Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 05:01 (GMT +7)
Phong tục đón Tết của một số đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Ninh
Thứ 4, 02/02/2022 | 14:24:35 [GMT +7] A A
Ngày Tết, nếu ai đó có dịp đi du xuân ở các huyện miền Đông sẽ được dập dìu với bao làn điệu hát Soóng cọ của người Sán Chỉ, hát Then của người Tày, hát Soọng cô của người Sán Dìu và hát Pả dung của người Dao… Mỗi khi xuân về, bà con dân tộc thiểu số cùng nô nức đón Tết và mỗi một dân tộc đều có một cách đón Tết riêng của mình.
Lễ Đại phan của người Sán Dìu
Người Sán Dìu ở Quảng Ninh sống tập trung đông nhất ở xã Bình Dân (Vân Đồn) và xã Hải Lạng (Tiên Yên). Trong năm, người Sán Dìu có rất nhiều ngày tết là Tết Đoan ngọ vào tháng 5, Tết Vu lan tháng 7, Tết Đông chí vào tháng Chạp), Tết Thanh minh tháng 3, nhưng lớn nhất vẫn là Tết Nguyên đán.
Trong Tết Nguyên đán, người Sán Dìu thường tổ chức ca hát và Lễ hội Đại phan tùy theo từng địa phương tổ chức vào cuối tháng chạp hoặc cuối tháng giêng. Trong Lễ hội Đại phan, các thầy mo cúng mừng tổ tiên và thực hiện nghi lễ leo dao. Cột phan là 2 cây tre to hoặc gỗ cao từ 16-20m, mỗi cây được buộc 12 lưỡi dao. Thầy mo sau khi làm lễ sẽ leo lên các lưỡi dao tượng trưng 12 “tầng trời” hay 12 “kiếp nạn” và cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, đời sống ấm no. Trong Lễ hội Đại phan còn tổ chức hát Soọng cô (lối hát giao duyên của người Sán Dìu).
Bánh chưng nhân cá của người Tày
Người Tày ở Quảng Ninh sống tập trung chủ yếu ở các xã thuộc huyện Bình Liêu và xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên.
Thông thường, người Tày chuẩn bị tết từ ngày 10 tháng chạp âm lịch. Trước đây, người Tày gói bánh chưng rất to để cúng tổ tiên, bánh được gói bằng 12 ống gạo, ngày nay thì gói nhỏ hơn, nhân bánh có 1 con cá suối, 1 quả trứng và 1 miếng thịt ba chỉ. Quan niệm của người Tày không chỉ con người mà ngay cả loài vật cũng có linh hồn. Do vậy, bánh chưng cúng tổ tiên là gửi linh hồn các con vật rất gần gũi với con người là cá, gà, ngan, lợn xuống cõi âm để người quá cố làm vật nuôi như khi họ còn sống.
Người Tày gói 2 loại bánh chưng khác nhau gọi là bánh bố hình tròn, bánh mẹ dài. Chiều 30 Tết, bánh được đưa vào bàn thờ tổ tiên, thờ 5 bánh hoặc thờ 3 tùy theo từng nhà. Sau tết, bánh được bóc ra, cả họ phải tập trung đông người ăn mới hết. Nếu có khách đến, chủ nhà rất ân cần mời khách cùng ăn, người nào ngẫu nhiên được ăn bánh của 3 nhà coi như may mắn quanh năm.
Trong dịp tết, người Tày không chỉ có bánh chưng mà còn có cả bánh cốc mò (gần giống bánh gù của người Kinh). Khi bánh chín, các gia đình đem treo bánh ở các cửa sổ và ngoài cổng để linh hồn những người lang thang có bánh ăn tết. Số bánh này sau tết được coi là lộc được người ta bóc ra cho trẻ con ăn, với quan niệm khi ăn lộc, những đứa trẻ sẽ có cuộc sống no ấm, khỏe mạnh.
Người Tày cúng tổ tiên vào mùng 1 Tết, ngoài bánh chưng bố, mẹ đặt trên bàn thờ, còn có xôi màu đỏ được nấu với nước quả rừng. Ngày mùng 1 Tết, các gia đình ăn một nửa số xôi đó và không ăn thịt vì kiêng sát sinh. Theo quan điểm của người Tày, linh hồn của các con vật nuôi sau khi chết cũng về đón tết nên không sát sinh vào ngày mùng 1, để tổ tiên con cháu của vật nuôi cũng được sum vầy.
Người Dao xin chữ cầu may đầu năm
Người Dao (gồm Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán) đón tết cũng gần giống như người Kinh. Người Dao ở huyện Ba Chẽ đông đúc hơn cả. Ở các huyện thị khác trên địa bàn tỉnh, người Dao thường chọn vị trí vùng cao để sinh sống và họ chỉ thạo việc rừng. Còn người Dao ở Ba Chẽ, lại rất thông thạo sông nước và họ xây dựng làng bản bên bờ sông.
Ông Triệu Thanh Xuân, 77 tuổi, thôn Nà Bắp, xã Đồn Đạc cho biết, theo phong tục người Dao, ngày mùng 1 Tết, tất cả người trong dòng họ tập trung ở nhà trưởng họ để cúng. Người Dao không cúng một lễ chung tất cả ông bà tổ tiên như người Kinh mà cúng từng người một. Thí dụ như trong dòng họ có 9 người đã mất, thì người sống cúng liền trong 9 ngày, lần lượt từ người lớn tuổi đến người ít tuổi nhất. Ngày mùng 1 Tết chỉ mừng tuổi người già, con cháu sống trong ngôi nhà mình, kiêng mừng tuổi người sống khác nhà bởi đồng bào quan niệm đồng tiền hôm đó là lộc, với người trong nhà thì lộc không mất đi đâu hết. Từ ngày mùng 2 Tết trở đi mới mừng tuổi người già và trẻ con ở nhà khác. Người Dao cũng có tục xin chữ cầu may như người Kinh, nhưng không phải xin chữ thầy đồ mà là thầy mo trong làng.
Dập dìu điệu Sóong cọ người Sán Chỉ
Người Sán Chỉ ở Quảng Ninh sống tập trung nhiều nhất ở xã Đại Dực (Tiên Yên). Từ 27 tháng 12 âm lịch, các gia đình Sán Chỉ đã bắt đầu lo gói bánh chưng để chuẩn bị Tết, bánh chưng tròn dài, nhân thịt và đỗ xanh có điểm thêm chút lá cơm lông để nhân bánh có mầu đỏ hàm ý may mắn vào dịp Tết. Đến ngày 30 tết, các gia đình lấy lá đa cắm vào bên cửa để lấy lộc đón năm mới sau đó mới giết gà, giết lợn.
Ngày mùng 1 Tết, các gia đình cúng rất nhiều thứ gồm bánh chưng, bánh rán, thịt, cá, rượu nhưng kiêng ăn thịt bữa sáng mùng 1, kiêng quét nhà và kiêng đi rừng. Không có người mời thì không sang nhà người khác chơi. Nhà nào cũng chọn người đàn ông đứng tuổi hợp với mệnh gia đình mình để xông đất với hy vọng người đó sẽ đem lại may mắn cho gia đình mình suốt quanh năm.
Người Sán Chỉ chọn ăn Tết ngày mùng 1 bên nhà nội, mùng 2 nhà ngoại, mùng 3 làm lễ khai xuân đốt cành tre con cá được cắm từ mấy hôm trước và gõ kẻng, gõ trống để xua đuổi những điều không may, bệnh tật ra khỏi nhà. Những ngày Tết, bà con dân bản thường tổ chức chơi kéo co, đẩy gậy, đánh quay, ném còn, hát Sóong cọ. Các bản, các nhóm nam nữ hát đối nhau.
Đó là phong tục đón Tết Nguyên đán của 4 dân tộc người thiểu số đông người tiêu biểu nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nhìn chung bất kỳ dân tộc nào cũng đều mong muốn một cái Tết tươi vui, đón nhiều may mắn trong năm mới, làm ăn nhiều lộc, phát tài.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()