Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:14 (GMT +7)
Phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Thứ 6, 25/03/2022 | 06:01:24 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; trong đó triển khai hiệu quả các mô hình bình đẳng giới, tăng cường hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới tại cộng đồng đã góp phần từng bước giảm thiểu các vụ bạo lực nói chung, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em nói riêng.
Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh xảy ra 1.056 vụ bạo lực giới, trong đó có 885 nạn nhân là phụ nữ bị bạo hành gia đình. Các cơ quan chức năng đã giải cứu, tiếp nhận 215 nạn nhân bị buôn bán trở về là phụ nữ và trẻ em; xử lý hình sự 123 đối tượng, xử lý hành chính 23 đối tượng gây bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Trước thực trạng đó, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, nhằm tăng cường công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Sở LĐ-TB&XH đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương; tham mưu triển khai các mô hình về bình đẳng giới, nhằm góp phần nâng cao nhận thức, hành động về bình đẳng giới, ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng bạo lực giới, nhất là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Đến nay trên địa bàn tỉnh có 25 mô hình bình đẳng giới tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố; 56 CLB hôn nhân và gia đình; 76 địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh; 28 số điện thoại đường dây nóng ở cấp xã. Thông qua sinh hoạt mô hình, nhận thức của các thành viên thay đổi rõ rệt, nam giới có sự ủng hộ và chia sẻ nhiều hơn với phụ nữ, làm tốt hơn vai trò người chồng, người cha trong gia đình.
Bên cạnh đó, việc phát hiện, tư vấn, hỗ trợ người bị bạo lực kịp thời hơn, các thành viên có nhiều cơ hội trong tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Đồng thời, tỉnh hợp tác với một số tổ chức quốc tế thực hiện các hoạt động phòng chống bạo lực giới, góp phần làm tốt công tác phòng ngừa, trợ giúp nạn nhân bị bạo lực giới, như: Dự án bảo vệ quyền phụ nữ và trao quyền cho nạn nhân bạo lực giới tại Quảng Ninh do Tổ chức Oxfam Novub (Hà Lan) tài trợ; Dự án phòng, chống mua bán người qua biên giới do Tổ chức Pals (Hoa Kỳ) tài trợ ...
Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong nước được lựa chọn triển khai thí điểm Dự án xây dựng mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, thông qua xây dựng mô hình Trung tâm Can thiệp phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (còn gọi là Ngôi nhà Ánh Dương) do chính phủ Hàn Quốc tài trợ, tổng kinh phí hơn 8,4 tỷ đồng.
Ngôi nhà Ánh Dương thuộc Trung tâm Công tác xã hội (Sở LĐ-TB&XH) đi vào hoạt động từ tháng 4/2020. Tại đây, các nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới được cung cấp các dịch vụ thiết yếu hoàn toàn miễn phí 24/7, gồm hỗ trợ tư vấn, tham vấn qua đường dây nóng, xây dựng kế hoạch trợ giúp, cung cấp nơi tạm lánh an toàn trong trường hợp khẩn cấp, chăm sóc và hỗ trợ y tế, hỗ trợ trang bị kỹ năng sống, kết nối dạy nghề và tạo việc làm, kết nối chuyển gửi để hòa nhập cộng đồng…
Ông Nguyễn Phúc Phong, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội, cho biết: Các dịch vụ được cung cấp tại Ngôi nhà Ánh Dương đều dựa trên nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm, nạn nhân được đối xử tôn trọng, bình đẳng và đảm bảo yếu tố bảo mật về thông tin. Bất kỳ nạn nhân bị bạo lực giới nào khi có nhu cầu, đều được tiếp nhận, can thiệp, hỗ trợ kịp thời để giải quyết vấn đề bạo lực.
Mặc dù có nhiều chuyển biến, nhưng thực tế việc đẩy lùi bạo lực giới vẫn còn những khó khăn, bởi bất bình đẳng giới giữa nam - nữ vẫn còn. Để ngăn chặn và đẩy lùi bạo lực giới, cần phải có nhiều giải pháp tuyên truyền hơn nữa, nhất là đối với phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, những đối tượng yếu thế trong xã hội; cần nhất là sự chung tay lên tiếng chính từ nam giới.
Vân Anh
- Trao giải Cuộc thi viết “Gia đình và phòng chống bạo lực gia đình” và Cuộc thi Sáng tác biểu trưng (logo) Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh
- Nỗ lực thực hiện bình đẳng giới
- Để phụ nữ và trẻ em gái không còn là nạn nhân của bạo lực giới
- Tập huấn triển khai Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới và Chương trình phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
- Ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới
Liên kết website
Ý kiến ()