Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 14/11/2024 12:18 (GMT +7)
Phòng, chống xâm hại trẻ em
Thứ 6, 04/11/2022 | 08:56:03 [GMT +7] A A
Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em những năm gần đây có nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều vụ xâm hại trẻ em gây bức xúc trong dư luận và xã hội, ảnh hưởng đến ANTT, tâm sinh lý, cuộc sống của trẻ. Vì thế, nâng cao nhận thức về phòng, chống xâm hại trẻ em đang được các cấp, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh đặc biệt quan tâm.
Quảng Ninh hiện có hơn 326.500 trẻ em dưới 16 tuổi; trong đó có 3.214 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, 12.885 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Để phòng, chống xâm hại trẻ em, tỉnh, các ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, thường xuyên nắm bắt, xử lý kịp thời thông tin về xâm hại trẻ em; từ đó can thiệp và ngăn chặn kịp thời hành vi xâm hại trẻ em.
Từ năm 2012 đến nay, các ngành, địa phương đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 186.500 lượt cán bộ, cộng tác viên làm công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, người nuôi dưỡng trẻ về các vấn đề liên quan đến trẻ em, trong đó có phòng, chống xâm hại tình dục.
Các hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức: Hội thảo, hội nghị, diễn đàn, hội thi, sinh hoạt chuyên đề, ngoại khóa, tọa đàm... Trong đó, Sở LĐ-TB&XH tổ chức nói chuyện chuyên đề về kỹ năng phòng, chống xâm hại, buôn bán, bạo lực và các dịch vụ hỗ trợ trẻ em; in sao 750 đĩa có nội dung về dịch vụ bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em cấp cho các huyện, thị xã, thành phố; cấp phát 25.000 cuốn sách về phòng, chống xâm hại tình dục. Sở Y tế tổ chức các hội nghị, tập huấn và nói chuyện chuyên đề phòng chống xâm hại, bạo lực đối với trẻ em. Sở VH-TT phổ biến các kỹ năng ứng xử, xử lý tình huống khi bị bạo lực và xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em...
Trong các trường học, việc giáo dục, tư vấn kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân được chú trọng. Tại Trường Tiểu học Phong Cốc (TX Quảng Yên), các tiết học ngoại khóa, sinh hoạt CLB, các buổi chào cờ vào đầu tuần, các tiết sinh hoạt lớp, các hoạt động tuyên truyền thường xuyên được lồng ghép các nội dung liên quan đến phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em.
Nguyễn Khánh Phương (học sinh lớp 7A, Trường Tiểu học Phong Cốc) chia sẻ: “Qua các buổi tuyên truyền, ngoại khóa về phòng chống, xâm hại trẻ em, chúng em đã nâng cao nhận thức, sự hiểu biết, biết cách tự bảo vệ bản thân trong các tình huống đặc biệt. Chúng em trở thành tuyên truyền viên tích cực cho hoạt động này, để cùng lên tiếng hành động, ngăn chặn tình trạng bạo lực, xâm hại”.
Cô giáo Nguyễn Hoàng Kim Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phong Cốc, cho biết: Nhà trường luôn xác định phải quyết liệt hành động, quan tâm và bảo vệ chăm sóc các em. Các hoạt động tư vấn, tuyên truyền các kỹ năng về phòng, chống xâm hại, tự bảo vệ bản thân được triển khai đến từng giáo viên, học sinh, phụ huynh. Trường lập hộp thư "Điều em muốn nói" để học sinh có thể chia sẻ câu chuyện của mình, nhà trường nắm bắt được tình hình của từng học sinh để đưa ra các biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời.
Giai đoạn 2012-2021, tỉnh bố trí trên 1.655 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, hơn 38,6 tỷ đồng từ ngân sách cấp huyện để thực hiện chương trình hành động vì trẻ em. HĐND tỉnh ban hành 2 nghị quyết, trong đó có chính sách hỗ trợ đối với trẻ em bị bạo lực có tỷ lệ thương tật từ 21% trở lên hoặc bị tử vong; trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em bị xâm hại tình dục.
Để chủ động phòng, chống xâm hại trẻ em, cần sự chung tay hơn nữa của các cấp, các ngành, sự đồng hành của phụ huynh và toàn xã hội nhằm giảm thiểu tối đa tình trạng xâm hại trẻ em. Từ năm 2018, Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong nước thực hiện thí điểm mô hình "Hội đồng trẻ em". Đây là cách làm mới hiệu quả trong công tác thúc đẩy quyền của trẻ em, tạo sự bình đẳng và môi trường tích cực để các em trao đổi ý kiến, bày tỏ nguyện vọng, tâm tư và những kiến nghị của bản thân
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()