Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 05:33 (GMT +7)
Phòng, chống dịch Covid-19: Ngành Y tế thích ứng trong giai đoạn mới
Thứ 3, 07/12/2021 | 13:25:42 [GMT +7] A A
Hơn 1 tháng qua, Quảng Ninh ghi nhận hàng trăm ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cùng sự nỗ lực từ các ngành, các cấp, trong đó có ngành Y tế, các địa phương đã nhanh chóng, khẩn trương, kịp thời bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; thần tốc truy vết và chủ động xét nghiệm tầm soát các đối tượng có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm Covid-19 trong cộng đồng. Nhờ đó, toàn tỉnh đã từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Linh hoạt, sát thực tiễn
Tính từ ngày 11/10 (bắt đầu thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19) đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh có nhiều diễn biến phức tạp. Đến ngày 5/12, toàn tỉnh đã ghi nhận 854 ca F0; trong đó có 592 ca khỏi bệnh, 3 ca chuyển Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, đang điều trị 258 ca, 1 ca tử vong.
Đặc biệt, từ ngày 2/11 có ca bệnh đầu tiên ghi nhận trong cộng đồng tại thôn Lâm Xã 1, Hồng Thái Tây (TX Đông Triều), đến nay sau hơn 1 tháng, Quảng Ninh đã phát hiện 713 ca F0 trong cộng đồng, với 9 ổ dịch tại các địa phương Đông Triều, Uông Bí, Hải Hà, Móng Cái, Quảng Yên, Tiên Yên, Ba Chẽ, Hạ Long, Cẩm Phả. Riêng ổ dịch tại KCN Cảng biển Hải Hà, từ ngày 13/11 đến 5/12 phát hiện nhiều F0 nhất và liên quan tới nhiều địa phương trong tỉnh nhất, với 181 F0 ở huyện Hải Hà, 90 F0 ở huyện Đầm Hà, 22 F0 ở huyện Tiên Yên, 3 F0 ở TP Móng Cái, 1 F0 ở huyện Bình Liêu.
Để đảm bảo triển khai hiệu quả Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế, ngành Y tế Quảng Ninh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 cấp tỉnh, UBND tỉnh, triển khai kịp thời các kế hoạch, phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương trong toàn tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ chuyên môn về y tế cho BCĐ phòng, chống dịch các địa phương có ca F0 xuất hiện trong cộng đồng, nhanh chóng khoanh vùng nhỏ nhất nơi nguy cơ để xác định ổ dịch, truy vết kịp thời, xét nghiệm diện rộng, khẩn trương bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, cách ly F1, theo dõi F2.
Việc triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, của tỉnh, nhằm mục tiêu vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân, vừa tạo điều kiện phục hồi sản xuất, phát triển KT-XH và đời sống sinh hoạt của người dân.
Đáng chú ý, khi chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, ngành Y tế Quảng Ninh đã mạnh dạn áp dụng các giải pháp chuyên môn phòng, chống dịch chưa có trong tiền lệ, như cách ly F1, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà; xét nghiệm thần tốc, phân tầng điều trị, thiết lập trạm y tế lưu động; đưa 4 loại thuốc vào điều trị F0.
Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện, từ đầu tháng 11 đến nay, nhận thấy tình hình dịch bệnh có xu hướng ngày càng phức tạp, dự báo số ca mắc sẽ tăng, trong khi tỷ lệ bao phủ vắc-xin của tỉnh đạt trên 90%, nên ngành Y tế đã tham mưu cho tỉnh áp dụng điều trị bệnh nhân F0 theo mô hình tháp 3 tầng, phù hợp với tình hình thực tế và điều kiện của tỉnh. Phương án triển khai điều trị, quản lý bệnh nhân theo mô hình tháp 3 tầng, gồm: Tổ chức cách ly điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, tại cơ sở thu dung quản lý, điều trị F0 do địa phương quản lý; F0 mức độ nhẹ và vừa được điều trị tại các trung tâm Y tế (TTYT) hoặc bệnh viện đa khoa tuyến huyện (tầng 1 và tầng 2); F0 mức độ nặng điều trị tại tuyến tỉnh (tầng 3). Các đơn vị khám chữa bệnh vừa điều trị bệnh nhân thông thường (luồng xanh), vừa điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 (luồng đỏ).
Riêng việc tổ chức cách ly điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, tại cơ sở thu dung quản lý, điều trị F0 do địa phương quản lý là cách làm rất mới. Sở Y tế đã tổ chức đào tạo 200 giảng viên tuyến huyện về quản lý, chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19 tại nhà. Đồng thời chỉ đạo các bệnh viện, TTYT tuyến huyện chủ động đào tạo bổ sung thêm cán bộ lấy mẫu và nâng cao năng lực chuyên môn điều trị bệnh nhân F0 tại nhà; ban hành sổ tay hướng dẫn, điều trị F0 tại nhà hoặc nơi cư trú.
Ngành phối hợp với các địa phương, tổ chức đào tạo, huấn luyện kiến thức, kỹ năng quản lý, chăm sóc, điều trị người mắc Covid-19 tại nhà, nơi lưu trú cho trên 1.500 nhân viên trạm y tế, trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng.
Sở Y tế đã hướng dẫn 12/13 địa phương thành lập 123 trạm Y tế lưu động (Cô Tô do dân số ít, đặc thù biển đảo nên chưa thành lập). Đồng thời, toàn tỉnh đã thành lập 1.401 tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng; hơn 2.250 tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng. Thực hiện rà soát, điều chỉnh, tăng cường để 100% trạm Y tế trong toàn tỉnh có bác sĩ công tác, nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường chuyên môn y tế cho các tuyến y tế cơ sở, chủ động điều trị F0 tại nhà và hỗ trợ chuyên môn cho tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng.
TP Uông Bí là địa phương đầu tiên thí điểm điều trị F0 không triệu chứng tại nhà và có thể nhân rộng mô hình này nhằm giảm áp lực cho các cơ sở y tế, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp như hiện nay. Trạm trưởng Trạm Y tế phường Phương Đông (TP Uông Bí) Vũ Xuân Phiến cho biết: Sau khi được UBND TP Uông Bí cho phép thực hiện thí điểm điều trị F0 tại nhà, chúng tôi đã thực hiện điều trị cho trường hợp F0 là anh Đ.M.Q, trú tại địa phương. Qua đánh giá bước đầu, ca F0 này không có triệu chứng lâm sàng, nhà riêng tách biệt, nhà vệ sinh khép kín. Bên cạnh đó, anh Q có vợ là cán bộ y tế đã tham gia công tác phòng chống dịch; hiện đang cách ly tại nhà do là F1 nên có thể hỗ trợ chăm sóc anh Q khi cần thiết. Trong suốt quá trình điều trị tại nhà, các nhân viên y tế của tổ chăm sóc F0 tại cộng động gồm y, bác sĩ của Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, TTYT Uông Bí và Trạm Y tế phường Phương Đông trực tiếp thăm khám, lấy mẫu xét nghiệm và theo dõi diễn biến sức khỏe thường xuyên của người bệnh. Chỉ sau 2 tuần, trường hợp này đã khỏi bệnh và được đi làm trở lại.
Mặc dù là địa phương vùng sâu, vùng xa, khó khăn của tỉnh, nhưng 2 huyện Hải Hà và Đầm Hà đã mạnh dạn áp dụng quản lý, điều trị F0 không triệu chứng tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn. Theo đó, TTYT Hải Hà đã quản lý 118 F0 không triệu chứng tại Khách sạn Hương Cảng (huyện Hải Hà); hiện đang có 20 F0 tiếp tục theo dõi tại đây, còn lại chuyển tuyến và đã khỏi bệnh. TTYT Đầm Hà đã quản lý 39 F0 tại Trung tâm Văn hóa các dân tộc huyện Đầm Hà; hiện tất cả đã khỏi bệnh, sức khỏe ổn định và được về nhà tiếp tục theo dõi sức khỏe.
Nâng cao năng lực xét nghiệm, truy vết, khoanh vùng dập dịch
Đợt dịch bùng phát trong cộng đồng tại tỉnh vừa qua rơi vào các khu dân cư, KCN, công ty, đơn vị tập trung đông người, khiến công tác truy vết, khoanh vùng, dập dịch gặp nhiều khó khăn. Mỗi khi xuất hiện ổ dịch trong cộng đồng, ngành Y tế đều nhanh chóng huy động toàn lực lượng để dập dịch một cách nhanh nhất. Từ đầu tháng 11/2021 đến nay, hơn 300 nhân viên y tế và sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, Bệnh viện Y dược cổ truyền và Phục hồi chức năng đã được cử tham gia truy vết, lấy mẫu xét nghiệm tại các ổ dịch xã Hồng Thái Đông và Hồng Thái Tây (TX Đông Triều); Công ty TNHH Sao Vàng Uông Bí; KCN Cảng biển Hải Hà...
Thời điểm hiện nay, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, đặt ra yêu cầu phải xét nghiệm thần tốc, xét nghiệm nhiều vòng ở các địa bàn nguy cơ cao, giúp nhanh chóng phát hiện, bóc tách các trường hợp mắc, hạn chế lây lan và giúp người mắc bệnh tiếp cận các dịch vụ y tế từ xa, từ sớm, từ cơ sở; đồng thời đánh giá được mức độ nguy cơ của từng địa bàn nhằm thu hẹp phạm vi và rút ngắn thời gian quản lý, cách ly. Để đáp ứng yêu cầu đó, ngành Y tế tỉnh đã xây dựng kế hoạch nâng cao công suất xét nghiệm, đào tạo kỹ thuật cho cán bộ y tế và đề nghị tỉnh trang bị thêm máy móc, trang thiết bị xét nghiệm cho các đơn vị y tế tuyến huyện.
Hiện nay, 15 đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR, gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Ninh; các bệnh viện: Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi, Đa khoa quốc tế Vinmec Hạ Long, Đa khoa khu vực Cẩm Phả, Đa khoa Cẩm Phả và các TTYT: Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu, Vân Đồn, Quảng Yên, Đông Triều.
Theo đó, tỉnh đã đầu tư 20 máy RT-PCR cho các đơn vị, giúp nâng công suất xét nghiệm đạt 15.000 mẫu đơn/ngày, 75.000 mẫu/ngày đối với mẫu gộp 5, 150.000 mẫu/ngày đối với mẫu gộp 10. Ngành tiếp tục tham mưu UBND tỉnh bổ sung thêm 15 máy RT- PCR tại 8 đơn vị y tế, nhằm đáp ứng phương châm “4 tại chỗ” của các địa phương, chủ động trong xét nghiệm, tầm soát và bóc tách F0, khoanh vùng nhanh, hẹp nhất. Đồng thời, tiếp tục đào tạo, tập huấn nhân lực xét nghiệm; trong tháng 11, CDC Quảng Ninh tổ chức đào tạo, tập huấn cho 867 cán bộ lấy mẫu xét nghiệm, sẵn sàng tham gia chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng.
Với việc huy động xã hội hóa, TTYT Hải Hà là đơn vị y tế tuyến huyện sớm được đầu tư máy móc, đào tạo nhân lực để triển khai kỹ thuật xét nghiệm PT-PCR. Nhờ làm chủ kỹ thuật xét nghiệm, nên khi xuất hiện ổ dịch lớn trong cộng đồng, huyện Hải Hà đã chủ động trong công tác truy vết, xét nghiệm, tiết kiệm thời gian. Trưởng khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh, TTYT Hải Hà Nguyễn Văn Đông chia sẻ: Từ khi xuất hiện nhiều ca mắc trong cộng đồng và thực hiện chiến lược tầm soát những đối tượng có nguy cơ cao trong các doanh nghiệp, người đi từ vùng dịch về, lượng mẫu về đơn vị ngày càng nhiều thêm. Do nhân lực có hạn nên có thời điểm, chúng tôi phải làm liên tục cả ngày đêm trong phòng xét nghiệm. Chúng tôi hiểu rõ, nếu chỉ chậm trễ vài phút thì việc truy vết, khoanh vùng dịch sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng là rất lớn.
Từ ngày 11/8 đến nay, toàn tỉnh đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc cho các đối tượng có nguy cơ, người dân có nhu cầu được trên 1 triệu lượt người, trong đó xét nghiệm sàng lọc bằng phương pháp RT-PCR cho trên 700.000 lượt người, test nhanh cho gần 300.000 lượt người. Nhất là hoạt động xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ tại các khu vực có nguy cơ cao, các nhóm nguy cơ được tỉnh tăng cường thực hiện. Theo đó, các địa phương, cơ quan, đơn vị đều hướng dẫn cán bộ, người lao động tự thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh.
Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên đặt vấn đề tập huấn kỹ thuật chuyên môn, tăng cường tuyên truyền ý nghĩa của việc sàng lọc phát hiện sớm F0 trong cộng đồng, để mỗi người dân cũng có thể chủ động tham gia tầm soát sàng lọc cho gia đình bằng phương pháp test nhanh. Riêng tại các KCN đã tập trung xét nghiệm sàng lọc định kỳ hơn trước; từ ngày 18/10 đến 28/11 đã có 90.873 lượt lao động trong các KCN được xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, đạt tỷ lệ 2,67 lượt/người; vượt xa so với quy định của Bộ Y tế.
Từ thực tế diễn biến dịch ở các địa phương cho thấy tiêm vắc-xin phòng Covid-19 có hiệu quả đáng kể trong việc giảm ca bệnh nặng và sự lây nhiễm. Với cách làm hiệu quả, kịp thời, Quảng Ninh đã từng bước tạo được miễn dịch cộng đồng. Qua 20 đợt tiêm vắc-xin phòng Covid-19, từ tháng 4 đến nay, Quảng Ninh đã có trên 1,1 triệu người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19, trong đó đã có 1.049.717 người được tiêm đủ 2 mũi. Đến ngày 3/12, Quảng Ninh đã có trên 80% trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn tiêm mũi 2 vắc-xin phòng Covid-19. Qua thực tiễn cũng cho thấy, sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nếu người dân tuân thủ việc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khai báo y tế, quét mã y tế QR-Code thì Quảng Ninh hoàn toàn có thể chiến thắng dịch Covid-19.
Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các ca F0 dự kiến có thể tiếp tục tăng. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng của ngành Y tế về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, nhân lực, để không bị động, bất ngờ trước mọi cấp độ của dịch bệnh theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ” và tôn chỉ “Vì sức khỏe người dân, sự an toàn của du khách; xây dựng Quảng Ninh là địa điểm an toàn, thân thiện".
Nguyễn Hoa
- Thủ tướng chủ trì hội nghị phòng, chống thiên tai khu vực miền trung và Tây Nguyên
- Số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Ấn Độ tăng mạnh
- Sát cánh nơi tuyến đầu chống dịch
- Tái khởi động xem xét cấp phép cho vắc xin COVID-19 nội
- Tổ liên gia chống dịch Covid-19
- Tăng cường rà soát công tác tiêm vaccine; quản lý, điều trị người nhiễm Covid-19
- Tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3 cần lưu ý điều gì?
- Nhanh chóng lấy lại địa bàn an toàn
- Bộ Y tế nêu 8 biện pháp hạn chế ca tử vong do Covid-19 có chiều hướng tăng
Liên kết website
Ý kiến ()