Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:44 (GMT +7)
Phong phú các lễ hội truyền thống
Chủ nhật, 03/11/2024 | 14:37:38 [GMT +7] A A
Lễ hội đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt tín ngưỡng nhằm thoả mãn khát vọng trở về cội nguồn, cân bằng đời sống tâm linh và hưởng thụ, sáng tạo văn hoá của nhân dân. Trong số đó, các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có những nét đặc sắc riêng rất giá trị. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần đó là hết sức cần thiết, cần được các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, đầu tư thỏa đáng.
Quảng Ninh hiện có 42 thành phần DTTS cùng sinh sống. Trong đó, mỗi dân tộc có lễ hội riêng của mình gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lao động sản xuất. Với mỗi lễ hội, ý nghĩa chủ đạo vẫn là cầu phúc, cầu mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên, no ấm. Lễ vật được bày biện, dâng cúng trong lễ hội cũng không cầu kỳ mà thường là những sản vật do bà con tự sản xuất được, như: Thịt gà, thịt lợn, thịt vịt, cá, lúa, ngô, măng, các loại bánh truyền thống…
Trong những ngày lễ hội, người dân thường lựa chọn các bộ trang phục dân tộc đẹp nhất, mới nhất cùng nhau tham gia các hoạt động giao lưu văn nghệ, hát các làn điệu dân ca truyền thống và trò chơi dân gian như bắn nỏ, đánh quay, kéo co, đẩy gậy, tung còn. Mỗi dịp lễ hội đã làm cho không khí các thôn, bản rộn ràng, vui tươi, tăng cường gắn kết cộng đồng, không ngừng khơi dậy ở mỗi người dân ý thức gìn giữ, bảo tồn, lưu truyền các giá trị văn hóa quý báu.
Nhắc đến các lễ hội của đồng bào DTTS không thể không nhắc đến huyện Bình Liêu với trên 96% dân số là người DTTS. Vì thế, Bình Liêu trở thành mảnh đất của các lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu như: Lễ hội đình Lục Nà của người Tày, hội hát Soóng cọ của người Sán Chỉ và hội Kiêng gió của người Dao Thanh Phán.
Theo đó, ngày hội Kiêng gió bắt nguồn từ phong tục tránh thú rừng, thiên tai và cầu mùa màng bội thu, ấm no của đồng bào Dao Thanh Phán. Đồng bào quan niệm vào ngày 4/4 âm lịch hằng năm, cả gia đình ra khỏi nhà từ sớm để thần Gió vào nhà mang đi những rủi ro, phiền muộn và đem vào nhà họ những điều tốt lành, ấm no, sung túc. Vào ngày này, người Dao Thanh Phán ở các bản làng sẽ gác lại mọi công việc hàng ngày để đi chơi, thăm hỏi bà con, bạn bè, cùng nhau ăn một bữa cơm tụ họp và trò chuyện tâm tình, hát cho nhau nghe những làn điệu quê hương, đi chợ phiên mua sắm các vật dụng sinh hoạt, lao động cần thiết cho gia đình. Hay Hội Soóng Cọ là ngày hội lớn nhất trong năm của người Sán Chỉ. Ngày hội là dịp để bà con sinh hoạt văn hoá dân gian nhằm thể hiện và giao lưu tình cảm của cộng đồng người Sán Chỉ…
Đồng chí Tô Thị Nga, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bình Liêu, chia sẻ: Cùng với việc duy trì tổ chức tốt các lễ hội, ngày hội truyền thống của đồng bào DTTS hằng năm với đầy đủ các nghi lễ, hoạt động, huyện cũng dành nhiều nguồn lực cho công tác sưu tầm, phục dựng, tái hiện những nghi lễ độc đáo của đồng bào trong đời sống sinh hoạt như lễ cưới của người Dao, Sán Chỉ, lễ thôi nôi của người Tày, lễ cấp sắc của người Dao… trong mỗi dịp lễ hội. Qua đây vừa giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử cho thế hệ trẻ vừa góp phần giới thiệu, lan tỏa nét đẹp văn hóa của cộng đồng DTTS Bình Liêu tới du khách.
Những năm gần đây, các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống còn chú trọng tổ chức, phát triển thêm các lễ hội, ngày hội mới dựa trên tập quán canh tác, sản xuất nông nghiệp của bà con. Từ đây không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao của bà con DTTS mà còn khai thác dấu ấn văn hóa đặc sắc của đồng bào trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Tiêu biểu có thể kể đến như: Hội Mùa vàng, Hội hoa Sở (Bình Liêu); lễ hội Mùa vàng miền Soóng cọ Đại Dực; Ngày hội Văn hóa - Thể thao dân tộc Sán Dìu (Tiên Yên); Ngày hội văn hóa dân tộc Tày (Ba Chẽ); Lễ hội hoa sim biên giới (Móng Cái)…
Vào khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 dương lịch, khắp các bản làng ở xã vùng cao Đại Dực (Tiên Yên) lại ánh vàng rực rỡ trong sắc lúa chín rộ trên những thửa ruộng bậc thang. Đây cũng là dịp để bà con Sán Chỉ nơi đây cùng nhau hòa vào không khí lễ hội Mùa vàng miền Soóng Cọ Đại Dực, cùng vui chơi, ca hát, vui mừng trước thành quả lao động. Chị Chìu Móc Xênh, thôn Khe Lặc, xã Đại Dực, phấn khởi: Năm nay là năm thứ 4 lễ hội được tổ chức ở xã, bà con nhân dân từ già đến trẻ ai cũng hào hứng tham gia. Những hoạt động hát Soóng Cọ, chơi đánh quay, thực hiện nghi lễ cầu mùa, bóng đá nữ Sán Chỉ… dù đã rất quen thuộc trong đời sống hằng ngày song vẫn được bà con tích cực tập luyện thuần thục để mang đến lễ hội với mong muốn thể hiện, giới thiệu đến bạn bè, du khách gần xa nét đẹp văn hóa quê hương mình.
Có thể thấy, lễ hội, ngày hội của đồng bào DTTS dù có từ lâu đời hay mới được tổ chức đều đang tô đậm thêm bức tranh văn hoá đa sắc màu của cộng đồng các DTTS tỉnh Quảng Ninh trong dòng chảy văn hóa hiện đại, không ngừng làm giàu thêm bản sắc văn hóa, con người Quảng Ninh.
Duy Khoa
Liên kết website
Ý kiến ()