Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 17/12/2024 01:57 (GMT +7)
Phòng tránh tai biến sản khoa
Thứ 6, 31/05/2024 | 08:33:39 [GMT +7] A A
Trong quá trình mang thai, bất kỳ sản phụ nào cũng sẽ đối mặt với những tai biến sản khoa. Tai biến sản khoa có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ, không thể tiên lượng trước và nguy cơ đe dọa tính mạng của cả mẹ và em bé. Vì vậy, phòng tránh tai biến sản khoa đóng vai trò rất quan trọng.
Tai biến sản khoa là vấn đề sức khỏe xảy ra với bà mẹ và trẻ sơ sinh, có thể xảy ra trong lúc mang thai, trong lúc chuyển dạ, trong lúc sảy thai hay sinh non, thậm chí trong thời gian hậu sản (6 tuần sau sinh). Có 5 tai biến thường gặp là băng huyết sau sinh, tiền sản giật, nhiễm trùng hậu sản, vỡ tử cung và uốn ván rốn sơ sinh. Trong đó, tiền sản giật là tai biến phụ nữ thường gặp phải và rất nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và trẻ.
Đây là một hội chứng bệnh lý thai nghén toàn thân do thai nghén gây ra. Giai đoạn sản giật có thể kéo dài vài giờ, vài ngày, vài tuần hoặc chỉ thoáng qua tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh. Các yếu tố thuận lợi cho tiền sản giật: Đa thai đa ối, sinh con khi lớn tuổi, chửa trứng, mắc đái tháo đường, béo phì… Triệu chứng chủ yếu là tăng huyết áp, huyết áp càng cao thì tiên lượng tiền sản giật càng nặng.
Nhằm nâng cao năng lực sàng lọc và chẩn đoán trước sinh về bệnh lý tiền sản giật, đầu năm 2024 Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã phối hợp với Bệnh viên Phụ sản Hà Nội tổ chức Hội thảo sinh hoạt khoa học với chủ đề “Nâng cao năng lực sàng lọc và chẩn sinh trước sinh về bệnh lý sản giật trong 3 tháng đầu của thai kỳ”. Với nhiều phân tích, thống kê, bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã đưa ra các phương pháp chính xác, giúp cho các y, bác sĩ trên địa bàn tỉnh có phác đồ tối ưu, hiện đại nhất trong điều trị cho những bệnh nhân mắc tiền sản giật hiệu quả cao.
Bác sĩ CKI Nguyễn Thu Hương (Đơn nguyên Chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) cho biết: Siêu âm thai hình thái học và sàng lọc tiền sản giật 3 tháng đầu trong thai kỳ rất quan trọng. Tại bệnh viện, chúng tôi đang tiến hành tầm soát sớm bệnh lý tiền sản từ 11 tuần 3 ngày đến 13 tuần 6 ngày, để dự báo nguy cơ bị tiền sản giật cho các thai phụ. Sàng lọc tiền sản giật theo mô hình của FMF (yếu tố nguy cơ của thai phụ, PI động mạch tử cung, PAPP-A, PLGF). Sàng lọc nếu cho kết quả nguy cơ cao có nghĩa là khả năng thai phụ mắc tiền sản giật cao hơn những người khác nhưng không có nghĩa thai phụ sẽ bị tiền sản giật. Tuy nhiên, với sàng lọc nguy cơ cao, bác sĩ sẽ tư vấn cho thai phụ về nguy cơ xuất hiện bệnh và đưa ra liệu trình điều trị dự phòng tiền sản giật và quản lý thai.
Với những thống kê nói trên, trong quá trình mang thai nếu các bà mẹ có kế hoạch khám, quản lý thai nghén ngay từ sớm sẽ giúp nắm bắt rõ quá trình thai phát triển khỏe mạnh, qua đó bác sĩ sẽ nắm chắc tình trạng sức khỏe bà mẹ và thai nhi, để tiên lượng và chuẩn bị tốt việc sinh con, đề phòng những nguy cơ khi chuyển dạ.
Theo quy định của Bộ Y tế, thai phụ tối thiểu phải khám thai 4 lần trong quá trình mang thai. Lần khám thứ nhất khi có thai trong 3 tháng đầu; lần khám thứ 2 vào 3 tháng giữa; 2 lần khám tiếp theo vào 3 tháng cuối. Ngoài 4 lần khám kể trên, bà mẹ phải đi khám thêm bất kỳ lúc nào nếu có triệu chứng bất thường.
Trong các lần khám thai, thai phụ còn có thể cần kiểm tra sức khỏe bằng các xét nghiệm: Công thức máu, sinh hóa máu, miễn dịch (HIV, viêm gan B), nước tiểu, siêu âm, monitoring sản khoa...; theo dõi về cân nặng của mẹ, đo tim mẹ, tim thai, huyếp áp mẹ, bề cao tử cung và vòng bụng để theo dõi sự phát triển và sức khỏe thai nhi. Việc khám thai phải thực hiện đúng quy trình chuẩn với các bước cơ bản như: Hỏi, khám toàn thân, khám sản khoa, thử nước tiểu, vệ sinh thai nghén, tiêm chủng phòng ngừa bệnh, siêu âm thai…
Và bên cạnh nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế, sự chủ động của các sản phụ trong quá trình chăm sóc sức khỏe thai sản cũng sẽ góp phần quan trọng vào việc phòng ngừa tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh.
Vân Anh
- Chăm sóc sức khỏe sinh sản
- Cẩm Phả đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình
- Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh và tốc độ già hóa dân số
- Đảm bảo cơ cấu và chất lượng dân số
- Truyền thông dân số cho lứa tuổi thanh, thiếu niên
- Phát huy vai trò của phụ nữ trong công tác dân số
Liên kết website
Ý kiến ()