Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:48 (GMT +7)
Phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Thứ 3, 13/07/2021 | 10:04:59 [GMT +7] A A
Nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang có diễn biến mới, phức tạp, các cơ quan chức năng trong tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc tự phòng ngừa, bảo vệ thông tin, tài sản cá nhân.
Ngày 2/2/2021, TAND tỉnh đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tiến Phi (SN 1985, trú xã Bình Dương, TX Đông Triều) 12 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bằng thủ đoạn sử dụng mạng viễn thông, giả danh cơ quan pháp luật gọi điện đe dọa, bịa ra những điều không có thật, tạo khủng hoảng tâm lý, Nguyễn Tiến Phi đã cùng đồng phạm chiếm đoạt của 3 bị hại số tiền trên 2,2 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 10/2020, Công an TP Hạ Long đã triệt phá đường dây lừa đảo theo hình thức vay tiền lãi suất thấp, chiếm đoạt tài sản quy mô lớn do Lương Ngọc Đức (trú phường Cẩm Sơn, TP Cẩm Phả) cầm đầu. Các đối tượng đã lập các fanpage mạo danh các công ty tài chính để lừa các khách hàng vay tiền với lãi suất thấp. Các đối tượng yêu cầu khách hàng phải nộp tiền bảo hiểm khoản vay và chiếm đoạt số tiền này. Lực lượng chức năng xác định số tiền lừa đảo lên tới hàng trăm tỷ đồng do nhóm này thực hiện trong một thời gian dài.
Theo thống kê, từ ngày 25/5/2020 đến 24/5/2021, Công an tỉnh đã phát hiện, điều tra, xác minh 114 vụ việc liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với tổng tài sản bị chiếm đoạt trên 83,4 tỷ đồng; đã điều tra, làm rõ, khởi tố điều tra 45 vụ án.
Theo cơ quan chức năng, với phương thức hoạt động, thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ cao, đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thường ở nước ngoài..., gây không ít khó khăn, vướng mắc cho công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm. Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị nghiêm túc triển khai.
Công tác tuyên truyền được quan tâm đẩy mạnh, thực hiện thường xuyên. Từ ngày 25/5/2020 đến 24/5/2021, Công an tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Truyền thông tỉnh biên tập, đăng tải trên 100 lượt tin, bài tuyên truyền, cảnh báo các thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới phát hiện; tuyên truyền về kết quả đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật. Nội dung tuyên truyền và hoạt động phòng ngừa, xử lý tội phạm lừa đảo thường xuyên được lồng ghép vào các chương trình ngoại khóa trong trường học, tại các cuộc họp, sinh hoạt, tọa đàm của các cơ quan, đơn vị, khu phố. Hệ thống loa truyền thanh cơ sở phát hàng nghìn bản tin tuyên truyền, cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo của đối tượng.
Bên cạnh đó, để phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, công tác quản lý nhà nước từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Từ năm 2012, tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng chính quyền điện tử, là bước đột phá quan trọng trong cải cách hành chính. Đến nay, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong nước thực hiện việc gửi nhận văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số liên thông 4 cấp; là một trong 3 địa phương đầu tiên toàn quốc tích hợp Cổng Dịch vụ công của tỉnh lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỉnh hiện cung cấp 1.659 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (chiếm trên 89% số TTHC của tỉnh). Thành công trong triển khai chính quyền điện tử, dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã giúp giảm tới 40% thời gian, giảm số lần phải đi lại của người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Điều này có ý nghĩa quan trọng, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, cò mồi, lừa đảo trong lĩnh vực dịch vụ công...
Sở Thông tin và Truyền thông, UBND cấp huyện tăng cường quản lý các nội dung quảng cáo, mạng xã hội, mạng internet... nhằm hạn chế tối đa, điều kiện để tội phạm hoạt động. Sở Công Thương, Sở KH&ĐT, Sở Tài chính tăng cường nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước để phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán; thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý sai phạm của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, các mô hình hoạt động kinh doanh trên các ứng dụng công nghệ số; nắm tình hình và kịp thời kiểm tra, quản lý các hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, các loại hình kinh doanh dịch vụ như công ty tài chính, cầm đồ, môi giới việc làm, nhà đất, du học, thanh toán điện tử... để phòng ngừa tội phạm. Các sở, ngành cũng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, cấp GCNQSDĐ, quy hoạch xây dựng, kiến trúc..., nhằm kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm, vi phạm, chủ động phòng ngừa tội phạm.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, sẽ ngày càng gia tăng, hoạt động ngày càng tinh vi. Trước tình hình đó, đòi hỏi hệ thống chính trị các cấp và toàn xã hội phải vào cuộc; công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải được tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thường xuyên và quyết liệt hơn. Mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng, thường xuyên cập nhật các thông tin về tội phạm đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là thủ đoạn hoạt động phạm tội để tự phòng tránh; không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai khi chưa xác thực; không chuyển tiền khi chưa kiểm tra, xác minh...
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()