Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 05/01/2025 04:53 (GMT +7)
Giữ nguồn “vàng trắng” Cao Vân
Chủ nhật, 16/04/2023 | 07:40:03 [GMT +7] A A
Đứng sau hồ Yên Lập về dung tích, nhưng hồ Cao Vân lại là nguồn cung nước ngọt cho Nhà máy nước Diễn Vọng để xử lý, sản xuất ra sản lượng nước sinh hoạt lớn nhất Quảng Ninh, đáp ứng cho 2 thành phố lớn là Hạ Long và Cẩm Phả.
Đi tìm nguồn cấp nước mới
Trung tuần tháng 3, chúng tôi có dịp đi khảo sát hồ Cao Vân, Nhà máy nước Diễn Vọng, hệ thống xử lý, sản xuất nước đang cung cấp sản lượng nước ngọt sinh hoạt lớn nhất toàn tỉnh của Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh (Quawaco). Ấn tượng lớn nhất chính là công trình hồ Cao Vân hùng vĩ như viên ngọc xanh giữa bao la núi rừng trùng điệp. Lúc này là mùa khô, nhưng hồ Cao Vân vẫn mênh mông, ngút tầm mắt.
Đi dạo xung quanh khu vực này, chúng tôi có cơ hội tìm hiểu về lịch sử hình thành, phát triển của hồ. Cán bộ quản lý hồ Cao Vân chia sẻ: Hiện tại, nguồn sinh thủy thấp, chỉ trên 10m nước so với mực nước chết, nhưng lượng nước hồ vẫn còn khoảng 9,3 triệu m3. Nếu hồ Cao Vân kiệt nước, thiếu nguồn cung cho Nhà máy nước Diễn Vọng thì hàng triệu người dân TP Cẩm Phả và một phần của TP Hạ Long sẽ đứng trước nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Trên thực tế, trước khi hồ Cao Vân được xây dựng và trở thành nguồn cung chủ lực cho 2 thành phố đông dân, chuyện này đã từng xảy ra với Nhà máy nước Diễn Vọng.
Nhà máy nước Diễn Vọng được xây dựng từ năm 1976 bởi Ban Kiến trúc 7 của Bộ Xây dựng. Lúc đầu, quy trình hoạt động của nhà máy khá đơn giản, đó là bơm nước trực tiếp từ sông Diễn Vọng cấp cho TP Hạ Long. Năm 1983, nhà máy tiếp tục được đầu tư xây dựng mở rộng theo hình thức ODA. Thế nhưng giai đoạn 1980-1990, hoat động khai thác than bùng nổ khiến sông Diễn Vọng bị bồi lấp, lượng nước bị suy giảm nghiêm trọng, tình thế bắt buộc phải đi tìm nguồn nước mới.
Trong trí nhớ nhiều người, dòng sông Diễn Vọng suốt bao năm hiền hòa, trong xanh và là nguồn sống cho nhiều hộ dân đánh cá, nay không còn nữa. Nguồn cấp nước quan trọng bị ảnh hưởng, sản lượng nước của Nhà máy nước Diễn Vọng suy giảm, nguy cơ “khát” nước đã dần hiện hữu với 2 đô thị lớn có hàng triệu dân là Cẩm Phả và Hạ Long.
Đi dọc con đập trên hồ Diễn Vọng, Phó Tổng Giám đốc Quawaco Trần Mạnh kể: Để giải bài toán khó này, những người sản xuất nguồn “vàng trắng" không khỏi đau đầu, quyết tâm phải đi tìm nguồn nước mới thay thế ở phía thượng nguồn khu vực Đồng Sơn, Kỳ Thượng... Sau nhiều tháng ngày vất vả lặn lội, cuối cùng cũng đã tìm ra giải pháp trong niềm vui khôn xiết. Công ty đề xuất chặn dòng xây hồ.
Trong trí nhớ của cán bộ, công nhân xí nghiệp nước ngày ấy, hồ chứa Cao Vân là công trình rất lớn. Công ty làm thủ tục trình Chủ tịch UBND tỉnh, Thủ tướng Chính phủ và được phê duyệt làm chủ đầu tư. Tại thời điểm đó, công suất nhà máy là 30.000 m3/ngày đêm, đã đem lại nguồn sống mới cho 2 đô thị lớn nhất, nhì tỉnh.
Đến năm 2015, do nhu cầu sử dụng nước tăng, đã có dự án nâng cấp hồ chứa và giao cho Công ty Thủy lợi Yên Lập thi công. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khu vực Hạ Long, Cẩm Phả, công nghệ xử lý nước hiện nay đã thay đổi nhiều. Với khả năng xử lý như hiện tại, Nhà máy nước Diễn Vọng có thể đáp ứng nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt với công suất khoảng 90.000 m3/ngày đêm.
Gắn bó với nhà máy nước giữa rừng
Rời Cao Vân, theo con đường từ phường Dương Huy về khu vực đường tránh Quang Hanh (TP Cẩm Phả), chúng tôi tiếp tục hành trình tới Nhà máy nước Diễn Vọng. Đây là nhà máy nước quy mô, có chặng đường đồng hành với sông Diễn Vọng trước đây và hồ Cao Vân sau này.
Nhà máy nằm ở khu 7B, phường Quanh Hanh. Khác hẳn với hình dung của chúng tôi, đường vào Nhà máy nước Diễn Vọng khá vòng vèo, khó đi. Phó Giám đốc Nhà máy nước Diễn Vọng Phạm Văn Lanh, người gắn bó với nhà máy chừng 20 năm, kể: Thành lập từ năm 1983, sau đó Nhà máy nước Diễn Vọng được đầu tư bài bản với hệ thống lọc nước của Dự án cấp nước sạch Hạ Long - Cẩm Phả và đi vào vận hành từ năm 2002.
Để cấp nước cho các đô thị lớn, các thế hệ cán bộ của nhà máy đã trải qua bao vất vả, khó khăn. Để nước tự chảy về từ hồ Cao Vân, các cán bộ kỹ thuật phải tính toán độ chênh cốt của trạm bơm Nhà máy nước Diễn Vọng. Mức chênh là -32m so với nguồn nước. Tuy nhiên, cũng có những khu vực cao cần tăng áp lực để vượt qua các đoạn đèo dốc, như khu vực dốc Cổng trời, cách nhà máy khoảng 5km.
Nhà máy nay đã được đầu tư khang trang, nhưng lại ở địa thế khá hiểm trở, nằm khá sâu trong rừng. Dù chỉ cách đường tránh TP Cẩm Phả 6km, nhưng phải mất hơn 30 phút để tới nơi. Đặc thù nhà máy nước phải hoạt động 24/24h, chính vì thế cán bộ phải trực đủ 3 ca để đảm bảo hoạt động liên tục. Nếu dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng tới hơn 110.000 hộ tiêu dùng.
Phó Giám đốc Nhà máy nước Diễn Vọng Phạm Văn Lanh, cho biết: Trước kia, đường sá đi lại khó khăn, cán bộ, công nhân đa phần là ở lại ngay tại nhà máy. Thời gian gắn bó với nhà máy, trạm bơm, với hệ thống xử lý nước còn nhiều hơn thời gian ở nhà với gia đình.
Số hóa và chuyện giữ nguồn "vàng trắng"
Với trữ lượng 14 triệu m3 và tốc độ sử dụng nước như hiện nay, hồ Cao Vân đang dần rơi vào tình trạng quá tải. Hiện tại, dự án hồ Khe Giữa đã được phê duyệt, hứa hẹn sẽ bổ sung nguồn nước cho Nhà máy nước Diễn Vọng. Tuy nhiên, trước nguy cơ lớn “khát” nước của 2 đô thị lớn, việc quản lý, xử lý nước ở hồ và trạm xử lý nước Diễn Vọng phải được số hóa triệt để, tăng cường số lượng, cũng như chất lượng nguồn nước.
Tất cả việc tự động hóa định lượng, châm hóa chất xử lý nước được đầu tư từ năm 2021. Công việc này dựa trên quá trình phân tích chất lượng nước, thông số về máy tính, từ đó máy đưa ra định lượng châm hóa chất… cho ra nguồn nước sạch.
Trước kia, quy trình kiểm soát, xử lý gần như hoàn toàn thủ công từ khâu lấy mẫu tới khâu châm hóa chất xử lý. Nay tất cả đã được hiện đại hóa hoàn toàn. Quy trình lấy mẫu ngay tại phòng thí nghiệm mà không phải đi lại nhiều. Khâu bơm phèn, bơm vôi theo tỷ lệ phù hợp trên hệ thống xối gia tốc. Ví dụ, nếu lượng pH đầu vào thấp, hệ thống tự động bơm vôi để tối đa hóa lượng pH, sau đó dùng clo để khử khuẩn. 100% quy trình đều được đồng bộ, tự động hóa, giảm tải tối đa các thao tác thủ công.
Thông số hiện lên qua cơ sở dữ liệu trên máy tính, cán bộ chuyên môn chỉ cần kiểm tra đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp với quy định của Bộ Y tế. Nếu có tình trạng đột biến, máy tự động điều chỉnh hóa chất theo chất lượng nước thô (theo ngày, theo mùa). Nhờ sự đầu tư đồng bộ, nhà máy trước kia công suất chỉ đạt 60.000m3/ngày, đêm nay đã nâng lên 90.000m3/ngày, đêm.
Do nhu cầu phát triển đô thị và phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH của 2 thành phố, đến nay, Nhà máy nước Diễn Vọng đã đưa vào vận hành trạm bơm mới cho hồ Cao Vân, tăng lưu lượng chuyển tải nước thô về cho nhà máy. Từ đó sẽ tiết kiệm chi phí khai thác, vận hành.
Hiện tại, Quawaco vừa hoàn thành thi công trạm bơm nước thô từ hồ Cao Vân với 3 tổ máy. Dự án được thi công từ tháng 9/2022 và đã hoàn thành vào tháng 3/2023. Điều này tăng áp lực, tăng 2-3 lần lưu lượng nước chảy về sông Diễn Vọng khi vận hành cùng lúc 2-3 tổ máy. Toàn bộ các hoạt động này được điều khiển từ xa, được số hóa điều khiển qua hệ thống máy tính từ bộ phận kỹ thuật ở công ty mà không phải vào tận nơi vận hành.
Không chỉ vậy, việc kiểm soát đảm bảo an toàn hồ đập cũng được quan tâm. Tất cả được trang bị thiết bị quan trắc tự động, thể hiện thông số kỹ thuật về dòng nước đến, mực nước dâng trong hồ… nhằm quản lý đảm bảo an toàn lòng hồ. Các thông số kỹ thuật được thiết bị quan trắc tự động gửi về trạm bơm. Lượng nước lòng hồ, lượng nước thấm qua thân đập, đặc biệt là thời điểm mùa lũ, sự dịch chuyển của thân đập… được đo bằng thiết bị cảm biến tự động
Có thể nói, việc đầu tư đồng bộ và quá trình tự động hóa toàn bộ quy trình xử lý nước sạch tại Nhà máy nước Diễn Vọng đã góp phần nâng cao chất lượng, số lượng nguồn "vàng trắng" quý giá, đáp ứng nhu cầu nguồn nước sạch phục vụ cho mục tiêu an sinh và phát triển KT-XH cho 2 đô thị lớn của Quảng Ninh.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()