Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 21/12/2024 21:32 (GMT +7)
Tuổi đại thọ "trồng chuối"
Chủ nhật, 02/10/2016 | 03:49:43 [GMT +7] A A
Được một đàn anh trong nghề và cũng là một nhà thơ đưa cho mượn DVD mang tên “Tôi là ai” nói về ông Ngô Như Mai, tác giả của truyện ngắn giả tưởng THI SĨ MÁY, tác phẩm đã làm ông bị khép vào nhóm “Nhân văn - Giai phẩm”, tôi thực sự ấn tượng với những hình ảnh trong phim. Đó là, cảnh một ông cụ 92 tuổi mà hằng ngày vẫn thích “trồng cây chuối”, vẫn đạp xe đi về trên con dốc có lẽ là “gắt” nhất ở Hòn Gai, vẫn thích làm thơ, say sưa đọc thơ, đọc báo...
92 tuổi nhưng hằng ngày, ông Ngô Như Mai vẫn duy trì thói quen “trồng cây chuối”... |
Ông “Như Ma”
Tôi đến nhà ông Ngô Như Mai lần này là lần thứ hai. Lần đầu, tôi được cơ quan phân công đến xin tư liệu để chuẩn bị cho sự kiện kỷ niệm 50 năm ngày Báo Quảng Ninh ra số đầu 2-1 (1964-2014). Bởi trước đây, ông Ngô Như Mai từng công tác ở cơ quan Báo Quảng Ninh, làm đến chức thư ký toà soạn. Nhưng lần ấy ấn tượng trong tôi không nhiều lắm.
Lần này tôi đến nhà ông sau khi đã xem bộ phim về ông, đọc các tác phẩm của ông, những bài viết về ông, thế nên tôi tự nhủ phải để ý kỹ từng chi tiết. Con dốc phố Nhà Thờ quả là rất cao, rất gắt, có chỗ cua tay áo. Nhìn con dốc này, có lẽ những tay lái non chắc chẳng dám bò lên. Thế mà mấy chị hàng xóm nhà ông Như Mai kể: Ông ấy, một ông già 92 tuổi, lúc thì đi bộ, có khi thì xe đạp, hằng ngày vẫn đều đặn qua lại. Một chị nhanh nhảu bảo với tôi: - Ông ấy vừa đi đâu về đấy. Chị còn chào và đùa với ông rằng “Cháu chào ông Ma”, ông đáp lại luôn là “Ông Ma chào cháu Quỷ”...
Tôi đến nhà ông Như Mai khi ông đang viên thuốc lào cho vào các túi bóng nhỏ và cất vào lọ để dùng dần. Tiếp tôi, ngoài ông già 92 tuổi vẫn là anh con trai tên là Ngô Như Đông và cô cháu gái học lớp 8. Biết tôi ở cơ quan cũ đến thăm, ông cụ mừng lắm. Ông bảo hằng ngày ông vẫn được nhận và đọc báo Quảng Ninh. Ông bảo vẫn nhớ cơ quan, nhớ hồi làm thư ký toà soạn ở báo. Rồi cũng như lần trước, ông đọc nhiều thơ lắm, toàn là thơ tình. Trong đó có những câu “Em hỏi tôi là ai?/ Tôi đâu tự biết?/ là Ma Vương? Quỷ sứ? Thiên thần?/ hay tất cả trong tôi tất cả/ chọn tim tôi làm mảnh đất tranh phần/ Tóc trắng phớ trò dâu kia bể nọ/ nay lại vỡ lòng/ lọ mọ học YÊU– TIN”.
Anh Ngô Như Đông, con trai ông Như Mai kể: Tuy gần đây có lẫn nhưng ông cụ vẫn khoẻ, vẫn đọc sách báo và ngâm thơ đều. Sáng sáng vẫn thích “trồng cây chuối” và vẫn đi lại thăm thú mọi nơi.
Nói về thú “trồng cây chuối”, ông Như Mai bảo: Muốn máu lên não nhiều thì cách tốt nhất là phải thường xuyên “trồng cây chuối”. Làm như vậy sẽ duy trì được sự khoẻ mạnh, trí tuệ minh mẫn.
...và làm thơ, ngâm thơ, đọc báo. Trong ảnh: Ông Như Mai cùng cháu nội đọc báo Quảng Ninh. |
Tác giả của THI SĨ MÁY
Trước khi về công tác ở Vùng mỏ, ông Ngô Như Mai hoạt động văn nghệ, báo chí ở Hà Nội. Trong bài viết “Thi sĩ máy” - Kỷ niệm xa xưa của “Anh lão đa tình”, từ năm 1993, nhà thơ, nhà báo Trương Thiếu Huyền cho biết: Như Mai tên thật là Ngô Huy Bỉnh (chữ Bỉnh có nghĩa là ngọc - ông Như Mai giải thích). Viên ngọc sáng họ Ngô này quê Hưng Yên, sinh năm 1924 tại Hải Phòng, lớn lên và học tập ở Hà Nội. Ông tham gia hoạt động cách mạng ở Hà Nội từ tháng 10-1944, phụ trách Thanh niên cứu quốc Liên khu 2. Năm 1947, ông làm báo Cứu Quốc cùng với Như Phong, Hồng Hà, Đồ Phồn... Bút danh Như Mai là tên ghép hai người yêu Như và Mai của ông; có người sau này là vợ ông. Như Mai làm báo thời đó thường viết tạp văn. Ông thừa hưởng lối tạp văn nhạy bén của cụ thân sinh là Ngô Huy Văn (nguyên Cục phó Cục Bưu điện) thường ký bút danh là Chu Thượng trên báo “Trung Bắc tân văn” thời Pháp thuộc.
Hoà bình lập lại ở miền Bắc, ông Như Mai công tác tại Sở Báo chí. Một cuộc sống mới bắt đầu, cũng như nhiều văn nghệ sĩ khác thời ấy, Ngô Như Mai tự nhủ thời đại mới phải có một nền văn nghệ mới để phản ánh cuộc sống mới với những đòi hỏi mới và phức tạp riêng của nó. Nó phải có tính cách tân, phản ánh sinh động hiện thực chứ tuyệt nhiên không phải là sự rập khuôn, máy móc với những sự định hướng mang tính áp đặt. Năm 1956, Trung ương tổ chức một trại sáng tác ở Hà Nội. Ông Như Mai được cử đi tham dự. Trên quan điểm ấy, truyện ngắn giả tưởng THI SĨ MÁY của Ngô Như Mai ra đời, đăng tải trên báo Nhân văn số 5 (ngày 7-11-1956) với bút danh Châm Văn Biếm. Truyện ngắn này phê phán lối sáng tác máy móc rập khuôn kiểu người máy. Lý do người ta tạo ra thi sĩ máy là để không còn đất sống cho những văn nghệ sĩ mà theo họ là sáng tác theo kiểu ngẫu hứng, không có chương trình kế hoạch và thiếu sự định hướng, thậm chí có khi còn thiếu cả lập trường. Thi sĩ máy ra đời đã đáp ứng được bao nhiêu yêu cầu mới của xã hội mới. Bởi “những tác phẩm của nó vừa kịp thời, vừa minh hoạ đúng chính sách, sẽ giải quyết được mọi khẩu hiệu phức tạp của cuộc sống”. Và không ai ngờ rằng THI SĨ MÁY ra đời chính là định mệnh đối với cuộc đời Ngô Như Mai. Ông bị quy kết tham gia nhóm “Nhân văn - Giai phẩm”, tác phẩm đi ngược lại với chủ trương của Đảng.
Cũng như một số văn nghệ sĩ trong nhóm “Nhân văn - Giai phẩm”, năm 1958, ông Như Mai bị điều về Vùng mỏ lao động thực tế để được giai cấp công nhân cải tạo. May mắn hơn một số văn nghệ sĩ khác là phải xuống lao động trực tiếp ở các mỏ than, ông Như Mai được điều về làm báo Vùng mỏ, sau đó là Báo Quảng Ninh. Vợ ông thương chồng cũng phải bỏ việc ở Hà Nội để Vùng mỏ cùng ông. Nhưng không lâu sau đó, bà đã bỏ ông ra đi. Sau này, ông Như Mai gá nghĩa vợ chồng với một cô công nhân mỏ và sống ở phố Nhà Thờ Hòn Gai cho tới hôm nay.
“Tôi là ai?”
Như ở phần mào đầu đã đề cập, đây là tựa đề cuốn phim về chân dung tác giả truyện ngắn THI SĨ MÁY, ông Ngô Như Mai do Phạm Lộc đạo diễn và viết lời bình (cùng Thái Kế Toại). Mở đầu phim, trong lời bình đạo diễn Phạm Lộc đặt vấn đề rằng câu hỏi “tôi là ai” với nhiều người có khi cả đời cũng không dễ gì tìm được câu trả lời. Với nhà báo, nhà thơ, nhà văn Như Mai cũng vậy.
Nhưng xem xong phim, chắc hẳn nhiều người sẽ đồng tình với nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo khi ông nhận định rằng “Riêng tôi xuất hiện trong cuốn phim này, khẳng định ông Như Mai không chỉ là nhà văn lão thành, mà ông còn là một lão thành cách mạng. Không chỉ cách mạng nghệ thuật, mà còn là người cách mạng xã hội”.
Đọc THI SĨ MÁY, nghe ông đọc thơ và lần giở lại những bài báo của ông, tôi thấy nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nói những điều trên đây thật có lý. Nhớ lần đầu tiên tôi đến nhà ông Như Mai, dù đã đọc trước những bài báo của ông nhưng khi nghe ông kể, tôi vẫn thấy rất ấn tượng. Ấn tượng vì sự chân tình, thẳng thắn của ông. Tôi nhớ nhất là bài điều tra của ông có tiêu đề “Phải biết căm giận những con số không trung thực” đăng trên Báo Quảng Ninh năm 1972. Trong bài báo này, ông Như Mai có cách nhìn trái ngược với không khí thi đua vượt kế hoạch những năm ấy ở Vùng mỏ. Trong khí thế thi đua sôi nổi hồi đó, rất hiếm các cơ quan, đơn vị không vượt kế hoạch. Thế nhưng ông Như Mai đã chỉ ra rằng Xí nghiệp Vận tải ô tô Cẩm Phả đã không trung thực khi khai khống 3 triệu mét khối đất đá để lấy thành tích. Giám đốc xí nghiệp sau đó đã phải làm đơn xin thôi việc. Báo đăng nhưng nhiều người đặt câu hỏi rằng khí thế thi đua cả tỉnh đang cao trào mà nhà báo lại đi phản ánh ngược chiều là sao? Nhiều người nói ra nói vào lắm nhưng may sao sau đó Thứ trưởng ngành Than đã đến Báo Quảng Ninh cảm ơn tác giả. Khi đó ông Như Mai mới thở phào!
Xem phim “Tôi là ai”, đạo diễn, những người làm phim và các văn nghệ sĩ, rồi cả những người từng giữ cương vị lãnh đạo văn nghệ của đất nước đúng là có ý “bênh”, muốn thanh minh, muốn trả lại sự công bằng cho tác giả THI SĨ MÁY. Phim cũng đề cập chuyện sau khi về Vùng mỏ công tác, đến tận năm 1977, ông Ngô Như Mai vẫn bị khai trừ ra khỏi Đảng vì đã từng tham gia “Nhân văn - Giai phẩm” và đã viết THI SĨ MÁY. Nhà văn Vũ Tú Nam, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, trong phim đã đề nghị: “Nên sửa cho anh ấy... THI SĨ MÁY có gì nghiêm trọng thế đâu. Theo tôi để như thế là không có lợi, nên sửa”.
Chí Linh
Liên kết website
Ý kiến ()