Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 07:55 (GMT +7)
Phụ nữ châu Á hưởng lợi từ xu hướng thanh toán trực tuyến
Thứ 2, 22/05/2023 | 17:06:59 [GMT +7] A A
Các giao dịch trực tuyến gia tăng trong thời kỳ đại dịch COVID-19 đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi theo hướng có lợi hơn cho người phụ nữ ở châu Á.
Mở ra thêm cơ hội cho người phụ nữ
Khi các khu vực của Bangladesh được lệnh phong tỏa kéo dài vào thời kỳ đỉnh dịch, cơ sở kinh doanh quần áo của cô Tabassum Lopa bị sụt giảm 30% doanh số bán hàng và cô đã phải cố gắng cầm cự suốt 18 tháng ròng.
Mặc dù vẫn tồn tại những khó khăn riêng nhưng giao dịch trực tuyến đã trở thành biện pháp cứu cánh đối với cô Lopa. “Mọi thứ đóng cửa và người giao hàng không thể đến tận nhà. Chúng tôi phải đem đơn đặt hàng đến những địa điểm gần đó”, cô chia sẻ.
Rất may, doanh số bán hàng vẫn đủ giúp cửa hàng Mun Fashions có trụ sở tại Dhaka của Lopa vượt qua đại dịch. Ban đầu, cô Lopa chỉ bán lẻ trực tuyến vào năm 2015 rồi mở một cửa hàng vào năm 2017. Sau đó, cô buộc phải quay lại bán hàng qua mạng trong bối cảnh đất nước bị phong tỏa vì dịch bệnh.
Mặc dù công việc kinh doanh đã khởi sắc trong những tháng gần đây và khách hàng lại đổ xô đến cửa hàng, nhưng khoảng 1/3 đơn hàng vẫn diễn ra trên nền tảng trực tuyến. Người phụ nữ 40 tuổi này cho biết đôi khi khách hàng đổi ý và mua ba món đồ thay vì một món đồ. Nếu họ không có đủ tiền mặt, họ sẽ thanh toán qua các ứng dụng điện tử như BKash.
Các giao dịch trực tuyến, vốn gia tăng trong thời kỳ đại dịch, đang thúc đẩy sự chuyển đổi tại nhiều nền kinh tế châu Á mới nổi, đồng thời giúp thu hẹp khoảng cách về thu nhập cho người phụ nữ, cùng với sự hỗ trợ của sáng kiến “Better Than Cash Alliance” do Liên hợp quốc hỗ trợ.
“Rõ ràng, chúng ta đã có sự thay đổi lớn trên thế giới với COVID-19 và điều đó đúng với vấn đề số hóa. Tôi nghĩ đáng mừng là nó đã thúc đẩy xu hướng kỹ thuật số này”, bà Isvary Sivalingam, người đứng đầu chương trình “Better Than Cash Alliance” ở Đông Nam Á cho biết.
Xoay trục từ tiền mặt
Trên 80 thành viên gồm các đại diện chính phủ từ Philippines, Bangladesh và Ấn Độ cùng với các công ty như Unilever đã tham gia vào quá trình chuyển đổi này, cam kết chuyển dịch từ tiền mặt sang kỹ thuật số cho mọi thứ, từ trả lương cho công nhân đến cho phép người bán hàng chấp nhận thanh toán kỹ thuật số.
Hai phần ba người trưởng thành trên toàn thế giới đã sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến trong đợt bùng phát COVID-19 buộc phải thực hiện giãn cách xã hội, so với con số ít ỏi của dấu mốc hơn nửa thập kỷ trước. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết đối với khoảng 40% những người mua sắm này, đây là lần đầu tiên họ mua hàng trực tuyến.
Và khi hàng trăm triệu người có được quyền truy cập ứng dụng thanh toán trực tuyến, những thay đổi sâu sắc nhất đã diễn ra ở các quốc gia đang phát triển, với tỷ lệ người trưởng thành thực hiện hoặc nhận thanh toán kỹ thuật số tăng từ 35% vào năm 2014 lên 57% vào năm 2021. Đây là thống kê từ cơ sở dữ liệu Global Findex.
Bà Isvary Sivalingam lạc quan xu hướng số hóa này sẽ tiếp tục tồn tại.
Lần đầu tiên kể từ khi Global Findex được ra mắt vào năm 2011, chênh lệch giới tính toàn cầu về quyền sở hữu tài khoản kỹ thuật số đối với tài khoản tiền di động đã giảm xuống 6% từ 9% vào năm 2021.
Các khoản thanh toán kỹ thuật số bán lẻ ở Philippines đã tăng vọt lên khoảng 30% từ mức 1% khiêm tốn vào một thập kỷ trước sau khi chính phủ tham vấn với “Better Than Cash Alliance”.
Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á, cũng đã chứng kiến những bước phát triển nhảy vọt. Theo Global Findex, các sáng kiến chính sách của chính phủ nhằm liên kết căn cước công dân với tài khoản ngân hàng đã giúp tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến lên 77% ở dân số trưởng thành vào năm 2021, tăng từ 36% vào năm 2011.
Nhưng sứ mệnh này vẫn cách đích khá xa. Khoảng 1,4 tỷ người trên toàn cầu vẫn chưa thể truy cập vào các nền tảng tài chính kỹ thuật số, bao gồm nhóm khó tiếp cận nhất như phụ nữ nông thôn và những người sống ở vùng sâu vùng xa.
Để phát triển bền vững, Liên hợp quốc đã phác thảo các nguyên tắc về thanh toán kỹ thuật số có trách nhiệm nhằm giải quyết một số rủi ro như đánh cắp danh tính và lừa đảo.
Động lực thúc đẩy của sự bền vững
Không chỉ các chính phủ đang mở ra cơ hội thay đổi. Các doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng.
Các thương hiệu bán lẻ toàn cầu như H&M và Gap đang số hóa việc trả lương cho công nhân tại những nhà máy mà họ lấy hàng.
“Nhiều công ty lớn được kỳ vọng sẽ minh bạch hơn trong chuỗi cung ứng. Số hóa các khoản thanh toán là một cách tiếp cận quan trọng”, bà Isvary Sivalingam cho biết.
Các công ty cũng muốn tăng cường chuỗi cung ứng bằng cách số hóa các khoản thanh toán trong lĩnh vực nông nghiệp cấp cơ sở. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, phụ nữ thường đóng một vai trò quan trọng trong các trang trại nhỏ, chiếm khoảng 70 - 80% diện tích đất nông nghiệp ở một số nước đang phát triển.
Quốc gia châu Phi Ghana - một trong những nhà sản xuất ca cao lớn nhất thế giới - từng bị ảnh hưởng bởi hành vi trộm cắp và tấn công bạo lực nhằm vào những người nông dân được trả thù lao bằng tiền mặt, cho đến khi Tổ chức Ca cao Thế giới - một thành viên của liên minh “Better Than Cash Alliance - giúp chính phủ chuyển hướng sang thanh toán kỹ thuật số nhằm giúp khắc phục khoản thất thoát hàng năm khoảng 21,5 triệu USD.
Thanh toán kỹ thuật số được coi là dấu mốc phân định “thắng lợi hay thất bại” đối với một số công ty ca cao của Ghana đang phải phụ thuộc vào chu kỳ thanh toán bằng tiền mặt chậm trễ hơn trong ngành nông nghiệp có tính cạnh tranh cao này.
Giờ đây, liên minh do Liên hợp quốc hỗ trợ đang tìm cách truyền tải những bài học kinh nghiệm ở Ghana này đến Indonesia - nhà sản xuất ca cao lớn nhất của châu Á. Nền tảng phục vụ mục tiêu chuyển đổi thanh toán dành cho khoảng một triệu nông dân tham gia sản xuất ca cao ở Indonesia sẽ được mở ra trong những tháng tới.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()