Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 23:16 (GMT +7)
Phòng ngừa lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Thứ 5, 15/06/2023 | 17:49:47 [GMT +7] A A
Thời gian vừa qua, trên địa bàn toàn tỉnh, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về sử dụng công nghệ cao nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng đang có nhiều diễn biến phức tạp.
Điển hình là từ tháng 1 đến tháng 3/2023, chị P.T.N (sinh năm 1990, trú tại phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long) và anh N.V.K (sinh năm 1980, trú tại xã Thắng Lợi, huyện Vân Đồn bị một số đối tượng kết bạn qua mạng xã hội facebook, sau đó giới thiệu, hướng dẫn chị N và anh K tham gia đầu tư tài chính trên các sàn giao dịch “ảo” tên OKX, Tidex, CoinJab rồi chiếm đoạt tổng số tiền là 1,4 tỷ đồng.
Từ tháng 4 đến tháng 5/2023, chị P.T.C (trú tại phường Nam Khê, thành phố Uông Bí) và chị T.N.H (trú tại phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả) nhận được tin nhắn giới thiệu việc làm qua ứng dụng Telegram của người tự xưng là nhân viên một sàn thương mại điện tử. Yêu cầu công việc rất đơn giản, người tham gia chỉ cần ứng tiền nhận nhiệm vụ và hoàn thành là có thể nhận tiền gốc cùng tiền hoa hồng. Do muốn kiếm thêm thu nhập trong thời gian rảnh rỗi nên chị P.T.C và chị T.N.H đã đồng ý nhận lời tham gia. Các nhiệm vụ ban đầu với giá trị nhỏ, chị C và chị H đều nhận được tiền gốc và tiền hoa hồng theo đúng cam kết. Tuy nhiên, khi số tiền ứng ra làm nhiệm vụ có giá trị lớn thì chị C và chị H không rút được tiền về tài khoản. Các đối tượng đưa ra nhiều lý do yêu cầu chị C và chị H phải đóng thêm nhiều khoản phí thì mới rút được tiền về. Cứ như vậy, tổng số tiền chị C và chị H bị các đối tượng chiếm đoạt lên tới trên 2,4 tỷ đồng.
Theo thống kê, chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 22 vụ lừa đảo qua không gian mạng với tổng số tiền chiếm đoạt trên 45 tỷ đồng. Trong số đó, rất nhiều nạn nhân bị lừa đảo bởi các phương thức, thủ đoạn cũ như: kêu gọi đầu tư tài chính, chứng khoán, tiền ảo; mời làm cộng tác viên bán hàng, thực hiện nhiệm vụ trên website; giả danh Công an, Tòa án, Viện kiểm sát.... Đặc biệt trong số các nạn nhân, có người là cán bộ, công chức, viên chức, người có chuyên môn, kiến thức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Qua công tác đấu tranh, truy xét của Công an tỉnh cho thấy hầu hết các vụ án liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng do các nhóm đối tượng chuyên nghiệp, hoạt động ở nước ngoài tấn công chiếm đoạt tiền của các nạn nhân trong nước; gây nhiều khó khăn, làm giảm hiệu quả cho công tác điều tra, truy bắt.
Thực tế trên cho thấy để ngăn chặn, kéo giảm tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng thì công tác tuyên truyền, phòng ngừa nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các sở, ban, ngành và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh là rất quan trọng.
Chính vì thế, ngày 15/6, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản số 1509-UBND-NC về việc tăng cường công tác tuyên truyền nhằm, phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đề nghị các cơ quan trên địa bàn tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Đặc biệt, tỉnh yêu cầu các đơn vị phối hợp với Công an tỉnh triển khai các hoạt động tuyên truyền về phương thức thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng và các kiến thức, kỹ năng nhận biết, phòng tránh cho 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị, địa bàn mình quản lý. Các đơn vị đánh giá nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và tổ chức các hội nghị tuyên truyền về nội dung này.
Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra trên toàn quốc với nhiều thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng tâm lý nhẹ dạ, cả tin hoặc đánh vào lòng tham để đạt mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để không mắc bẫy của bọn lừa đảo người dân cần hết sức cảnh giác, nhất là trước những chiêu trò mời gọi hấp dẫn kiểu như "việc nhẹ, lương cao" "món hời dễ dàng" hoặc là tình huống nguy cấp của người thân. Và việc tăng cường tuyên truyền là một giải pháp phòng ngừa rất hữu hiệu đề phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()