Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:37 (GMT +7)
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Thứ 3, 12/07/2022 | 08:34:47 [GMT +7] A A
Với chủ trương chủ động phòng ngừa, lấy phòng ngừa là biện pháp hàng đầu, đi đôi với phát hiện, xử lý tham nhũng, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền của Quảng Ninh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, qua đó đã thu được những kết quả quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.
Trên cơ sở thực tiễn của địa phương, Quảng Ninh đã chủ động ban hành nhiều văn bản tập trung vào lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, điều tra xử lý các vụ án tham nhũng, chức vụ; kiểm tra, giám sát kê khai tài sản của cán bộ; nắm thông tin, phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên và thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; ban hành các quyết định, kế hoạch để triển khai thực hiện các chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống tham nhũng...
Đặc biệt, tháng 6/2022, Tỉnh ủy đã công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng ban. Theo đó, Ban Chỉ đạo sẽ tập trung chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi thể chế; thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, NSNN, đầu tư công, than, khoáng sản, công tác cán bộ…
Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của CBCCVC. Chú trọng kiểm soát quyền lực ở những nơi đang thực hiện mô hình hợp nhất, thí điểm, kiêm nhiệm chức danh; nơi được phân cấp, ủy quyền nhiều…
Trong lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh cũng thể hiện rõ quan điểm phát triển, ổn định phải đi đôi với đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó lấy phòng ngừa làm chủ đạo, chống sai phạm là quan trọng; phòng ngừa bằng cả hệ thống đồng bộ các giải pháp, nhất là bằng hệ thống tổ chức, thể chế, cơ chế, mối quan hệ trách nhiệm thông qua hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định. Đồng thời, gắn việc phòng chống tham nhũng, lãng phí, với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tỉnh, như xây dựng quy hoạch chiến lược, cải cách hành chính, cơ cấu lại đầu tư công, tăng cường quản lý đất đai và tài nguyên, đổi mới cơ chế lựa chọn cán bộ lãnh đạo thông qua thí điểm thi tuyển cạnh tranh...
Để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy đảng, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân về công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp. Đồng thời với đó, hoàn thiện quy chế, quy định gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành; tăng cường công khai, minh bạch, dân chủ, trách nhiệm giải trình. Tỉnh cũng tăng cường phân cấp, phân quyền, ủy quyền, giảm cơ chế “xin - cho”, duyệt cấp; tăng tính công khai, minh bạch trong phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực; đẩy mạnh cải cách hành chính; chú trọng thanh tra, kiểm toán, chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm.
Để công tác phòng ngừa tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh đi vào chiều sâu, tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát, trong đó tập trung vào những nhiệm vụ, lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực, như: Đất đai, tài nguyên, khoáng sản, quy hoạch; việc chấp hành các nghị quyết, chính sách, pháp luật, thực thi công vụ của cơ quan hành chính và đội ngũ CBCCVC. Yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, chủ động tự phát hiện vụ việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương do mình phụ trách, lấy kết quả công tác phòng chống tham nhũng làm tiêu chí, thước đo phẩm chất, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu...
Tính riêng 6 tháng năm 2022, Thanh tra tỉnh và thanh tra các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai 89 cuộc thanh tra, trong đó có 51 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 38 cuộc thanh tra đột xuất. Thanh tra các sở, ban, ngành đã triển khai 66 cuộc thanh tra, trong đó 43 cuộc theo kế hoạch, 23 cuộc đột xuất. Qua kết luận thanh tra kiến nghị thu hồi về NSNN hơn 2 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với 101 tập thể và 157 cá nhân.
Có thể khẳng định, việc thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực đã và đang góp phần giảm thiểu những hạn chế, bất cập, khắc phục sơ hở, từng bước xây dựng bộ máy chính quyền vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại Quảng Ninh.
Nguyễn Thanh
- Cử tri tin tưởng vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
- Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh họp phiên thứ nhất
- Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
- Tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
- Quảng Ninh công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh
Liên kết website
Ý kiến ()