()