Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:48 (GMT +7)
Phương Tây kéo Armenia về phía mình như thế nào giữa xung đột Ukraine
Thứ 6, 08/09/2023 | 07:32:42 [GMT +7] A A
Mục tiêu của các cuộc tập trận chung Mỹ-Armenia có thể là cố gắng "đẩy Nga ra khỏi khu vực, để chứng tỏ Nga không có khả năng giải quyết các vấn đề đang tồn tại" - theo chuyên gia Nga.
Bộ Quốc phòng Armenia ngày 6/9 thông báo rằng các cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ có tên "Đối tác đại bàng 2023" sẽ được tổ chức tại Armenia từ ngày 11 đến 20/9. Loạt cuộc tập trận này gây lo ngại ở Moskva khi nó diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine, với nỗ lực ủng hộ của phương Tây dành cho Kiev.
Bộ Quốc phòng Armenia cho biết trong một tuyên bố rằng cuộc tập trận Eagle Partner 2023 sắp tới sẽ bao gồm "nhiệm vụ ổn định giữa các bên xung đột trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình".
Theo đài Sputnik (Nga), hôm 1/9, Yerevan ra tín hiệu sẵn sàng tiếp tục hợp tác với NATO trong Kế hoạch hành động đối tác cá nhân (IPAP), trong khi ngày hôm sau Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trả lời phỏng vấn tờ báo La Repubblica của Italy tuyên bố sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Nga ở Nagorno-Karabakh "đã thất bại" và rằng Nga đang "rời khỏi" Nam Kavkaz.
Đáp lại, Điện Kremlin bày tỏ sự không đồng tình với tuyên bố của ông Pashinyan. "Nga là một phần tuyệt đối không thể thiếu của khu vực này nên không thể đi đâu cả", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh.
Bình luận sau đó về cuộc tập trận Mỹ-Armenia, người phát ngôn Peskov lưu ý rằng hoạt động đó gây lo ngại, "đặc biệt là trong tình hình hiện tại", đồng thời nói thêm rằng Moskva "sẽ phân tích sâu tin tức này và theo dõi tình hình".
Đằng sau những thông điệp hỗn hợp từ Yerevan
Armenia và Azerbaijan đã xung đột hai lần - vào đầu những năm 1990 và năm 2020 - về khu vực Nagorno-Karabakh có dân cư Armenia sinh sống, nơi đã tuyên bố ly khai khỏi Baku vào năm 1991-1992. Cuộc xung đột kéo dài 1,5 tháng nổ ra vào năm 2020 đã kết thúc bằng lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian và việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga tới khu vực.
Tuy nhiên, theo ông Alexander Konkov, phó giáo sư Khoa phân tích chính trị tại Đại học Lomonosov Moscow, các thế lực bên ngoài đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực bằng cách thao túng dư luận ở Armenia. Ông lập luận rằng mục tiêu của các cuộc tập trận chung Mỹ-Armenia là cố gắng "đẩy Nga ra khỏi khu vực, để chứng tỏ là Nga không có khả năng giải quyết các vấn đề đang tồn tại, như cáo buộc [của phương Tây]".
Ông Konkov nói: "Việc xích lại gần với NATO và phương Tây nói chung sẽ không mang lại điều gì tích cực trong việc giải quyết các vấn đề của Armenia: đơn giản là họ không có đủ năng lực và nguồn lực. Thay vào đó, nó sẽ đưa đến sự bất ổn quá mức, điều mà Yerevan chắc chắn không cần lúc này".
Thời điểm nhạy cảm của cuộc tập trận
Theo các nhà quan sát, thời điểm diễn ra các cuộc tập trận Mỹ - Armenia lúc này là rất quan trọng. Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022, áp lực của phương Tây lên các nước láng giềng, đồng minh và đối tác của Nga đã gia tăng một cách mạnh mẽ.
"Armenia là đối tác chiến lược của Moskva, và tất nhiên, chúng tôi có mối quan hệ rất lớn, nhưng họ đang bị các nước phương Tây kéo về phía mình. Điều này là để làm gì? Để nhen nhóm lại xung đột ở Nam Caucasus, gần biên giới Nga", Evgeny Mikhailov, nhà khoa học chính trị, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Nam Caucasus (Nam Kavkaz), nói với Sputnik.
Ông Mikhailov đã lưu ý đến thực tế là vào ngày 4/9, ông Gunter Fehlinger, Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận phi chính phủ "Ủy ban mở rộng NATO châu Âu" đã kêu gọi Armenia gia nhập Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.
Những gợi ý của phương Tây về tư cách thành viên NATO tiềm năng của Armenia đặc biệt đáng lo ngại vì nước này là một phần của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) - một liên minh quân sự liên chính phủ ở Á-Âu - cùng với Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan. Hơn nữa, tuần trước Yerevan đã chuyển đại diện thường trực của mình tại CSTO sang một vị trí khác và vẫn chưa có quyết định nào về việc bổ nhiệm người kế nhiệm.
Chuyên gia Mikhailov cho biết, ngoài Mỹ, Pháp cũng đang cố gắng đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực.
"Pháp ủng hộ Armenia và các hành động của họ. Pháp đang nỗ lực hết mình để vào khu vực. Ông Pashinyan đã nghĩ đến lực lượng gìn giữ hòa bình của Pháp khi tuyên bố rằng nếu Nga không thể đối phó, họ có thể mời 'những người gìn giữ hòa bình khác’”, chuyên gia này nói.
Tại sao Mỹ khó có thể đảm bảo an ninh của Armenia?
Theo Stanislav Pritchin, nhà nghiên cứu cấp cao tại IMEMO RAS và phó giáo sư tại Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga, các cuộc tập trận chung Mỹ-Armenia phần lớn mang tính biểu tượng và sẽ không có tác dụng gì nhiều trong việc thực sự đảm bảo hòa bình và ổn định ở Armenia.
Theo ông Pritchin, cần lưu ý rằng Armenia không có ý nghĩa chiến lược đặc biệt đối với Mỹ ở Nam Caucasus.
Ông nghi ngờ Washington sẽ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình để làm trung gian hòa giải giữa Armenia và Azerbaijan. Vẫn còn lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga tại căn cứ quân sự Nga ở Gyumri và họ sẽ không rời khỏi khu vực.
Đồng thời, việc này đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có đứng về phía Yerevan trong các vấn đề liên quan đến Nagorno-Karabakh hay không, vì Thổ Nhĩ Kỳ – một đồng minh NATO của Mỹ – đang ủng hộ Azerbaijan, ông Pritchin nói tiếp. Đồng thời, Azerbaijan được hỗ trợ bởi Israel, một đối tác lâu dài khác của Washington, nhà nghiên cứu Pritchin nói thêm.
Đánh giá về tư cách thành viên NATO của Armenia
Theo chuyên gia Pritchin, khi nói đến triển vọng trở thành thành viên NATO của Armenia, mọi chuyện cũng có vẻ ảm đạm vì Ankara khó có thể ủng hộ cho một diễn biến như vậy.
"Trong trường hợp của Armenia, có yếu tố Azerbaijan ở đây và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ thực hiện các bước đi có thể gây tổn hại cho Azerbaijan. Theo đó, việc cải thiện hệ thống an ninh của Armenia bằng cách gia nhập hệ thống NATO đều không có lợi cho cả Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan”, vị chuyên gia cho biết.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()