Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 07:48 (GMT +7)
Pò Hèn gió hát
Thứ 2, 25/07/2022 | 08:27:25 [GMT +7] A A
Một ngày trung tuần tháng 7/2022, sau cơn mưa ngắn bất chợt, trời Pò Hèn xanh ngắt trở lại. Nhiều đoàn khách, chủ yếu là các CCB, nhẹ bước về Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn (xã Hải Sơn, TP Móng Cái), thành kính thắp nén nhang thơm. Lúc này chợt xuất hiện những cơn gió, hàng cây nghiêng về một bên như những người đồng đội chào nhau lúc gặp mặt. Thiếu tá Phùn Văn Dũng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pò Hèn, nói: "Khu tưởng niệm nằm ở vị trí đón gió, cũng có thể là một sự trùng lặp, mỗi khi có các đoàn khách đến viếng thăm là nơi đây đều nổi gió...".
Tượng đài của tinh thần bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia
Hơn 43 năm trước, ngày 17/2/1979 tại Pò Hèn đã diễn ra trận chiến đấu ác liệt. 73 người con đất Việt đã mãi mãi nằm lại nơi đây để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biên giới quốc gia. Họ là 45 cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng 209 (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn), 1 nữ cán bộ ngành thương nghiệp Hải Ninh - chị Hoàng Thị Hồng Chiêm và 27 cán bộ, TNXP thuộc Nông lâm trường Hải Sơn.
Giai đoạn sau này (1979-1990) thêm 13 cán bộ, chiến sĩ biên phòng Pò Hèn ngã xuống khi làm nhiệm vụ tuần tra biên giới. Tất cả 86 anh hùng liệt sĩ được đưa về ghi danh tưởng nhớ tại Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn.
Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn hiện nay được xây dựng năm 2018, rộng 86.000m2, bao gồm các hạng mục: Đài tưởng niệm, đỉnh hương, 2 nhà bia, 2 bia đá, nhà lưu niệm, sân vườn, giao thông, cây xanh. Trong đó hạng mục Đài tưởng niệm cao 16m, bằng chất liệu bê tông cốt thép, ốp đá, quay mặt về phía Bắc, thiết kế theo kiến trúc hình tượng 3 bàn tay chụm vào nhau ôm ngôi sao màu vàng, tượng trưng cho 3 dân tộc Kinh, Tày, Sán Chỉ cùng nhau bảo vệ vùng biên của Tổ quốc.
Trước đó Khu tưởng niệm này là một tum nhỏ được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn dựng tạm để tưởng nhớ đồng đội. Đến năm 1996 chính thức có các công trình xây dựng bền vững đầu tiên, rồi lần lượt được nâng cấp, cải tạo, trùng tu trong những năm tiếp theo 1996, 2010, 2014 và gần đây nhất là năm 2018.
Đã hơn 43 năm trôi qua, trận Pò Hèn 17/2/1979 được nhắc nhớ nhiều hơn cả khoảng từ năm 2017 đến nay. Những người hiểu về Pò Hèn đều biết mỗi viên gạch, thớ vữa, mỗi tấc đất ở Khu tưởng niệm đều thấm đẫm máu xương, đều có tâm hồn. Dưới chân họ chính là chiến địa, với dọc ngang hệ thống giao thông hào, các ụ súng, các hầm trú ẩn, cũng là nơi chiến sĩ ta chiến đấu và trút hơi thở cuối cùng.
Khi nằm lại trong lòng đất mẹ có người dầy dạn tuổi quân, kinh qua nhiều trận đánh, quen với cái sống cái chết, nhưng cũng có những chàng trai, cô gái tuổi đời vừa tròn đôi mươi, xách ba lô đến vùng biên giới với thật nhiều lý tưởng, tiếng nói tiếng cười còn giòn tan trong gió đâu đây.
Câu chuyện của người bước ra từ trận chiến
CCB Hoàng Như Lý (quê xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu; hiện trú xã Hải Xuân, TP Móng Cái) là một trong số ít người sống sót sau trận 17/2/1979. Ông là trinh sát Đồn Biên phòng 209, trực tiếp chiến đấu, bị thương, bị địch bắt và được trao trả sau đó vài tháng. Cũng kể từ đó ông Lý không theo nghiệp binh, mà được chuyển sang làm công nhân lâm nghiệp, cũng như nhiều nghề khác để mưu sinh…
Ông Lý cho biết: Hơn 43 năm đã trôi qua, nhưng ngày 17/2/1979 như thước phim quay chậm chưa khi nào ông quên, chưa khi nào thôi khắc khoải. Chỉ trong một buổi sáng, 2 lãnh đạo có mặt tại Đồn là Đồn phó Đỗ Sỹ Họa và Chính trị viên Phạm Xuân Tảo đều hy sinh cùng với 43 đồng đội...
Là người may mắn sống sót, nhiều năm qua ông Lý thường xuyên có mặt ở Pò Hèn để hương khói cho đồng đội, tìm kiếm những đồng đội còn sống sót, gặp mặt thân nhân những đồng đội đã mất tìm về.
Ngày 16/2/2019, ông Lý tổ chức được buổi gặp mặt CCB Pò Hèn tại nhà riêng sau 40 năm xa cách. Cũng từ các mối liên lạc này mà ông Lý biết lần cuối cùng trước khi hy sinh, đồng đội Trần Văn Khoát (xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) được gặp con 8 tháng tuổi, trước lúc lên đường tặng con tờ 5 đồng, hiện đồng tiền kỷ vật này luôn được gia đình gìn giữ. Đồng đội Vũ Văn Vượng (quê Phong Cốc, TX Quảng Yên) lên Đồn sớm hơn kỳ nghỉ phép được duyệt, cho đến lúc anh hy sinh vẫn là đang trong kỳ nghỉ của mình. Đồng đội Vũ Trọng Hiên (quê Phong Cốc, TX Quảng Yên) đến khi nằm xuống không kịp biết mình có cậu con trai Vũ Trọng Hùng, kết quả của tình yêu đẹp với cô TNXP Nguyễn Thị Thê. Sau này Vũ Trọng Hùng (con Liệt sĩ Vũ Trọng Hiên) nhiều lần trở lại Pò Hèn để thăm lại vùng đất bố anh đã ngã xuống. Đồng đội Nguyễn Văn Mật hy sinh khi ngày vui trăm năm của anh đã được gia đình ấn định tổ chức ngày 26/2/1979…
Trong quá trình liên lạc với đồng đội, ông Lý cũng đã cùng với gia đình liệt sĩ Nguyễn Mạnh Hà (phường Yên Thọ, TX Đông Triều) tìm kiếm và di chuyển mộ của liệt sĩ về nghĩa trang địa phương theo nguyện vọng của gia đình.
Ngày 27/7/2017, ông Lý cùng với gia đình liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm (phường Bình Ngọc, TP Móng Cái) đón lễ ăn hỏi của gia đình liệt sĩ Bùi Văn Lượng (phường Phong Cốc, TX Quảng Yên) như một lời báo cáo tổ tiên 2 họ để hương hồn 2 liệt sĩ tìm gặp nhau. Ông Lý cho biết: "Tôi làm điều này như để trả cái ân, cái tình với 2 đứa, cũng là trách nhiệm, nghĩa tình đồng đội. Lượng là đồng đội cùng đơn vị với tôi, Chiêm là nhân viên Cửa hàng mậu dịch Pò Hèn, 2 đứa yêu thương nhau. Trước đó, ngày 8/2, tôi đã đưa Lượng và Chiêm đến gặp lãnh đạo Đồn để báo cáo việc xin tổ chức đám cưới cho 2 đứa. Vậy mà chỉ chưa đầy 10 ngày sau, Chiêm và Lượng đều đã hy sinh, bỏ lại ước mơ của đôi trẻ…".
Còn đó những ước nguyện
Hơn 43 năm đã trôi qua, những câu chuyện mà chúng tôi ghi được từ những CCB bước ra từ trận đánh 17/2/1979 là những ký ức hào hùng về thời khắc lịch sử chiến đấu quên thân để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc; những biết ơn và nhớ thương dành cho đồng đội, và cả những nỗi niềm đã trở thành ước nguyện.
Theo ông Vũ Ngọc Mai, nguyên Đồn trưởng Đồn Biên phòng 209 (hiện trú xã Đại Bình, huyện Đầm Hà), Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn đã được dựng xây to đẹp, nhưng vẫn còn đó những chốt đồi Tây, đồi Quế, chốt Trạm Kiểm soát Cửa khẩu Pò Hèn, 3 vị trí hỏa lực trọng yếu của ta trong trận chiến, hay hệ thống giao thông hào chạy dọc trận địa vẫn còn nguyên những vị trí ụ súng, hầm trú ẩn… cần phải được khoanh vùng, bảo vệ và dựng xây tương xứng, thay vì để hoang hóa, có nguy cơ bị vùi lấp trong đất đá như hiện nay. Cùng với đó những tư liệu lịch sử, công trình lưu niệm dành riêng cho các đơn vị TNXP tham gia trận chiến này cần phải được làm rõ và đầy đủ hơn, tương xứng với những hy sinh của họ.
Rất đồng tình với ông Vũ Ngọc Mai, bà Lương Thị Tư (hiện trú phường Hải Hòa, TP Móng Cái), cựu TNXP Nông lâm trường Hải Sơn, cho rằng trong trận đánh ngày 17/2/1979, 3 đại đội TNXP thuộc Nông lâm trường Hải Sơn là những đơn vị đầu tiên va chạm với địch, họ đã chiến đấu anh dũng để cầm chân địch, làm chậm bước tiến của địch, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng biên phòng. 27 người đã vĩnh viễn nằm xuống, đó là sự hy sinh quá lớn lao, tuy nhiên thông tin về lực lượng này hiện rất thiếu và yếu. Môt số hộ TNXP liên quan đến trận chiến ngày 17/2/1979 nói trên, đến nay đời sống vẫn khó khăn, rất cần được tiếp tục quan tâm, hỗ trợ.
Nữ mậu dịch viên Hoàng Thị Hồng Chiêm, hình tượng của chị đã từng được dựng tượng, tên chị được đặt tên cho ngôi trường THCS tại quê nhà xã Bình Ngọc (TP Móng Cái). Tuy nhiên, hiện ngôi trường này đã đổi tên và chuyển vị trí khác. Tượng đài liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm cũng vì thế mà nằm trong khuôn viên bỏ hoang, bị xuống cấp. Nhiều năm qua, gia đình và người dân vùng quê Bình Ngọc vẫn mong muốn được trả lại tên Hoàng Thị Hồng Chiêm cho ngôi trường như một niềm tự hào về người con anh hùng; đồng thời đề xuất tu sửa, chỉnh trang Tượng đài liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm trang nghiêm, trân trọng hơn.
Trận Pò Hèn ngày 17/2/1979 mãi mãi là dấu son trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc của quân và dân ta. Tên tuổi và chiến công của các anh hùng liệt sĩ đã trở nên bất tử. Như câu hát trong “Bài ca trên đỉnh Pò hèn” của nhạc sĩ Thế Song: Ai về núi Pò Hèn/ Theo đường nam Thán Phún thân quen/ Nhớ mãi cái tên đã trở nên bất tử… cứ vang mãi trong tôi. Đài tưởng niệm Pò Hèn được thiết kế 3 bàn tay chụm vào nhau, với tôi không chỉ tượng trưng cho 3 dân tộc Kinh, Tày, Sán Chỉ nơi đây, mà còn tượng trưng cho 3 lực lượng biên phòng, TNXP và thương nghiệp sát cánh bên nhau chiến đấu bảo vệ vùng đất biên cương của Tổ quốc.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()