Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 04:59 (GMT +7)
Phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản mùa nắng nóng
Thứ 4, 30/06/2021 | 09:24:52 [GMT +7] A A
Thời gian gần đây, thời tiết diễn biến bất thường, ngay sau đợt nắng nóng lại xuất hiện các trận mưa tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ trong môi trường ao, đầm nuôi, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của các đối tượng thủy sản. Để phòng, chống dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân cần tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt chú trọng các biện pháp an toàn sinh học.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT) đã phối hợp với các địa phương thu 187 mẫu thủy sản các loại để kiểm tra, giám sát các bệnh nguy hiểm thường gặp trên thủy sản nuôi. Trong đó, phát hiện một số loại bệnh phổ biến ở tôm, như: Bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô, vi bào tử trùng. Ngoài ra, ngao, tu hài, hàu cũng dễ mắc các bệnh do ký sinh trùng Perkinsus; cá song, vược, giò mắc bệnh hoại tử thần kinh…
Đáng lưu ý, trong 5 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh trên tôm nuôi (bệnh hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đốm trắng) cũng đã xuất hiện trên diện rộng tại hai địa phương là TX Quảng Yên và TP Móng Cái với diện tích trên 24,6ha. Ngoài ra, trong quá trình xét nghiệm bệnh động, thực vật ở các vùng nuôi trọng điểm của tỉnh như: TX Đông Triều, Quảng Yên, TP Uông Bí, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã phát hiện 8/135 mẫu tôm dương tính với vi khuẩn có gen gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính; 21/135 mẫu tôm dương tính với bệnh vi bào tử trùng; 15/135 mẫu tôm dương tính với bệnh đốm trắng; 6/26 mẫu dương tính với vi rút gây bệnh hoại tử thần kinh trên cá biển; 3/39 mẫu cá rô phi dương tính với bệnh TiLV.
Trước đó, qua kiểm tra cho thấy, một số ổ dịch bệnh trên thủy sản đã xuất hiện tại Quảng Ninh, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của người dân. Tiêu biểu như dịch bệnh trên cá biển xuất hiện vào cuối tháng 1/2021, sau thời điểm rét đậm, rét hại ở một số khu vực nuôi cá lồng bè tại Quảng Yên. Cá có hiện tượng chết đồng loạt, trong đó có khoảng 13 tấn cá song và 2 tấn cá chim nước ngọt.
Theo kết quả xét nghiệm của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, phát hiện mẫu cá dương tính với bệnh hoại tử thần kinh do vi rút. Nguyên nhân là do tác động bất lợi của yếu tố môi trường, nhiệt độ giảm sâu làm giảm khả năng đề kháng của cá, tác nhân gây bệnh dễ dàng xâm nhập và gây chết cá.
Đặc biệt, cũng trong tháng 1/2021, cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Đài Loan thông báo, từ tháng 8/2020 đến tháng 1/2021 đã phát hiện Norovirus (loại virus rất dễ lây nhiễm tiêu chảy và nôn mửa) trong 10 lô hàng hàu thịt xuất xứ từ vùng thu hoạch Vân Đồn. Theo Trung tâm Chất lượng nông lâm và thủy sản vùng 1 (Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN&PTNT), nguyên nhân lây nhiễm virus có thể xuất phát từ vùng nuôi, vùng thu hoạch và các cơ sở chế biến hàu.
Ngay khi phát hiện ổ dịch bệnh trên thủy sản, ngành Nông nghiệp đã áp dụng các biện pháp phòng bệnh, chống dịch, xử lý ổ dịch; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và xử lý ao hồ, lồng, bè nuôi thủy sản, môi trường nước, thức ăn, phương tiện, dụng cụ sử dụng trong quá trình nuôi.
Bên cạnh đó, hướng dẫn hộ nuôi các biện pháp hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Tổng kinh phí phòng chống dịch bệnh trên thủy sản là 610 triệu đồng. Trong đó, chi phí hóa chất, vật tư là 580 triệu đồng, chi phí lấy mẫu là 30 triệu đồng.
Mặc dù đến thời điểm này, dịch bệnh trên thủy sản cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên, thời tiết nắng nóng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là khi Quảng Ninh có diện tích nuôi trồng thủy sản tập trung với số lượng lớn, đạt khoảng 21.300ha.
Theo Bộ NN&PTNT dự báo, đợt nắng nóng cao điểm khu vực miền Bắc còn tiếp diễn đến tháng 8, tần suất 3-4 đợt/tháng kéo dài trong 4-6 ngày với nền nhiệt phổ biến từ 37-40 độ C. Hiện tượng nắng nóng sẽ có xu hướng tăng trong tháng 7, 8 với nền nhiệt cao nhất phổ biến từ 37-39 độ C.
Để chủ động trong công tác phòng, chống, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh thủy sản gây ra, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng những bệnh thủy sản thường xảy ra và các biện pháp phòng tránh. Đồng thời, thực hiện thường xuyên việc quan trắc, cảnh báo môi trường, dịch bệnh tại các vùng nuôi trọng điểm để kịp thời khuyến cáo người dân, thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi.
Địa phương cũng cần tổ chức kiểm tra, kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất và chất lượng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản…; kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi, ép giá, gian lận thương mại, thông tin sai sự thật làm mất ổn định sản xuất.
Ông Trần Xuân Đông, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú ý, cho biết: Chi cục sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn thú y, thủy sản của địa phương, phối hợp với chính quyền cơ sở chủ động bám sát địa bàn, rà soát, điều chỉnh và xây dựng lịch thời vụ thả giống phù hợp với vùng sinh thái; theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh, tổ chức thống kê, báo cáo, đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp cụ thể, kịp thời.
Đồng thời, khuyến cáo người nuôi không vứt xác thủy sản chết ra môi trường; không xả thải nước từ ao nuôi bị bệnh sang các vùng nước khác; tiến hành thống kê, rà soát diện tích các lồng, ao, đầm, … nuôi trồng thủy sản quy mô lớn, trọng điểm, mức độ thâm canh cao để triển khai thực hiện khử trùng tiêu độc theo hướng dẫn của ngành chức năng.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()