Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 21:09 (GMT +7)
Phòng chống đuối nước cho trẻ và câu chuyện về hành lang an toàn
Thứ 3, 14/06/2022 | 16:41:56 [GMT +7] A A
Ngày hè, học sinh được nghỉ học. Đây cũng là thời điểm dễ xảy ra các tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước cho trẻ, nhất là ở những vùng sông nước. Điều này đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến công tác chăm sóc, quản lý trẻ cũng như cơ sở hạ tầng đảm bảo hành lang an toàn. Ghi nhận tại TX Quảng Yên, nơi có nhiều sông ngòi, luồng lạch trong khu dân cư, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đuối nước cho trẻ em.
Mới đây, ngày 25/5/2022, trên địa bàn phường Phong Hải, TX Quảng Yên, đã xảy ra một vụ đuối nước thương tâm. Nạn nhân là một bé gái 8 tuổi, tên N.T.M.H, trú tại khu 5, phường Phong Hải. Điều đáng chú ý là vị trí gặp nạn cách nhà em H chỉ vài chục mét, nơi em sinh ra và lớn lên. Đau xót hơn nữa, H ra đi khi chỉ còn vài ngày nữa là diễn ra lễ tổng kết năm học, giấy khen mang tên em còn tươi màu mực chưa kịp nhận...
Từ lời kể anh Ngô Đình Tuấn, bố của N.T.M.H và thông tin trích xuất camera do Công an phường Phong Hải cung cấp, thời điểm H gặp nạn là vào hơn 12h trưa, sau khi em đi vứt rác và xuống sông để rửa tay.
Những ngày đó thời tiết nắng nóng, cả tuyến đường không một bóng người, trong khi đó, em H không hề biết bơi... Điều đáng chú ý là tại khu vực em H gặp nạn, đã được lắp đặt rào chắn chống đuối nước. Thế nhưng, vì lan can có lối mở nên trẻ nhỏ có thể dễ dàng đi lại, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước rất cao.
Theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Phó trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, TX Quảng Yên, đây không phải trường hợp đầu tiên và duy nhất bị đuối nước ở TX Quảng Yên những năm gần đây. Do địa hình có nhiều sông ngòi, nhất là tại khu vực các xã đảo Hà Nam, nên nguy cơ đuối nước đối với trẻ em luôn hiện hữu.
Nguyên nhân dẫn đến các vụ đuối nước thường do các em thiếu sự giám sát, quản lý của gia đình, của người lớn. Kỹ năng bơi, kỹ năng cứu đuối của học sinh còn kém. Các em không nhận biết được nguy hiểm khi đi bơi, hoặc chơi gần khu vực nguồn nước dẫn đến đuối nước. Hầu hết các vụ đuối nước đều xảy ra tại cộng đồng.
Để hạn chế thấp nhất rủi ro do tai nạn đuối nước gây ra đối với trẻ em, "Thị xã đã yêu cầu các phòng, ban, các xã, phường phối hợp với gia đình tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để các em biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là tại các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, bảo đảm an toàn cho bản thân. TX Quảng Yên cũng chỉ đạo các xã, phường rà soát lại tất cả các điểm ao hồ, sông ngòi có nguy cơ cao xảy ra đuối nước, chủ động làm văn bản đề xuất với UBND thị xã để bổ sung dựng các rào chắn tại các luồng, lạch, ao, hồ nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra đuối nước cho trẻ" - ông Nguyễn Văn Thuấn cho biết.
Là địa bàn có đến gần ½ dân số sống ven sông, trong đó hộ xa nhất cũng chỉ cách sông trong bán kính khoảng 100m, cho nên việc đảm bảo an toàn sông nước đối với trẻ em phường Phong Hải cũng là một trong những vấn đề gây nhức nhối đối với những người làm công tác quản lý ở địa phương.
Trở lại câu chuyện lắp lan can trên các tuyến đường ven sông. Hiện tại, do kinh phí hạn hẹp nên phường Phong Hải mới chỉ tiến hành lắp đặt được một số ít lượng lan can tại những khu vực trọng yếu.
Tại khu 5, nơi em H sinh sống và gặp nạn, tuyến đường ven sông dài khoảng 700m được thi công mở rộng giai đoạn 2012-2014, nhưng mãi đến cuối năm 2019 mới lắp được 535m lan can (với mục đích chống đuối nước và đảm bảo cảnh quan môi trường). Hiện, còn khoảng gần 200m chưa triển khai xây dựng lan can được do chưa có kinh phí. Trên địa bàn phường cũng còn rất nhiều khu dân cư sinh sống ven sông nhưng chưa đảm bảo an toàn do chưa có lan can chống đuối nước cho trẻ.
Lý giải về vấn đề này, ông Bùi Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường cho biết: Bởi kinh phí hạn hẹp nên mặc dù biết là luôn tiềm ẩn nguy cơ đuối nước cho trẻ, nhưng việc lắp lan can toàn tuyến đường ven sông trên địa bàn phường chưa thực hiện được. Những năm trước, phường đã tranh thủ các nguồn kinh phí lắp lan can chống đuối nước, ưu tiên các khu vực nguy hiểm song cũng chưa mấy yên tâm. Cũng vì thế mà ngay cả lan can trên cầu dẫn sang Nhà văn hóa khu 5 cũng vẫn tồn tại tình trạng các thanh nan thưa, nhiều năm vẫn chưa thể gia cố.
"Do đặc thù bà con làm nông nghiệp, nên khi xây kè, trong thiết kế đều có bến, có bậc thang xuống, để phục vụ nhu cầu dân sinh trong cộng đồng, chứ không cho riêng một hộ gia đình hay cá nhân nào cả. Sau này, khi thiết kế và thi công lan can, tại những vị trí này đều có lối mở, cánh cửa có khuy cài để thuận tiện cho người dân trong sinh hoạt hàng ngày. Các lối mở này được phường chỉ đạo khu phố giao cho các hộ dân sống gần đó quản lý và sử dụng" - ông Thắng cho biết thêm.
Phường Phong Hải hiện có số dân khoảng 9.500 người, thì có đến gần 900 trẻ trong độ tuổi dưới 16. Trong khi đó, với lượng ao hồ, sông ngòi dày đặc, đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông, ngư nghiệp. Nhiều gia đình, bố mẹ đi biển dài ngày, con gửi lại ông bà trông nên việc quản lý bảo đảm an toàn cho các em là hết sức khó khăn.
Chính bởi thế, ngay sau sự việc tai nạn đuối nước của em H, để đảm bảo an toàn cho trẻ em trên địa bàn trong dịp nghỉ hè, UBND phường Phong Hải đã giao cho khu phố, cùng với cán bộ của phường tăng cường nhắc nhở các hộ dân quản lý chặt chẽ các lối lên xuống bằng cách dùng khóa lan can để hạn chế việc các cháu nhỏ tự ý mở cửa xuống sông ngòi.
UBND phường cũng tăng cường công tác tuyên truyền để các gia đình quản lý chặt chẽ con em mình, không để các cháu nhỏ đi chơi một mình, hoặc tự ý xuống sông. Bên cạnh đó, phường cũng tiếp tục có kế hoạch, đề xuất lên thị xã để huy động các nguồn kinh phí thực hiện gia cố, lắp toàn bộ hệ thống lan can chống đuối nước tại các tuyến ven sông còn lại trên địa bàn.
Câu chuyện của em H bị tử vong vì đuối nước bởi tuyến lan can còn dang dở… không chỉ là vấn đề nhức nhối ở riêng phường Phong Hải, TX Quảng Yên. Việc thiếu lan can tại các tuyến ven sông cũng là vấn đề rất đáng báo động ở rất nhiều phường, xã trên địa bàn TX Quảng Yên, nhất là khu vực Hà Nam.
Dưới 15 tuổi, trong khi rất nhiều em nhỏ chưa biết bơi, thiếu các kỹ năng cần thiết, thì việc tạo hành lang an toàn cho trẻ chính là một trong những điều kiện tiên quyết để cho trẻ một môi trường sống an toàn.
Do đó, bên cạnh việc chỉ đạo các xã, phường ký cam kết xây dựng Ngôi nhà an toàn cho trẻ; cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các khu vực nước sâu, ao, hồ, sông ngòi; tổ chức các lớp năng khiếu hè, đặc biệt là các lớp dạy bơi, kỹ năng sống, TX Quảng Yên cũng cần có những giải pháp thiết thực trong việc huy động các nguồn kinh phí để lắp đặt các hành lang an toàn trên các tuyến đường ven sông trên địa bàn.
Đó cũng là hành động thiết thực để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em và khai mạc hè năm 2022: "Hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim, hãy bảo vệ trẻ em bằng hành động. Mỗi bộ, ngành, địa phương liên quan có trách nhiệm để bảo đảm trẻ em được sống trong môi trường an toàn, phát triển thể chất và tinh thần".
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()