Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:32 (GMT +7)
Phòng dịch Covid-19: Chiến lược lâu dài
Thứ 7, 23/07/2022 | 08:10:57 [GMT +7] A A
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại một số quốc gia với sự xuất hiện biến thể BA.4 và BA.5 của chủng Omicron, nhất là tại khu vực châu Âu. Vì vậy, công tác phòng chống dịch cần tiếp tục triển khai nghiêm túc.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), những ngày vừa qua, Việt Nam ghi nhận trung bình khoảng 900 ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày, riêng ngày 20/7 ghi nhận 1.185 ca. Đặc biệt, qua kết quả giải trình tự gen cho thấy, trong hơn 360 mẫu được giám sát từ đầu năm nay, phát hiện chủ yếu là chủng Omicron. Từ tháng 6, phát hiện thêm biến thể phụ của Omicron là BA.5 tại Hà Nội và sau đó là tại Cao Bằng, Thái Bình, Nghệ An và Hải Dương.
Tại tỉnh Quảng Ninh, từ đầu đại dịch đến ngày 20/7 đã ghi nhận 353.111 ca mắc Covid-19 (nhập cảnh 228 ca, nội địa 352.883 ca). Riêng ngày 20/7, Bộ Y tế ghi nhận Quảng Ninh có 22 ca mắc Covid-19 tại 5/13 địa phương (Hạ Long, Móng Cái, Tiên Yên, Cẩm Phả, Hải Hà).
Có thể thấy, thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19, mọi hoạt động đã trở lại trong trạng thái bình thường mới, KT-XH dần phục hồi. Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ vắc-xin diện rộng đã tác dụng to lớn trong công tác phòng bệnh cho nhân dân.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, đa số người dân đã tiêm đủ mũi vắc-xin cơ bản nên hầu hết khi mắc Covid-19 mọi người có biểu hiện, triệu chứng nhẹ, từ đó đã và đang xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó, hiện nhiều phụ huynh có tâm lý lo lắng, nên còn ngần ngại khi cho trẻ đi tiêm... Trong khi hiện nay, dịch sốt xuất huyết và cúm A có chiều hướng gia tăng, nếu mắc Covid-19, nguy cơ dịch chồng dịch là rất lớn, gây khó khăn cho công tác điều trị, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng người dân.
Ngược dòng thời gian, nhìn lại thời điểm dịch Covid-19 mới bùng phát tại Việt Nam, đã và đang nhắc chúng ta về bài học xương máu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường và về những khó khăn khi ấy trong tiếp cận với nguồn vắc-xin do khan hiếm... nên đã gây nhiều mất mát, ảnh hưởng lớn đến đời sống KT-XH. Từ bài học xương máu đó, Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng đã nhanh chóng bao phủ vắc-xin và triển khai hàng loạt biện pháp phòng, chống dịch, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhân dân; nỗ lực để nền kinh tế nhanh chóng được phục hồi.
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi công tác phòng dịch cần phải duy trì thường xuyên, liên tục, trong đó cần đẩy mạnh chiến lược lâu dài, đó là tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhằm tạo hệ miễn dịch liên tục để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân.
Theo đó, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tiêm chủng kịp thời, đầy đủ và khuyến cáo người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch. Trong đó, quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 (mũi 3) cho người từ 12 tuổi trở lên; ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức tiêm 3.787.151 mũi vắc-xin phòng Covid-19 (người trên 18 tuổi là 3.308.253 mũi; trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi là 292.379 mũi; trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi là 186.519 mũi). Các trường hợp tham gia tiêm chủng đều đảm bảo an toàn.
Cùng với chiến lược tiêm vắc-xin, tỉnh tiếp tục quan tâm phương án nhằm đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tăng cường các biện pháp hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội... Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch; giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự an toàn xã hội... để tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi, phát triển kinh tế.
Đặc biệt, ngành y tế theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới, nhất là sự xuất hiện các biến chủng mới của Covid-19; chủ động giải pháp ứng phó với những dịch mới phát sinh, ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu, không để xâm nhập vào địa bàn; đẩy nhanh triển khai chương trình phục hồi và phát triển KT-XH giai đoạn 2022-2023, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân không chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống dịch.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()