Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 08/11/2024 16:23 (GMT +7)
Tiền đề cho sự hình thành nhân cách con người
Chủ nhật, 10/03/2024 | 07:23:40 [GMT +7] A A
Văn hóa con người là sự tổng hòa giữa các yếu tố: Tính cách, phong thái, nhân cách, đạo đức, học vấn và các kỹ năng cần thiết. Lịch sử và thực tế đã chứng minh vai trò của phụ nữ đối với quá trình hình thành và phát triển văn hóa con người không chỉ với Việt Nam mà cả thế giới.
Trước hết, với đặc điểm về giới, người phụ nữ nắm giữ vai trò quan trọng và quyết định đối với sự hình thành, phát triển tính cách và phong thái của con người. Con người được hình thành trong cơ thể của người phụ nữ và ngay từ khi mới sinh ra, họ lại được nuôi dưỡng, chăm sóc trong lòng mẹ, bà, chị... Hơi ấm yêu thương, bàn tay đảm đang, ân cần và những câu hát ru của những người phụ nữ có giá trị đặc biệt đối với sự hình thành tính cách, phong thái của đứa trẻ, nhất là từ khi lọt lòng đến khi 6 tuổi.
Trong cuốn Cơ sở văn hoá Việt Nam (Nhà Xuất bản Giáo dục Hà Nội - 2000, trang 17), Giáo sư Trần Quốc Vượng đã chỉ ra rằng “Chính các bà mẹ Việt Nam đã góp phần giữ gìn và phát triển tiếng nói của dân tộc. Từ trong lời ru của mẹ, tiếng hát nơi ruộng lúa, nương dâu, cho đến lời nói hằng ngày, đều biểu hiện cuộc sống và tâm hồn người Việt”. Nghiên cứu về vai trò của người phụ nữ, Phó giáo sư Lê Thị Nhâm Tuyết - nhà nhân học xã hội tiên phong trong nghiên cứu về giới và phụ nữ ở Việt Nam cũng khẳng định: “Phụ nữ Việt Nam là người bảo vệ và phát triển văn hóa dân tộc bao gồm tất cả các dạng của nền văn hóa: Văn hóa tinh thần, văn hóa xã hội và gia đình”.
Người Việt Nam có câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, “Phúc đức tại mẫu”, thoạt nghe nhiều người nghĩ đến phần lỗi của phụ nữ khi con trẻ không ngoan nhưng kỳ thực những câu này có nhiều ý nghĩa nhưng trong đó nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của người phụ nữ đối với hoạt động giáo dục con cái. Họ có vai trò quyết định trong quá trình giáo dục nhân cách, đạo đức, kiến thức tự nhiên - xã hội, các kỹ năng mềm cần thiết trong cuộc sống và lao động của con em mình. Phụ nữ chính là người trực tiếp, thường xuyên và quan trọng nhất trong việc giáo dục và trang bị kỹ năng cho con em mình từ khi mới sinh ra cho đến khi trưởng thành.
Một điều dễ thấy nhất là với vai trò làm vợ, người phụ nữ chính là người tạo ra và duy trì hạnh phúc và sự ổn định, êm ấm trong gia đình. Gia đình hạnh phúc, ấm áp, tràn đầy yêu thương và niềm tin tưởng chính là nền tảng quan trọng cho những thành viên tự tin, yên tâm trong công tác, học tập và các hoạt động xã hội. Bên cạnh người mẹ, người vợ thì người cô (cô giáo), người chị, người em gái cũng có vai trò quan trọng trong việc tham gia điều tiết quá trình hoạt động và suy nghĩ của con người nói chung.
Nhận thức được vai trò quan trọng của người phụ nữ không chỉ trong quá trình hình thành và phát triển văn hóa con người mà trên mọi mặt đời sống, xã hội, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước đã khẳng định: “Phụ nữ vừa là người lao động, người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người”.
Ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển, hiện đại với xu thế hội nhập sâu trong khu vực và toàn thế giới thì vai trò của phụ nữ Việt Nam đối với đất nước nói chung thì công tác hình thành và phát triển văn hóa con người Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng hơn. Quảng Ninh đang trên đường phát triển. Bản sắc văn hóa và giá trị con người Quảng Ninh được xác định chính là tài sản vô giá, là động lực quan trọng để xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, phồn vinh thì vai trò của phụ nữ đối với quá trình hình thành và phát triển văn hoá con người càng có vai trò, ý nghĩa quan trọng hơn nữa.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()