Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 11:28 (GMT +7)
Phòng ngừa, đấu tranh tội phạm lừa đảo trên không gian mạng
Thứ 2, 09/09/2024 | 13:55:32 [GMT +7] A A
Trong kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh khóa XIV vừa qua, nổi lên là nhóm câu hỏi liên quan đến tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đã được các đại biểu quan tâm, chất vấn. Thực tế, đây là vấn đề nóng, nhức nhối suốt thời gian qua.
Theo thống kê của Công an tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng về số vụ và số tiền bị thiệt hại. Công an tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận, xử lý 56 vụ việc, tăng 20 vụ việc, tăng 47,9 tỷ đồng số tiền thiệt hại so với cùng kỳ năm 2023.
Vừa qua, bà Phạm Thị T (47 tuổi, phường Cộng Hòa, TX Quảng Yên) bị lừa đảo số tiền hơn 14,7 tỷ đồng qua hình thức "nạp tiền" chung vào tài khoản của một người quen biết trên mạng xã hội Facebook. Được biết, thông qua mạng xã hội Facebook, bà T có quen biết người đàn ông tự giới thiệu là Lê Hữu Nam (44 tuổi, trú tại Quận 4, TP HCM). Nam cho biết bản thân là kỹ sư phần mềm, đang được mời sang Singapore sửa chữa hệ thống, phần mềm casino và đã phát hiện ra lỗ hổng của trang web chuyên về các trò chơi có thưởng, có thể lợi dụng lỗ hổng này để kiếm tiền. Nam hướng dẫn bà T tham gia các trò chơi trên trang web và kết quả luôn thắng tại những thời điểm mà người này chỉ dẫn.
Khi thấy bà T ham vào trò chơi, Nam nói lỗ hổng này chỉ vài hôm nữa là sẽ hết nên động viên bà T dốc tiền nạp vào. Bà T cho biết bản thân đã nạp vào tài khoản trò chơi của Nam hơn 14,7 tỷ đồng. Một thời gian sau, bà T thấy tài khoản Facebook Lê Hữu Nam đã bị xóa và cũng không liên lạc được với người này.
Tương tự, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng tiếp nhận các thông tin về việc người dân bị lừa đảo tham gia phân phối đơn hàng theo hình thức Dropshipping trên trang thương mại điện tử ebay có địa chỉ là https://vn-ebayz.com. Đã có nạn nhân trú tại phường Yết Kiêu (TP Hạ Long) mất hơn 800 triệu đồng do bị lừa từ hình thức này.
Thực tế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng lừa đảo trên mạng ngày càng gia tăng trên là do công tác tuyên truyền, phòng ngừa xã hội đã được quan tâm thực hiện nhưng chưa lan tỏa sâu rộng đến toàn thể nhân dân. Bị hại đa phần đều chủ quan, thiếu ý thức cảnh giác, chưa có kiến thức về tự bảo vệ thông tin cá nhân, chưa cập nhật phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng. Công an tỉnh xác định phần lớn các đối tượng thuộc các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động ở nước ngoài nên công tác đấu tranh của lực lượng Công an gặp rất nhiều khó khăn. 6 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh chỉ làm rõ 3/56 vụ (5,4%), bắt giữ 3 đối tượng.
Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực viễn thông, ngân hàng còn nhiều sơ hở, nổi lên là: Vấn đề sim “rác” chưa được giải quyết dứt điểm. Các phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng lừa đảo sử dụng như: Tuyển cộng tác viên làm nhiệm vụ hưởng hoa hồng; làm quen, kết bạn rồi mời gọi tham gia đầu tư tài chính, tiền ảo; giả danh cán bộ công an, kiểm sát, tòa án gọi điện đe dọa rồi dẫn dụ nạn nhân cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng và chiếm quyền điều khiển, chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân…
Tình trạng mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Các đối tượng phạm tội còn sử dụng công nghệ giả mạo hình ảnh, giọng nói người dùng, tạo tài khoản ngân hàng trùng tên nhằm tạo lòng tin cho bị hại; điều tra thông tin, đặc điểm tâm lý bị hại để xây dựng ra các kịch bản, thao túng lâm lý, làm bị hại tin tưởng nhằm chiếm đoạt tài sản…
Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hiệu quả tội phạm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Công an tỉnh tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp, như: Đẩy mạnh triển khai công tác tuyên truyền phòng chống tội phạm hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng; nắm tình hình địa bàn, đối tượng, thường xuyên rà soát, kiểm tra lưu trú, tạm trú, kịp thời phát hiện các đối tượng có biểu hiện nghi vấn để tổ chức đấu tranh, xử lý; phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan siết chặt công tác quản lý nhà nước đối với các loại hình dịch vụ, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ, phát sinh tội phạm như: Tiền ảo, kinh doanh ngoại hối, hoạt động cung ứng, sử dụng sim thẻ điện thoại di động; hoạt động mở tài khoản ngân hàng bằng phương thức điện tử (eKYC), hoạt động mua bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng...
Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người dân thường xuyên nghiên cứu, cập nhật những nội dung tuyên truyền phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng. Thực hiện tốt “5 không”: Không đưa lên mạng xã hội hoặc cung cấp thông tin, hình ảnh cá nhân; không cung cấp mật khẩu, mã OTP của ngân hàng, ví điện tử cho người khác; không click vào những đường link lạ; không đứng tên hộ người khác để mở tài khoản, mở thẻ, đăng ký dịch vụ tại Ngân hàng điện tử; không chuyển tiền dưới bất kỳ hình thức nào khi nghi ngờ đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khi gặp các trường hợp nghi vấn bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc đã trót chuyển tiền cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()