Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 23:01 (GMT +7)
Phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”
Thứ 5, 26/05/2022 | 06:32:43 [GMT +7] A A
Thời gian qua, với việc thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp, đặc biệt với việc triển khai quyết liệt thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, đã giúp đẩy lùi, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan; các băng nhóm tội phạm về cưỡng đoạt tài sản, bảo kê, tín dụng đen bị đấu tranh ngay từ khi manh nha hình thành, qua đó đã góp phần đảm bảo ANTT, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển KT-XH.
Một trong những khâu then chốt quan trọng nhằm tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của toàn xã hội trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đó chính là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Đây chính là “cầu nối” đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống xã hội và nhân dân. Các sở, ngành, địa phương phối hợp đơn vị chuyên trách về phòng, chống tội phạm tăng cường biên tập tài liệu, tập trung thông báo phương thức, thủ đoạn, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và biện pháp phòng ngừa. Đổi mới phương pháp tuyên truyền theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, đảm bảo phù hợp với mọi thành phần xã hội, điều kiện, tình hình của từng địa bàn.
Điển hình, trong 3 năm qua (từ 15/4/2019 đến 14/4/2022) Đoàn nghệ thuật tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao dàn dựng kịch bản và tổ chức 30 lượt lưu diễn vở kịch “tín dụng đen” tuyên truyền nội dung về phương thức thủ đoạn và hậu quả tại các địa phương, thu hút trên 15.000 lượt người xem. Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đã tổ chức 37 lớp tập huấn, hội nghị cho gần 12.500 người, tập trung cung cấp kiến thức pháp luật về hình sự, dân sự, trong đó có các quy định về lãi, lãi suất, xử lý vi phạm, các hình thức cờ bạc, góp vốn, cho vay lãi không được pháp luật bảo hộ như họ, hụi. Công an tỉnh tổ chức 135 buổi tuyên truyền phòng chống tội phạm cho hơn 90.500 người; đăng tải, phát sóng 2.240 lượt tuyên truyền...
Song song với đó, tỉnh tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đã tổ chức quán triệt và tiến hành quản lý chặt chẽ, cán bộ, công nhân viên chức chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, sử dụng vốn an toàn; tuyệt đối nghiêm cấm và xử lý nghiêm các hành vi tham gia các hoạt động “tín dụng đen”, cho vay lãi nặng, bảo kê, đòi nợ. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai các nội dung đơn giản hóa các thủ tục hành chính để nhân dân dễ dàng tiếp cận vay vốn đúng mục đích; tuyên truyền vận động người dân khi có nhu cầu vay vốn liên hệ với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, không nên thực hiện giao dịch với các cơ sở cầm đồ, hỗ trợ tài chính trái phép.
Công an tỉnh tăng cường công tác quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, triển khai thực hiện nội dung cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo quy định tại Luật Đầu tư 2020 (có hiệu lực từ 1/1/2021); tăng cường quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về ANTT; tăng cường kiểm tra, quản lý về ANTT đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ theo chức năng của lực lượng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội. Đơn vị cũng chủ động tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm ANTT trên địa bàn tỉnh, tập trung đấu tranh tội phạm có tổ chức, tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê; tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ tài chính và quản lý cư trú tại địa bàn đối với nhân viên tại các cơ sở này.
Toàn tỉnh đã thành lập 235 đoàn công tác, tiến hành kiểm tra 420 lượt đối với 469 cơ sở kinh doanh, phát hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với 84 cơ sở và 57 cá nhân vi phạm. Các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, điều tra, xử lý tổng số 20 vụ/36 đối tượng phạm pháp hình sự liên quan đến “tín dụng đen”, (giảm 47,3% số vụ và 48,5% số đối tượng so với năm 2018). Hoạt động “tín dụng đen” chủ yếu dưới hình thức cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, mang tính chất nhỏ lẻ, số cơ sở hoạt động kinh doanh cho vay, cầm đồ tiếp tục giảm mạnh so với thời điểm trước khi triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg. Hiện toàn tỉnh chỉ còn 268 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, (giảm 452 cơ sở so với thời điểm cuối năm 2018). Nhiều cơ sở cầm đồ là bình phong cho hoạt động “tín dụng đen” đã bị đấu tranh, triệt phá hoặc tự xóa bỏ. Các đối tượng hoạt động thay vì công khai, khuếch trương thanh thế, quảng cáo công khai như trước đây thì nay đã chủ yếu đi vào hoạt động ẩn, giảm lãi suất cho vay để tránh bị xử lý; không để xảy ra các vụ việc phức tạp, dư luận quan tâm, không để hình thành “điểm nóng”, phức tạp về ANTT. Tình trạng treo biển, phát, dán tờ rơi liên quan đến hoạt động cho vay tại nơi công cộng tiếp tục giảm. Với sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của các sở, ngành và địa phương, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, hoạt động “tín dụng đen” trên không gian mạng vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, đòi hỏi các sở, ngành cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý triệt để, nghiêm minh đối với các vi phạm; đẩy mạnh phối hợp, tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về sự nguy hại khi vay tiền thông qua các ứng dụng trên không gian mạng. Về phía người dân, khi có nhu cầu vay tiền cần đến các ngân hàng, công ty tài chính uy tín để được hỗ trợ thủ tục theo đúng quy định tránh bị kẻ xấu lừa đảo, lợi dụng.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()