Tất cả chuyên mục

“81% học sinh đã từng chứng kiến bạo lực học đường nhưng có đến 44% các em bỏ đi, chỉ có 27% báo cáo thầy cô giáo, còn lại là can ngăn”, đó là kết quả của cuộc khảo sát do phóng viên Báo Quảng Ninh thực hiện ở 150 học sinh từ độ tuổi 14-18 tại các trường THCS, THPT trên địa bàn TP Hạ Long, để làm rõ vấn đề đang được dư luận quan tâm.
![]() |
Học sinh Trường THPT Hòn Gai điền phiếu khảo sát về tệ nạn bạo lực học đường. |
Từ những câu chuyện và con số
Khó khăn lắm tôi mới có thể liên hệ được với V.T.T., học sinh lớp 8 tại một trường cấp 2 trên địa bàn TP Hạ Long. Với tâm lý e ngại và khá dè chừng, T. không muốn kể lại vụ việc bị bạn học đánh. Thuyết phục mãi, em mới đồng ý kể lại với mong muốn không có thêm những bạn học sinh gặp tình huống giống như mình. Vụ việc bắt đầu chỉ bằng những mâu thuẫn nhỏ, tranh luận với nhau giữa T. và bạn A.. Sau đó, do muốn thể hiện mình “đẳng cấp” và “có tiếng nói hơn”, A. quyết định “gọi người” để “nói chuyện rành mạch” với T.. Hôm ấy, trên đường đi học về, một nhóm người chặn đường T., bắt phải xin lỗi. Nhưng do không phải lỗi của mình nên T. vẫn đi tiếp. Sau đó, em bị nhóm bạn của A. kéo áo lôi lại, bắt nói chuyện. Vì muốn nhanh chóng kết thúc vụ việc nên T. quyết định nhận lỗi và xin phép đi về. Tuy nhiên, nhóm bạn của A. vẫn cố tình bới móc, thậm chí còn tát và túm tóc em. T. kể: “Lúc ấy có một số bạn đi qua nhưng không ai ngăn cản, chỉ đến khi thấy bóng dáng thầy cô, nhóm bạn mới nhanh chóng bỏ đi. Em cảm thấy khá bất lực và tủi thân. Khi các bạn biết chuyện còn nói nhỏ to với nhau rất khó chịu, thậm chí có người còn xa lánh em. Em biết, chỉ một thời gian sau mọi người sẽ quên đi, nhưng em vẫn thấy rất tự ti khi giao tiếp và nói chuyện với mọi người”. Khi được hỏi tại sao không báo thầy cô và gia đình, T. thở dài: “Chỉ sợ ăn đòn tiếp thôi chị ạ. Thà cứ bỏ qua thì còn bình thường, để thầy cô và bố mẹ biết thì lại bị đánh giá, phức tạp lắm”.
Câu chuyện của T. chỉ là một trong hàng trăm câu chuyện về bạo lực học đường. Gần đây nhất, vụ việc chỉ vì xích mích chuyện tình cảm, 4 học sinh nữ lớp 10 hành hung học sinh lớp 8 tại huyện Hải Hà khiến học sinh này bị chấn thương phần mềm, có dấu hiệu ù tai... đã khiến dư luận xôn xao. Ngay sau đó, học sinh “cầm đầu” gây ra bạo lực đã bị đình chỉ học 7 ngày, các em còn lại phải học phòng riêng trong 1 tuần, nếu không có sai phạm sẽ được xoá án kỷ luật nhưng tiếp tục bị giám sát trong vòng 1 năm.
Để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng của bạo lực học đường, phóng viên Báo Quảng Ninh đã thực hiện khảo sát hơn 150 học sinh từ độ tuổi 14-18 tại các trường THCS, THPT trên địa bàn TP Hạ Long để làm rõ vấn đề đang được dư luận quan tâm. Theo khảo sát, có 81% học sinh đã từng chứng kiến bạo lực học đường; trong đó, 44% các em bỏ đi, chỉ có 27% báo cáo thầy cô giáo, còn lại là can ngăn. Thực tế, việc các em bỏ đi, không dám lên tiếng là vì sợ bị trả thù hoặc liên lụy. Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh nam và học sinh nữ gây ra bạo lực học đường là ngang nhau và 25% là do người ngoài thực hiện. Theo ý kiến của các em học sinh, nguyên nhân gây ra bạo lực học đường chủ yếu là do mâu thuẫn cá nhân, thích thể hiện, chỉ một số ít lựa chọn do có người cổ vũ và thiếu sự quan tâm của gia đình. Điều đáng nói, qua kết quả khảo sát, 82% các em bị bạo lực thể chất, sau đó là bạo lực tinh thần. Địa điểm diễn ra bạo lực chủ yếu ở ngoài nhà trường. Khi được hỏi, nếu bị bạo lực, các em sẽ làm gì thì có đến 83% chọn thông báo với giáo viên chủ nhiệm và gia đình, nhưng cũng có 17% chọn phương án đánh lại.
Đến giải pháp thực tế
Qua kết quả khảo sát, có thể thấy, giáo viên chủ nhiệm được tin tưởng và có vai trò rất lớn trong việc định hướng, giải quyết các vấn đề về bạo lực học đường cho học sinh. Cô Nguyễn Thị Hoà, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Ngô Quyền, cho biết: “Học sinh là đối tượng rất nhạy cảm, tâm lý thay đổi bất thường, nhất là trong giai đoạn đang phát triển. Nhiều em thích thể hiện và khẳng định sự trưởng thành của mình. Chính vì thế, những hành vi bạo lực học đường đôi khi là hệ quả của những suy nghĩ nông nổi ở độ tuổi ấy”. Theo cô Hoà, để ngăn chặn bạo lực học đường, mỗi giáo viên chủ nhiệm cần làm tốt vai trò của mình; trong đó, chủ động tìm hiểu cuộc sống của các em, lắng nghe chia sẻ, tâm sự để thấu hiểu. Đặc biệt, bản thân mỗi giáo viên cần có sự nhạy bén, kịp thời phát hiện những “mầm mống” của bạo lực để có cách giải quyết triệt để.
Bên cạnh đó, theo ý kiến của học sinh trong quá trình khảo sát, các em mong muốn có các kênh liên hệ để tố cáo hành vi bạo lực học đường, tăng cường vai trò của tổ chức đoàn, đội, nhất là sự trao đổi thông tin, chia sẻ tâm sự giữa giáo viên và học sinh.
Cùng với các biện pháp kể trên, các cơ quan quản lý cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường giáo dục an toàn, góp phần đẩy lùi bạo lực học đường. Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thị Thuý, thời gian tới, Sở sẽ tăng cường phối hợp với công an địa phương và các tổ chức xã hội tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề, buổi ngoại khoá để giáo dục pháp luật về quyền, trách nhiệm của trẻ em nhằm nâng cao tình đoàn kết cũng như nhận thức, ý thức, trách nhiệm của giáo viên, học sinh trong việc “nói không với hành vi bạo lực”. Đồng thời, phát huy vai trò của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội và hành vi bạo lực xảy ra đối với bản thân, người xung quanh; tăng cường kiến thức, kỹ năng phát hiện sớm các dấu hiệu bạo lực học đường, các biểu hiện ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trong trường, khả năng xử lý, ứng biến và chủ động phòng, chống các hành vi bạo lực học đường. Các trường cần phát huy vai trò của học sinh trong việc ngăn chặn, tố giác hành vi bạo lực xảy ra đối với bản thân, bạn bè để nhà trường và gia đình có biện pháp xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục cần tuyên truyền cho cha mẹ học sinh về phòng, chống bạo lực học đường; nêu cao trách nhiệm của cha mẹ học sinh trong việc quản lý, giáo dục học sinh; phát huy công tác phối hợp nhà trường với cha mẹ học sinh trong việc phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bạo lực học đường.
Hoàng Quỳnh
Ý kiến ()